>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

1. Người quản lý cơ sở kinh doanh, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Trong Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013, điều kiện về nhân lực của cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được yêu cầu là phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. Những cá nhân này có thể bao gồm: Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, các thành viên công ty hợp danh; Người đứng đầu chi nhánh hoặc cấp phó của người đứng đầu chi nhánh của doanh nghiệp; Một trong những người quản lý cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp, hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật; Người trực tiếp quản lý cửa hàng đối với cửa hàng buôn bán thuốc tại một địa điểm cố định.

 

2. Quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định rõ ràng tại Điều 64 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;

c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;

d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;

đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;

e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;

k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;

l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

3. Điều kiện địa điểm kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Điều kiện về địa điểm kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cũng là một trong những điều kiện cần có để các cá nhân, tổ chức có thể thành lập một cơ sở buôn bán. Điều kiện về địa điểm được yêu cầu phải đảm bảo:

-  Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;

-  Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;

Nhìn chung, những quy định này còn quá chung chung và người kinh doanh không thể biết được như thế nào là đủ "khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường" hay kho thuốc "đúng quy định"... Do vậy, Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và mới nhất là Nghị định 123/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2016/NĐ-CP đã làm rõ những khái niệm trên.

Đối với địa điểm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Nghị định quy định phải tách biệt với khu vực dịch vụ ăn uống, trường học, bệnh viện; khi xây dựng phải cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20m.

 

4. Điều kiện trang thiết bị để kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Điều kiện về trang thiết bị đối với cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trước đây được quy định trong Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, Thông tư này đã bị bãi bỏ bởi Quyết định 2655/QĐ-BNN-PC năm 2016, do vậy quy định điều kiện về trang thiết bị không còn nữa và thay vào đó, cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chỉ phải tuân thủ những quy định chung về thiết bị trong TCVN 2290: 1978.

 

5. Điều kiện về kho bãi bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Kho thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố là một trong ba điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật 2013. Cụ thể hóa quy định này, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 123/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định như sau:

- Đối với cơ sở bán buôn, kho thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;

- Đối với cơ sở bán lẻ, kho thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng cách nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 m và có kệ kê hàng cao tối thiểu 10cm so với mặt sàn, cách tường tối thiểu 20cm.

Cụ thể hơn nữa, trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 2207:2002 quy định về nhà kho, nhà xưởng như sau:

4.2.1 Nhà xưởng, kho tàng của các cơ sở có hóa chất nguy hiểm, khi thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo phải theo qui định trong TCVN 2622: 1995 ; TCVN 4604: 1988 và phải đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư và cuối nguồn nước .

Không được bố trí nhà xưởng, kho tàng ở đầu hướng gió thuộc hướng gió ưu thế so với cơ sở. Nếu bố trí các cơ sở này trong hang hầm thì phải có đủ các biện pháp đảm bảo yêu cầu về an toàn lao động và vệ sinh lao động.

Hệ thống thông gió nhà xưởng, kho tàng phải theo qui định TCVN 3288:1979.

4.2.2 Nhà xưởng, kho hóa chất nguy hiểm phải khô ráo không thấm, dột, phải có hệ thống thu lôi chống sét, phải định kỳ kiểm tra hệ thống này theo các qui định hiện hành.

4.2.3 Kho hóa chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ hàng năm về an toàn và biện pháp đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.

4.2.4 Hóa chất nguy hiểm nhất thiết phải để trong kho. Kho chứa hóa chất nguy hiểm phải qui hoạch khu vực sắp xếp theo tính chất của từng loại hóa chất. Không được xếp trong cùng một kho các hóa chất có khả năng phản ứng với nhau, hoặc có phương pháp chữa cháy khác nhau.

4.2.5 Bên ngoài kho, xưởng phải có biển “Cấm lửa”, “cấm hút thuốc”, chữ to, màu đỏ; biển ghi ký hiệu chất chữa cháy. Các biển này phải rõ ràng và để ở chỗ dễ thấy nhất.

4.2.6 Khi xếp hóa chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hóa như sau:

- Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tương ít nhất 0,5 m, hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3m;

- Hóa chất dạng lỏng chứa trong phuy, can… và hóa chất dạng khí chứa trong các bình chịu áp lực phải được xếp đúng qui định;

- Các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m;

- Lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m;

- Không được xếp các lô hàng nặng qua tải trọng của nền kho;

- Không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho;

- Thường xuyên kiểm tra các lô hàng, thông gió, thoát ẩm, lớp hóa chất cuối cùng không bị đè hỏng.

Như vậy, trên đây là toàn bộ các quy định mới nhất về các điểu kiện, yêu cầu đối với cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật. Các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ cả ba yêu cầu trên đây mới đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

 

6. Bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn đối với cá nhân kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Đối với các chủ cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp điều hành cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp buôn bán (chưa có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học) thì thời gian bồi dưỡng sẽ là 3 tháng với nội dung bồi dưỡng bao gồm:

- Quy định quản lí thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

- Quy định về xử lí vi phạm hành chính liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

- Đại cương về thuốc bảo vệ thực vật;

- Phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật, đặc tính của thuốc bảo vệ thực vật;

- An toàn trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

- Biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật;

- Cách đọc nhãn thuốc;

- Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

- Đại cương sinh vật gây hại thực vật, một số sinh vật gây hại phổ biến và biện pháp phòng trừ;

- Kiến thức pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy;

- Thực hành, tham quan thực tế.

Sau đó, cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật theo mục I Phụ lục XXII của Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT.

Đối với người trực tiếp quản lý, điều hành các bộ phận liên quan trực tiếp đến sản xuất, người trực tiếp sản xuất, thủ kho thì thời gian tập huấn sẽ là 3 ngày đối với các nội dung:

- Quy định quản lí thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

- Quy định về xử lí vi phạm hành chính liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

- An toàn trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

- Biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật;

Sau đó, cá nhân sẽ được cấp Giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo mục II Phụ lục XXII của Thông tư này.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có yêu cầu bồi dưỡng chuyên môn, thực tập thì có thể đăng kí danh sách và gửi về Chi cụ Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo Điều 38 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT quy định như sau:

Điều 38. Bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật
1.Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
2. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng nội dung, chương trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 của Thông tư này;
Ngay sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư này.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!