1. Cơ sở pháp lý về hợp đồng dịch vụ pháp lý

- Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi năm 2012

- Nghị định 82/2020/NĐ-CP

2. Giá dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ pháp lý

2.1 Quy định chung về giá dịch vụ

Giá dịch vụ của hợp đồng dịch vụ pháp lý trong lĩnh vực hành nghề luật sư là một trong những nội dung quan trọng trong hợp đồng, vì có nhiều trường hợp thù lao cũng là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, tiến độ thực hiện công việc.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là hợp đồng có đền bù, khi khách hàng được hưởng kết quả hoặc lợi ích từ công việc của Luật sư thì khách hàng cũng phải hoàn trả cho luật sư một lợi ích tương ứng, cụ thể là khách hàng phải trả thù lao cho luật sư khi sử dụng dịch vụ pháp lý.

Thù lao Luật sư được Luật sư và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Cụ thể mức thù lao Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và tổ chức hành nghề luật sư thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dữa trên các căn cư quy định trong Luật Luật sư và được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP).

Khi giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý (Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư năm 2019). DO đó, nội dung về thù lao Luật sư trong Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được các bên thỏa thuận và ghi rõ mức thù lao, phương thức tính thù lao và phương thức thanh toán thù lao.

2.2. Về căn cứ tính thù lao

+ Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý:

Luật sư đưa ra mức thù lao dựa trên cơ sở đánh giá nội dung, tính chất của vụ việc mà khách hàng yêu cầu thực hiện. Có quyd dịnh này là bởi phạm vi các công việc của dịch vụ pháp lý rất rộng, không phải công việc nào cũng giống nhau, có những công việc có tính chất phức tạp đòi hỏi ở Luật sư nhiều yếu tố mới có thể thực hiện được.

+ Thời gian và công sức của Luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý:

Để một công việc được hoàn thành và đạt kết quả nhất định thì Luật sư thực hiện công việc đó phải đầu tư thời gian và công sức của bản thân, thâm chí là của những người hỗ trợ luật sư (trợ lý). Thời gian thực hiện công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng phụ thuộc vào tính chất của hợp đồng vì không phải vụ việc nào cũng được giải quyết trong một khoảng thời gian như nhau, trên thực tế có những vụ việc mà Luật sư phải thực hiện kéo dài nhiều tháng hoặc đến vài năm cũng có. Công sức là việc Luật sư sử dụng những tiềm lực mà mình có để thực hiện công việc cho khách hàng như: Soạn thảo đơn từ cho khách hàng, nghiên cứu quy định pháp luật để tư vấn cho khách hàng, ....

+ Kinh nghiệm và uy tín của luật sư:

Ở Việt Nam hay ở bất cứ nước ngoài trên thế giới, kinh nghiệm và uy tín của Luật sư là những yếu tố quan trọng giúp ích cho Luật sư trong hoạt động hành nghề, đem lại cho Luật sư nhiều khách hàng. Điều này tương tự như đối với các thương hiệu nổi tiếng trong ngành sản xuất, kinh doanh, sản phẩm tốt, nhiều người biết đến, có uy tín trong cộng đồng người tiêu dùng thì giá thành tương ứng sẽ thường cao hơn các sản phẩm cùng lĩnh vực mà có độ uy tín, cũng như chất lượng thấp hơn. Thực tế không phải Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nào cũng có nhiều kinh nghiệm hành nghề và có uy tín. Mà để có nhiều kinh nghiệm và xây dựng được uy tín của bản thân Luật sư nói riêng, tổ chức hành nghề luật sư nói chung thì luật sư cũng đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tập sức học tập, rèn luyện và hành nghề. Do đó, Luật sư có nhiều kinh nghiệm và có uy tín cao trong hoạt động hành nghề luật sư ở VIệt Nam thì mức thù lao cũng sẽ được nâng cao để phù hợp với vị thế và chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Và ngược lại Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa khẳng định được uy tín đối với khách hàng thì mức thù lao đưa ra khó có thể cao được. Cho nên, thực tế, kinh nghiệm và uy tín của Luật sư cũng là một căn cứ để xác định thù lao.

2.3. Phương thức tính thù lao

Phương thức tính thù lao được xác định theo giờ làm việc của luật sư, vụ, việc với mức thù lao trọn gói; vụ việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định (khoản 2 Điều 55 Luật luật sư).

2.4. Phương thức thanh toán thù lao:

Việc thanh toán thù lao Luật sư có thể thah toán một lần hoặc thanh toán nhiều lần tùy theo thỏa thuận của các ben. Thông thường, sau khi đã thỏa thuận xong về thù lao Luật sư trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, Luật sư thường yêu cầu khách hàng thanh toán trước cho Luật sư một khoản tạm ứng (trong thù lao đã thỏa thuận) để Luật sư sử dụng cho mục đích thực hiện vụ việc của khách hàng.

Ngoài những nội dung về thù lao Luật sư, các bên có thể thỏa thuận về chi phí khác như chi phí đi lại, ăn ở,... thường là do khách hàng chi trả cho Luật sư trong phạm vi thực hiện công việc của hợp đồng dịch vụ pháp lý. Và các quy định loại trừ những khoản chi khác ngoài thù lao như phí thủ tục hành chính, án phí, lệ phí Tòa án... Những khoản này sẽ do khách hàng chịu trách nhiệm trả hoặc theo thỏa thuận của Luật sư và khách hàng sử dụng một phần tiền trong thù lao Luật sư để chi trả những khoản chi phí đó.

2.5. Phí thành công

Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý, các bên có thể thỏa thuận về "phí thành công" là khoản tiền ngoài tiền dịch vụ mà khách hàng sẽ trả thêm cho tổ chức hành nghề luật sư khi công việc đạt được mục tiêu nhất định. Phí thành công trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có những nét tương đồng với quy định về hứa thưởng trong Bộ luật dân sự 2-15. Phí thành công không được pháp luật quy định cụ thể những cũng không có quy định cấp cho nên trong hợp đồng dịch vụ pháp lý cần phải ghi rõ trường hợp nào thì Luật sư được hưởng phí thành công. Mức phí thành công do các bên thỏa thuận, có thể là một khoản tiền nhất định hoặc theo tỷ lệ phần trăm của giá trị kết quả mang lại cho khách hàng. Nếu thù lao luật sư được xác định theo các yếu tố như tính chất của vụ việ, thời gian, công sức mà luật sư phải bỏ ra để thực hiện công việc thì phí thành công lại được xác định dựa trên mục tiêu của công việc.

Ví dụ: Các bên thỏa thuận, trường hợp Tòa án ra quyết định có lợi, bảo vệ được quyền lợi của khách hàng thì tổ chức hành nghề luật sư được hưởng phí thành công. Ngược lại, nếu Tòa án ra quyết định bất lợi thì tổ chức hành nghề luật sư không được khách hàng trả phí thành công.

Đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức thì thù lao Luật sư là tiền lương do các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động. CĂn cứ và phương thức tính thù lao cũng sẽ được các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nếu trong quá trình làm việc phát sinh những công việc mới có tính chất phức tạp, không còn phù hợp với căn cứ tính thù lao mà các bên đã thỏa thuận trước đó thì các bên có thể sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã ký nhằm đảm bảo Luật sư được nhận mức thù lao phù hợp với công việc thực hiện và công sức bỏ ra.

Bên cạnh những quy định pháp luật về thù lao thì Luật sư cũng cần lưu ý đối với quy định cấm của luật về thù lao. Luật sư không được "Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý". Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7 Nghị định 82/2020/NĐ-CP nếu luật sư có hành vi này với khách hàng thì có thể sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

3. Có nên quy định mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự?

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên bãi bỏ quy định về mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Luật sư năm 2006 và khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2013/NĐ-CP vì lý do: quy định về mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự là quy định hạn chế quyền tự do thỏa thuận của các bên, phương thức tính thù lao theo quy định này không phù hợp với căn cứ tình thù lao luật sư trong Luật Luật sư. Điều này có thể hiểu dù nội dung, tính chất của vụ án có khó đến đâu, Luật sư phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian để nghiên cứu, tham gia, giải quyết, Luật sư có nhiều kinh nghiệm và uy tín như thế nào thì mức thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự cũng bị giới hạn theo phương pháp tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc nhưng mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của luật sư không được vượt quá 0.3 lần mức lương cơ sở do Chính phủ quy định. 

DO đó, để phù hợp với các căn cứ tính thù lao luật sư cũng như tạo điều kiện cho các bên tham  gia giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý được tự do thỏa thuận những gì mà pháp luật không cấm, cần bãi bỏ quy định về mức trần thù lao luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự.

Trên đây là nội dung chia sẻ về giá dịch vụ hợp đồng dịch vụ pháp lý (thù lao luật sư) theo quy định pháp luật hiện hành. Bài viết được đăng tải nhằm mục đích phổ biến pháp luật không nhằm mục đích thương mại. Thông tin chia sẻ trong bài viết được triển khai trên cơ sở quy định của pháp luật hiên hành và chỉ có giá trị tham khảo. Nếu trong nội dung chia sẻ có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng khiến bạn đọc vướng mắc vui lòng phản hồi với chúng tôi qua Holine 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Luật Minh Khuê (Tổng hợp và phân tích)