Mục lục bài viết
Luật sư tư vấn:
1. Doanh nghiệp tư nhân là gì ?
Căn cứ vào điều 183, Luật doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp tư nhân được hiểu như sau:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.
Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư phải nắm được những đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này để có sự lựa chọn đúng đắn.
+ Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ
Doanh nghiệp tư nhân không xuất hiện sự góp vốn giống như ở các công ty nhiều chủ sở hữu, nguồn vốn của DN cũng chủ yếu xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất.
+ Về quan hệ sở hữu vốn trong Doanh nghiệp
Nguồn vốn ban đầu của Doanh nghiệp tư nhân xuất phát chủ yếu từ tài sản của chủ Doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chủ Doanh nghiệp có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư, chỉ phải khai báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp giảm vốn xuống dưới mức đã đăng kí. Vì vậy, không có giới hạn nào giữa phần vốn và tài sản đưa vào kinh doanh của Doanh nghiệp Tư nhân và phần còn lại thuộc sở hữu của chủ Doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là không thể tách bạch tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân và tài sản của chính Doanh nghiệp Tư nhân đó.
+ Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lí
Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, vì vậy cá nhân có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân. Chủ Doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp tư nhân.
+ Về phân phối lợi nhuận
Vấn đề phân chia lợi nhuận không đặt ra đối với Doanh nghiệp tư nhân bởi Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu và toàn bộ lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp sẽ thuộc về một mình chủ Doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đó cũng có nghĩa là cá nhân duy nhất đó sẽ có nghĩa vụ chịu mọi rủi ro trong kinh doanh.
+ Doanh nghiệp Tư nhân không có tư cách pháp nhân
Một pháp nhân phải có tài sản riêng, tức phải có sự tách bạch giữa tài sản của pháp nhân đó với những người tạo ra pháp nhân. Doanh nghiệp Tư nhân không có sự độc lập về tài sản vì tài sản của Doanh nghiệp Tư nhân không độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ Doanh nghiệp Tư nhân.
+ Chủ Doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động
Do tính chất độc lập về tài sản không có nên chủ Doanh nghiệp Tư nhân – người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro của Doanh nghiệp sẽ phải chịu chế độ trách nhiệm vô hạn. Chủ Doanh nghiệp Tư nhân không chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp trong phạm vi phần vốn đầu tư đã đăng kí mà phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản trong trường hợp phần vốn đầu tư đã đăng kí không đủ.
3. Quy định về cho thuê doanh nghiệp tư nhân
3.1 Quy định về quyền cho thuế doanh nghiệp tư nhân
Theo quy định của pháp luật thì chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động cho thuê doanh nghiệp. Về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân, pháp luật hiện hành cũng có quy định cụ thể tại Điều 191 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì:
Điều 191. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho thuê.
Căn cứ vào quy định tại Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên, có thể khẳng định, bạn có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình, nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành. Cụ thể, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Đầu tiên, bạn – là chủ doanh nghiệp tư nhân (tức là bên cho thuê) sẽ phải cùng bên thuê ký hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân, và sau đó đem hợp đồng này đi công chứng. Hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân về bản chất sẽ giống như một hợp đồng dân sự, trong đó thể hiện quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của các bên, mà ở đây là bên cho thuê và bên thuê.
Bước 2: Sau khi ký kết hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân (là bạn) hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành.
Việc gửi thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân đến Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 60 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ta, bạn hoặc người đại diện theo ủy quyền có thể nộp trực tiếp theo quy định tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
– Thông báo về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân
– Hợp đồng cho thuê có công chứng
Bước ba, Sau khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và bổ sung, thay đổi thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân cho doanh nghiệp.
3.2 Quy định về hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Trước hết có thể hiểu rằng, cho thuê doanh nghiệp được hiểu là việc chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp cho người khác trong một thời gian nhất định để khi một khoản tiền nhất định gọi là tiền thuê. Và từ khái niệm chung của hợp đồng được quy định cụ thể tại Bộ luật dân sự 2015, có thể thấy hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân cũng là một loại hợp đồng dân sự ghi nhận “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 388 Bộ luật dân sự năm 2015).
Vậy hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân, về bản chất là hợp đồng cho thuê tài sản hay là hợp đồng cho thuê quyền tài sản.
Về khái niệm quyền tài sản, Bộ luật dân sự 2015 có nêu rõ:
“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ“.
Đồng thời, bộ luật này cũng có quy định cụ thể về khái niệm tài sản:
“Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 BLDS 2015).
Như vậy, có thể thấy từ hai khái niệm nêu trên có thể thấy, quyền tài sản cũng chính là tài sản. Do vậy hợp đồng cho thuê quyền tài sản cũng mang bản chất của một hợp đồng thuê tài sản.
Hợp đồng thuê tài sản “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng phải trả tiền thuê“.
Từ những căn cứ nêu trên, xét thấy, từ khái niệm doanh nghiệp tư nhân được quy định cụ thể tại Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên, có thể thấy, chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, không tách bạch giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản của doanh nghiệp. Và do vậy, từ tính chất của chủ sở hữu nên doanh nghiệp tư nhân được coi như một tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân cũng mang bản chất của một hợp đồng thuê tài sản, theo đó, bên thuê sẽ có quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp tư nhân để thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc những hoạt động khác trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không chỉ có tư cách là tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, mà còn có tư cách pháp lý của một doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp 2020. Nó có mối quan hệ với các đối tác kinh doanh khác và với các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính bởi vậy, trong mối quan hệ cho thuê tài sản (tài sản ở đây là doanh nghiệp tư nhân), nó cũng có những đặc điểm riêng, mang tính đặc thù so với quan hệ cho thuê tài sản thông thường.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, nếu như trong mối quan hệ cho thuê tài sản thông thường, bên thuê phải chịu trách nhiệm với những rủi ro trong quá trình sử dụng tài sản thuê, trừ những trường hợp rủi ro, thiệt hại đối với tài sản thuê mà do lỗi của bên cho thuê (Điều 485 BLDS). Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê như tài sản của chính mình, nếu làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường (khoản 1 Điều 487 BLDS). Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên, hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận.Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả (Khoản 5 Điều 490 BLDS 2015). Có thể thấy, như những phân tích nêu trên thì bên thuê phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những rủi ro hay những mất mát xảy ra trong quá trình thuê tài sản, trừ những trường hợp lỗi thuộc về bên cho thuê, hoặc hao mòn tự nhiên đối với tài sản cho thuê.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nội dung tư vấn dựa trên quy định pháp luật hiện hành. Mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.