Mục lục bài viết
- 1. Hộ kinh doanh là gì?
- 2. Một số đặc điểm pháp lý của Hộ kinh doanh
- 2.1. Đối tượng thành lập hộ kinh doanh
- 2.2. Hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh mang tính nghề nghiệp thường xuyên
- 2.3. Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp
- 2.4. Cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm vô hạn
- 3. Định nghĩa về hóa đơn đỏ ?
- 4. Hộ kinh doanh cá thể không được xuất hóa đơn đỏ
- 5. Hộ gia đình mua hóa đơn đỏ bằng cách nào ?
- 6. Câu hỏi thường gặp về hoá đơn giá trị gia tăng
- 6.1 Hóa đơn VAT dùng để làm gì?
- 6.2 Mất hóa đơn GTGT đặt in nhưng chưa thông báo phát hành thì xử phạt ra sao?
- 6.3 Trường hợp làm mất hóa đơn bán hàng mua?
1. Hộ kinh doanh là gì?
Hộ kinh doanh không phải là một loaị hình doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp cũng không có định nghĩa cụ thể về hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.“
Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
2. Một số đặc điểm pháp lý của Hộ kinh doanh
Các đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh bao gồm: Đối tượng đăng ký, tính chất…
2.1. Đối tượng thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam, hoặc do một nhóm người, hoặc một hộ gia đình làm chủ.
Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc trong hộ quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người có đủ điều kiện là đại diện cho nhóm hoặc hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài.
2.2. Hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh mang tính nghề nghiệp thường xuyên
Hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh một cách thường xuyên, có quy mô nghề nghiệp ổn định thì mới cần phải đăng ký. Những hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.
2.3. Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020:
“Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”.
Mặc dù là chủ thể kinh doanh khá chuyên nghiệp nhưng hộ kinh doanh không có tư cách của doanh nghiệp. Hộ kinh doanh không có con dấu, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, không được thực hiện các quyền mà doanh nghiệp đang có như hoạt động xuất nhập khẩu hay áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.
2.4. Cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ chịu trách nhiệm vô hạn
Khi phát sinh các khoản nợ, cá nhân hoặc các thành viên phải chịu trách nhiệm trả hết nợ, không phụ thuộc vào số tài sản kinh doanh hay dân sự mà họ đang có; không phụ thuộc vào việc họ đang thực hiện hay đã chấm dứt thực hiện hoạt động kinh doanh.
Tính chịu trách nhiệm vô hạn này cũng dẫn tới quy định về việc Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Bởi vốn dĩ các chủ thể như chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp doanh đều phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, đây là là cách để đảm bảo trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động kinh doanh của mình.
>> Xem thêm: Có được hủy hóa đơn giá trị gia tăng cũ đã xuất tháng và xuất lại hóa đơn khác hay không ?
3. Định nghĩa về hóa đơn đỏ ?
Hóa đơn đỏ là một tên gọi khác của hóa đơn giá trị gia tăng hay hóa đơn VAT do chính Bộ Tài chính phát hành hoặc do doanh nghiệp tự in ra sau khi đã đăng ký mẫu với cơ quan thuế. Hóa đơn đỏ sẽ do bên cung ứng sản phẩm, dịch vụ xuất, được dùng để làm căn cứ xác định số tiền thuế cần nộp vào ngân sách nhà nước.
- Người mua sẽ có trách nhiệm lưu giữ hóa đơn, đây là căn cứ để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cũng như hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh. Ngoài ra hóa đơn còn được dùng để thanh quyết toán tài chính cho cơ quan. Chúng còn là bằng chứng về việc mua bán hàng hóa dịch vụ. Đối với mối quan hệ giữa cơ quan thuế và công ty thì hóa đơn giá trị gia tăng sẽ là chứng từ cơ sở ban đầu dùng để kê khai nộp thuế, khấu trừ, hạch toán chi phí thực tế phát sinh, hoàn thuế và xác định những chi phí hợp lệ khi tính thuế.
- Việc mua bán hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải có hóa đơn. Việc lập hóa đơn là trách nhiệm của người bán hàng hóa, dịch vụ. Hóa đơn đỏ là căn cứ để kê khai tính thuế giá trị gia tăng đầu ra và hạch toán doanh thu cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã được phép tự in hoặc đặt in hóa đơn đỏ và có thể tự thực hiện việc phát hành hóa đơn. Cơ quan thuế chỉ phát hành hóa đơn lẻ, biên lai thu phí, các loại lệ phí theo luật định và có vai trò quản lý việc phát sinh và sử dụng hóa đơn của đơn vị.
>> Tham khảo: Bán hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) giả bị xử lý như thế nào?
4. Hộ kinh doanh cá thể không được xuất hóa đơn đỏ
Căn cứ vào Điều 5 của Thông tư số 119/2014/TT-BTC, ban hành ngày 25/8/2014, Bộ Tài chính đã định nghĩa hóa đơn GTGT, tức hóa đơn đỏ, là loại hóa đơn được dùng cho các tổ chức khai và tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Cụ thể, hóa đơn đỏ sẽ được áp dụng cho các hoạt động sau:
- Bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Hoạt động xuất vào khu phi thuế quan và những trường hợp được coi như xuất khẩu.
Tại Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 số 31/2013/QH13, ban hành ngày 19/6/2013, Quốc hội đã quy định phương pháp khấu trừ sẽ chỉ áp dụng với các đối tượng là các cơ sở kinh doanh có thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ. Cụ thể bao gồm:
- Các cơ sở kinh doanh có doanh thu mỗi năm từ hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đạt khoảng 1 tỷ đồng trở lên, ngoại trừ các hộ và cá nhân kinh doanh.
- Các cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện sẽ áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế, ngoại trừ các hộ và cá nhân kinh doanh.
Như vậy, căn cứ các quy định pháp luật liên quan tới hóa đơn đỏ bên trên thì các hộ kinh doanh cá thể không phải là đối tượng được khai và tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Điều này đồng nghĩa rằng: các hộ kinh doanh cá thể sẽ không được xuất hóa đơn đỏ.
Trường hợp các hộ kinh doanh muốn được xuất hóa đơn đỏ thì bắt buộc phải tiến hành chuyển đổi mô hình doanh nghiệp, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về hóa đơn đỏ hiện hành.
5. Hộ gia đình mua hóa đơn đỏ bằng cách nào ?
Chào luật sư! Nhà tôi đang kinh doanh hàng tạp hóa, do nhu cầu nên giờ muốn đăng ký viết hóa đơn đỏ trực tiếp có được không và thủ tục đăng ký ra sao?
Tôi cảm ơn luật sư!
Người gửi: Vũ Anh T
Trả lời:
Theo nội dung bạn cần tư vấn, hộ kinh doanh của bạn muốn sử dụng hóa đơn đỏ (hóa đơn trực tiếp không có VAT) để phục vụ nhu cầu trả hóa đơn cho khách khi khách cần. Bạn có thể lựa chọn việc xin cấp hóa đơn theo cuốn hóa đơn của cơ quan thuế để quản lý sử dụng và xuất chủ động cho khách hàng hoặc bạn có thể lựa chọn mua hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh khi có nhu cầu thì làm thủ tục với cơ quan thuế.
Theo điểm a Khoản 2 điều 12 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định về trách nhiệm mua hóa đơn như sau:
a) Trách nhiệm của tổ chức, hộ, cá nhân
Doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành khi mua hóa đơn phải có đơn đề nghị mua hóa đơn (mẫu số 3.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) và kèm theo các giấy tờ sau:
- Người mua hóa đơn (người có tên trong đơn hoặc người được doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, chủ hộ kinh doanh ủy quyền bằng giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về giấy chứng minh nhân dân.
- Tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn lần đầu phải có văn bản cam kết (Mẫu số 3.16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
Khi đến mua hóa đơn, doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành phải tự chịu trách nhiệm ghi hoặc đóng dấu: tên, địa chỉ, mã số thuế trên liên 2 của mỗi số hóa đơn trước khi mang ra khỏi cơ quan thuế nơi mua hóa đơn.
Theo Khoản 4 điều 1 thông tư số 37/2017/TT-BTCsửa đổi, bổ sung thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của bộ tài chính, thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của bộ tài chính quy định như sau:
“b) Trách nhiệm của cơ quan thuế
Cơ quan thuế bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh theo tháng.
Số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh lần đầu không quá một quyển năm mươi (50) số cho mỗi loại hóa đơn. Trường hợp chưa hết tháng đã sử dụng hết hóa đơn mua lần đầu, cơ quan thuế căn cứ vào thời gian, số lượng hóa đơn đã sử dụng để quyết định số lượng hóa đơn bán lần tiếp theo.
Đối với các lần mua hóa đơn sau, căn cứ đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn, cơ quan thuế giải quyết bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong ngày, số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng mua trước đó.
Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn lẻ thì cơ quan thuế bán cho hộ, cá nhân kinh doanh hóa đơn lẻ (01 số) theo từng lần phát sinh và không thu tiền.
Tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành chuyển sang tự tạo hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc hóa đơn điện tử để sử dụng thì phải dừng sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tự tạo theo hướng dẫn tại Điều 21 Thông tư này.”
Như vậy, bạn có thể liên hệ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để làm thủ tục mua hóa đơn đỏ để sử dụng và xuất cho khách hàng tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của hộ kinh doanh cửa hàng tạp hóa của bạn.
Và việc kê khai thuế khoán của bạn nếu bạn quản lý doanh thu và sử dụng hóa đơn cuốn thì bạn sẽ theo dõi và nộp thuế của hộ kinh doanh theo doanh thu trên toàn bộ hóa đơn bạn xuất cho khách hàng. Doanh thu này sẽ là căn cứ để xác định tiền thuế của hộ kinh doanh của bạn thay vì doanh thu ước tính như trường hợp không sử dụng hóa đơn.
6. Câu hỏi thường gặp về hoá đơn giá trị gia tăng
6.1 Hóa đơn VAT dùng để làm gì?
Hóa đơn VAT được dùng để làm căn cứ xác định số tiền thuế mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước (trong trường hợp hóa đơn đỏ được xem là hóa đơn giá trị gia tăng). Thường thì với tổng hóa đơn thanh toán từ 200.000 đồng trở lên, bên bán sẽ phải xuất hóa đơn đỏ. Việc người mua (người tiêu thụ sản phẩm) lấy hóa đơn đỏ khi mua hàng sẽ góp phần giúp Nhà nước giám sát bên bán có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không. Theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP có quy định rõ các mức phạt đối với các trường hợp người bán không lập hóa đơn hoặc có lập hóa đơn nhưng không giao cho khách, mức phạt nhẹ nhất là 4 triệu và nặng nhất lên tới 20 triệu đồng.]
6.2 Mất hóa đơn GTGT đặt in nhưng chưa thông báo phát hành thì xử phạt ra sao?
Nếu làm mất hóa đơn đỏ GTGT đặt in nhưng chưa thông báo phát hành thì cũng sẽ căn cứ vào thời hạn báo cáo sự việc với Cơ quan thuế để xử phạt, cụ thể:
Trong vòng 5 ngày sau khi xảy ra sự việc: Không bị xử phạt
Sau ngày thứ 10: Phạt từ 6 triệu tới 18 triệu đồng.
Từ ngày thứ 6 tới ngày thứ 10: Phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu không có thì phạt ở mức khung tối thiểu là 6 triệu.
6.3 Trường hợp làm mất hóa đơn bán hàng mua?
Trong trường hợp này, sẽ căn cứ vào những mốc thời hạn báo cáo với Cơ quan thuế để có mức xử phạt riêng, cụ thể:
Trong vòng 5 ngày sau khi mất hóa đơn: Không bị xử phạt
Từ ngày thứ 6 tới ngày thứ 10: Sẽ bị phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu không có thì sẽ phạt ở mức khung tối thiểu là 6 triệu
Sau khi ngày thứ 10: Sẽ phạt từ 6 triệu tới 8 triệu đồng.
Luật Minh Khuê (tổng hợp & phân tích)