- 1. Mở đầu vấn đề
- 2. Nội dung về thăm hỏi ốm đau
- 2.1. Mức độ ốm đau cần thăm hỏi
- 2.2 Tổ chức thăm hỏi
- 3. Nội dung về viếng đám tang
- 3.1 Trường hợp tổ chức đoàn viếng đám tang
- 3.2 Trách nhiệm tổ chức viếng đám tang
- 3. Nội dung tổ chức lễ tang
- 3.1 Đối tượng tổ chức lễ tang
- 3.2 Ban Tổ chức Lễ tang
- 3.3 Quy định về lời điếu
- 4. Câu hỏi thường gặp về lễ tang
- 4.1 Thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang có mục đích là gì?
- 4.2 Hãy cho biết "Nguyên tắc tổ chức lễ tang"?
- 4.3 Hãy cho biết các hình thức lễ tang?
Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:
- Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
- Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức;
- Quyết định 396/QĐ-VKSTC ngày 16/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy định việc thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang.
1. Mở đầu vấn đề
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa có Quyết định 396/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy định việc thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Quy định nêu rõ bao gồm:
- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao bị ốm đau hoặc từ trần.
- Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (VKSND cấp tỉnh) bị ốm đau hoặc từ trần.
- Thân nhân (bao gồm: bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; bố, mẹ nuôi; bố dượng, mẹ kế; vợ, chồng) của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công chức, viên chức, người lao động thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh từ trần.
- Các trường hợp khác có mối quan hệ công tác với Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ trần.
Theo Quyết định 396/QĐ-VKSTC ngày 16/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy định việc thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang đã quy định chi tiết về nội dung "việc tham hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang của Viện kiểm sát nhân dân tối cao", theo đó Luật Minh khuê chúng tôi biên soạn tương ứng với các mục dưới đây:
2. Nội dung về thăm hỏi ốm đau
2.1. Mức độ ốm đau cần thăm hỏi
Lãnh đạo VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND cấp cao, Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, công chức, viên chức, người lao động bị ốm đau phải nằm viện để điều trị bệnh dài ngày theo quy định của Bộ Y tế. Việc thăm hỏi theo Quy định này là 01 lần/bệnh/năm.
2.2 Tổ chức thăm hỏi
- Trường hợp là Lãnh đạo VKSND tối cao; Kiểm sát viên VKSND tối cao; Vụ trưởng và tương đương thuộc VKSND tối cao thì Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao, phối hợp với Công đoàn, Văn phòng VKSND tối cao tổ chức thăm hỏi.
- Trường hợp công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị nào thì do Thủ trưởng đơn vị đó chủ động tổ chức việc thăm hỏi. Trong từng trường hợp cụ thể báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đơn vị tổ chức thăm hỏi.
- Trường hợp là Lãnh đạo VKSND cấp cao, Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh:
+ Nếu điều trị nội trú tại các bệnh viện ở Hà Nội, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách địa phương, đơn vị và phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao tổ chức thăm hỏi.
+ Nếu điều trị nội trú tại các bệnh viện ở địa phương, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao đề nghị VKSND địa phương, đơn vị giúp đỡ việc tổ chức thăm hỏi.
3. Nội dung về viếng đám tang
3.1 Trường hợp tổ chức đoàn viếng đám tang
- Thân nhân của Lãnh đạo VKSND tối cao, công chức, viên chức, người lao động thuộc VKSND tối cao.
- Lãnh đạo VKSND cấp cao, Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh và thân nhân.
- Các trường hợp khác có mối quan hệ công tác với VKSND tối cao.
3.2 Trách nhiệm tổ chức viếng đám tang
Các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 5 Mục 2 Quy định trong Quyết định 396/QĐ-VKSTC khi từ trần:
- Thân nhân của Lãnh đạo VKSND tối cao, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Lãnh đạo cấp Vụ hoặc tương đương thuộc VKSND tối cao, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo VKSND tối cao và phối hợp với Công đoàn, Văn phòng VKSND tối cao và đại diện đơn vị của công chức, viên chức có thân nhân từ trần để tổ chức đoàn viếng.
- Thân nhân của công chức, viên chức, người lao động không quy định tại điểm a khoản này thì do Thủ trưởng đơn vị trực tiếp chủ trì tổ chức đoàn viếng.
Trường hợp không trực tiếp đi viếng được thì đơn vị có thể gửi điện chia buồn và đề nghị VKSND địa phương, đơn vị giúp đỡ tổ chức viếng.
Các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 5 Mục 2 Quy định trong Quyết định 396/QĐ-VKSTC khi từ trần thì Vụ tổ chức cán bộ báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đơn vị, phối hợp với Văn phòng VKSND tối cao tổ chức đoàn viếng.
Trường hợp không trực tiếp đi viếng thì VKSND tối cao gửi điện chia buồn và đề nghị VKSND địa phương, đơn vị giúp đỡ tổ chức viếng.
Các trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 5 Mục 2 Quy định của Quyết định 396/QĐ-VKSTC:
- Trường hợp là Lãnh đạo và thân nhân Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên thì Văn phòng báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức đoàn viếng.
Trường hợp không trực tiếp đi viếng được thì có thể gửi điện chia buồn và đề nghị VKSND địa phương giúp đỡ tổ chức viếng.
- Trường hợp là Lãnh đạo và thân nhân cấp Cục, Vụ và tương đương thuộc Bộ, Ban, ngành Trung ương có mối quan hệ công tác trực tiếp với đơn vị nào thuộc VKSND tối cao thì Thủ trưởng đơn vị báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đơn vị; Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức đoàn viếng.
3. Nội dung tổ chức lễ tang
3.1 Đối tượng tổ chức lễ tang
Lãnh đạo VKSND tối cao, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại VKSND tối cao từ trần.
3.2 Ban Tổ chức Lễ tang
Thứ nhất: Viện trưởng VKSND tối cao khi từ trần, Lễ tang được thực hiện theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước quy định tại Chương 3, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai: Phó Viện trưởng VKSND tối cao (kể cả trường hợp đã thôi giữ chức vụ quản lý và đang là Kiểm sát viên VKSND tối cao) khi từ trần, lễ tang được thực hiện theo nghi thức Lễ tang cấp cao quy định tại Chương 4, Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Thành phần Ban Tổ chức Lễ tang áp dụng đối với Phó Viện trưởng VKSND tối cao từ trần:
- Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Bí thư Đảng ủy - Trưởng ban;
- Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Trưởng ban;
- Đại diện Đảng ủy VKSND tối cao;
- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
- Chánh Văn phòng VKSND tối cao;
- Đại diện Công đoàn VKSND tối cao;
- Thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao;
- Đại diện gia đình.
Thứ ba: Công chức, viên chức, người lao động khi từ trần được tổ chức Lễ tang theo quy định tại Chương 5 Nghị định số 105/2012/NĐ - CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về việc tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Thành phần Ban Tổ chức Lễ tang áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp công chức, viên chức là Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng và tương đương từ trần:
- Phó Viện trưởng VKSND tối cao làm Trưởng ban;
- Phó Thủ trưởng đơn vị, Phó Trưởng ban;
- Đại diện Lãnh đạo Văn phòng;
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ;
- Đại diện Đảng ủy VKSND tối cao;
- Đại diện Công đoàn VKSND tối cao;
- Đại diện gia đình.
b) Trường hợp công chức, viên chức là Phó Vụ trưởng và tương đương từ trần:
- Thủ trưởng đơn vị, Trưởng ban;
- Phó Thủ trưởng đơn vị, Phó Trưởng ban;
- Đại diện Lãnh đạo Văn phòng;
- Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ;
- Đại diện Đảng ủy VKSND tối cao;
- Đại diện Công đoàn VKSND tối cao;
- Đại diện gia đình.
c) Trường hợp công chức, viên chức, người lao động khác từ trần:
- Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng đơn vị, Trưởng ban;
- Đại diện Văn phòng;
- Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ;
- Đại diện Đảng ủy VKSND tối cao;
- Đại diện Công đoàn VKSND tối cao;
- Đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cơ quan VKSND tối cao (nếu công chức từ trần là Đoàn viên);
- Đại diện gia đình.
d) Trường hợp gia đình tự đảm nhiệm tổ chức Lễ tang, Thủ trưởng đơn vị nơi có người từ trần công tác cử người phối hợp giúp những việc cần thiết theo đề nghị của gia đình, tổ chức Lễ tang phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, tôn giáo và hoàn cảnh gia đình của người từ trần.
Thứ tư: Trình tự chuẩn bị lễ tang
- Trường hợp Lãnh đạo VKSND tối cao từ trần, Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để có hướng dẫn cụ thể trước khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang; phối hợp với Văn phòng để thông báo chương trình tổ chức Lễ tang tới các cơ quan, Ban, Ngành có liên quan và VKSND các cấp biết để tổ chức viếng.
- Trường hợp công chức, viên chức, người lao động từ trần, sau khi nhận được thông báo chính thức của Thủ trưởng đơn vị nơi có người từ trần công tác hoặc gia đình, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Lãnh đạo VKSND tối cao để quyết định thành lập Ban Tổ chức Lễ tang.
Thứ năm: Ban Tổ chức Lễ tang chịu trách nhiệm toàn bộ công việc tại nơi tổ chức lễ tang. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì Ban Tổ chức Lễ tang chủ động trao đổi với các cơ quan, đơn vị liên quan giúp đỡ hoặc báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, giải quyết.
Trong quá trình thực hiện, Ban Tổ chức Lễ tang có trách nhiệm phân công nhiệm vụ từng thành viên để tổ chức Lễ tang theo đúng quy định; các thành viên Ban Tổ chức Lễ tang có thể trưng tập một số công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình giúp việc trong quá trình tổ chức lễ tang.
3.3 Quy định về lời điếu
- Trường hợp là Lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ Tổ chức cán bộ dự thảo Lời điếu, báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao và gửi tới cơ quan có liên quan, gia đình đóng góp ý kiến.
- Các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 8 Mục 3 Quy định này, Vụ Tổ chức cán bộ dự thảo Lời điếu và xin ý kiến đóng góp của gia đình, Lãnh đạo đơn vị nơi người từ trần công tác.
Trường hợp gia đình dự thảo Lời điếu thì Vụ Tổ chức cán bộ cung cấp thông tin quá trình công tác, lý lịch cán bộ của công chức, viên chức, người lao động trong hồ sơ lưu tại cơ quan để phục vụ việc xây dựng Lời điếu.
- Lời điếu do Trưởng Ban Lễ tang đọc tại nơi tổ chức Lễ tang.
4. Câu hỏi thường gặp về lễ tang
4.1 Thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang có mục đích là gì?
Thăm hỏi ốm đau, viếng đám tang, tổ chức lễ tang để thể hiện tình cảm chân thành, góp phần chia sẻ, động viên khi Lãnh đạo VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND cấp cao, Lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, công chức, viên chức, người lao động và gia đình có người thân ốm đau hoặc từ trần.
4.2 Hãy cho biết "Nguyên tắc tổ chức lễ tang"?
Nguyên tắc tổ chức lễ tang: Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương.
4.3 Hãy cho biết các hình thức lễ tang?
Hình thức lễ tang bao gồm: Lễ Quốc tang; Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang cấp cao; Lễ tang Cán bộ, công chức, viên chức.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! . Trân trọng!