Theo quy định tại khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì Bản sao từ sổ gốc có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc và Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật hộ tịch năm 2014 hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc cấp lại bản chính giấy khai sinh. Từ thời điểm nghị định 123/2015/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2016 thì có quy định về vấn đề này tuy nhiên đó mới chỉ là quy định về việc “đăng ký lại khai sinh”
“Điều 24. Điều kiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử
1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
2. Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
3. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.”
Việc đăng ký lại khai sinh được đặt ra khi người đăng ký thực hiện việc khai sinh trước 1/1/2016 nhưng bị mất toàn bộ bản chính giấy tờ hộ tịch bao gồm giấy tờ tùy thân như giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu và mọi thông tin trong sổ hộ tịch gốc của cơ quan nhà nước lưu giữ đều bị mất.
Do đó nếu như bạn chỉ bị mất giấy khai sinh bản gốc thì bạn chưa rơi vào trường hợp được đăng ký lại khai sinh cũng chưa được cấp lại giấy khai sinh bản gốc. Lúc này bạn được xem xét cấp trích lục khai sinh bản sao.
Theo nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về cấp bản sao từ bản gốc thì hiện nay trích lục khai sinh bản sao có giá trị thay thế giấy khai sinh bản chính trong hầu hết các giao dịch, do vậy việc cấp lại bản chính giấy khai sinh không được coi là quá cần thiết, ngoài ra việc cấp lại bản sao giấy khai sinh còn giúp giảm bớt thủ tục hành chính từ cơ quan nhà nước. Cơ quan, tổ chức nơi đang quản lý sổ hộ tịch gốc có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc.
Người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc phải xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng, hoặc sổ hộ khẩu …để người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra. Qúa trình kiểm tra sẽ được đối chiếu với sổ hộ tịch do các cơ quan hộ tịch lưu giữ để cấp lại bản sao. Nội dung được cấp lại tại bản sao phải ghi theo đúng nội dung đã ghi trong sổ gốc. Trường hợp cơ quan hộ tịch không còn lưu trữ được sổ gốc hoặc trong sổ gốc không có thông tin về nội dung yêu cầu cấp bản sao thì cơ quan hộ tịch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu.
Trích lục khai sinh bản sao được cấp lại mà không giới hạn về số lượng bản cấp. Do đó bạn có thể xin cấp làm nhiều bản để thuận tiện sử dụng trong các giao dịch.
Trân trọng.!
Chuyên viên: Phạm Ngọc - Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự.