>> Luật sư tư vấn pháp luật Thuế về thuế môn bài, gọi:  1900.6162

 

Luật sư trả lời:

1. Quỹ tín dụng nhân dân là gì?

Theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hay tất cả các hoạt động của ngân hàng.

Tổ chức tín dụng bao gồm: ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác), tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

Tại khoản 6 Điều 4 Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, Quỹ tín dụng nhân dân là một trong những loại hình của tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động của ngân hàng nhằm tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Quỹ tín dụng nhân dân được thành lập và hoạt động dựa trên những cơ sở như một tổ chức kinh tế tập thể (như: hợp tác xã, liên hợp tác xã) như:

+ Tổ chức và hoạt động một cách tự nguyện.

+ Nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong vấn đề biểu quyết, quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động của hợp tác xã mà không phân biệt số vốn đã góp là nhiều hay ít.

+ Thành viên góp vốn sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào hợp tác xã....

Hiện nay, quỹ tín dụng nhân dân được tổ chức thành hai cấp: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và Ngân hàng hợp tác xã.

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là loại hình tổ chức tín dụng được các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình cùng nhau tự nguyện góp vốn thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động với mục đích hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các thành viên.

Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập nhằm liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân (theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010).

Ngân hàng hợp tác xã được thành lập vào năm 2013 theo hình thức chuyển đổi từ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Được biết Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã thì phải chuẩn bị những hồ sơ, thủ tục được quy định tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã. Ngân hàng Hợp tác xã có thời hạn hoạt động 99 năm từ ngày cấp giấy phép và có vốn điều lệ 3000 tỷ, địa bàn hoạt động của ngân hàng hợp tác xã trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam.

 

2. Hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

2.1. Huy động vốn của Quỹ tín dụng nhân dân

Tương tự với ngân hàng thương mại thì quỹ tín dụng nhân dân được nhận tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của thành viên, của các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên. Khi nhận tiền gửi của thành viên, các tổ chức và cá nhân khác thì quỹ tín dụng nhân dân chỉ nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam.

Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn của một xã thì tổng mức nhận tiền gửi của thành viên tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp quỹ tín dụng nhân dân có địa bàn hoạt động liên xã thì tổng mức nhận tiền gửi của thành viên tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân. 

Ngoài ra, quỹ tín dụng nhân dân có thể vay vốn để huy động vốn cho quỹ tín dụng nhân dân:

+ Vay vốn điều hòa theo quy chế do Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ban hành theo quy định của pháp luật.

Số vốn nhàn rỗi của các quỹ tín dụng nhân dân thành viên sẽ gửi vào tài khoản tiền gửi điều hòa vốn tài Ngân hàng Hợp tác xã và được duy trì ở một mức tối thiểu do Đại hội thành viên Ngân hàng Hợp tác xã quyết định. 

Việc điều hòa vốn này được thực hiện dựa trên cơ sở những quỹ tín dụng nhân dân có thừa vốn hỗ trợ, giúp đỡ cho những quỹ tín dụng nhân dân thiếu vốn. Điều này đảm bảo được khả năng  thanh khoản cho các quỹ tín dụng nhân dân cũng như hạn chế được việc sử dụng toàn bộ số dư tiền gửi để huy động vốn dẫn đến mất khả năng thanh khoản.

+ Vay vốn của tổ chức tín dụng khác (trừ quỹ tín dụng nhân dân khác) và tổ chức tài chính khác.

+ Vay vốn từ Ngân hàng Hợp tác xã

+ Tiếp nhận vốn ủy thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước

 

2.2. Hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện hoạt động cho vay nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ giữa các thành viên để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả và cải thiện được đời sống của các thành viên trong quỹ tín dụng nhân dân.

Khi quỹ tín dụng nhân dân cho khách hàng là pháp nhân, cá nhân không phải là thành viên, có tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân vay dựa trên cơ sở bảo đảm bằng số tiền gửi do chính quỹ tín dụng nhân dân phát hành. Tổng số tiền cho vay không được vượt quá số dư của số tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và thời hạn cho vay không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi.

Khi quỹ tín dụng nhân dân cho hộ nghèo vay thì hộ nghèo đó phải đăng ký thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng và không phải là thành viên của quỹ tín dụng nhân dân. Nếu có nhiều thành viên của hộ nghèo cùng vay vốn thì các thành viên của hộ nghèo cùng ký hoặc ủy quyền cho một thành viên của hộ nghèo đại diện ký thỏa thuận cho vay với quỹ tín dụng nhân dân.

 

2.3.  Hoạt động quản lý việc cho vay của quỹ tín dụng nhân dân

Quỹ tín dụng nhân dân cần xây dựng, ban hành những quy chế nội bộ về vấn đề cho vay, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng tiền vay đúng mục đích, đúng hạn mức cho phép.

Trường hợp cho thành viên là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân, hộ nghèo không phải là thành viên cần được thẩm định, đánh giá nhu cầu, mục đích vay vốn của thành viên; đồng thời xem xét tính khả thi của dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ và khả năng hoàn trả vốn vay từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ....

 

2.4. Hoạt động khác của quỹ tín dụng nhân dân

Thứ nhất, mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thứ hai, cung ứng dịch vụ chuyển tiền hay thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên.

Thứ ba, cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên

Thứ tư, nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến các hoạt động của ngân hàng, quản lý tài sản,....

 

3. Quy định về lệ phí môn bài

3.1. Mức nộp lệ phí môn bài đối với tổ chức

Mức thu lệ phí môn bài của tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP như sau:

+ Tổ chức có vốn điều lệ/ vốn đầu tư trên 10 tỷ: 3.000.000 đồng/ năm

+ Tổ chức có vốn điều lệ/ vốn đầu tư từ 10 tỷ trở xuống: 2.000.000 đồng/ năm

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/ năm

Để xác định vốn điều lệ hay vốn đầu tư để tính lệ phí môn bài thì dựa vào số vốn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay trong điều lệ hợp tác xã.

 

3.2. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lệ phí môn bài

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế năm 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lệ phí môn bài được thực hiện như sau:

Người nộp lệ phí môn bài là doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh hoặc có thành lập thêm chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất. Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không phải nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài.

 

3.3. Trường hợp được miễn lệ phí môn bài

Căn cứ vào Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP), các trường hợp được miễn lệ phí môn bài:

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định.

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

+ Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối

+ Điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan báo chí.

+ Hợp tác xã, liên hợp tác xã cũng như cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

+ Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

+ Quỹ tín dụng nhân dân; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, của liên hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi.

+ Miễn trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 đối với: (1) tổ chức thành lập mới; (2) hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh và (3) trong thời gian được miễn lệ phí môn bàu thì tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng được miễn lệ phí môn bài.

+ Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong 03 năm từ ngày nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

 

4. Quỹ tín dụng nhân dân có phải nộp lệ phí môn bài không?

Tại Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, người nộp lệ phí môn bài có tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân được hình thành và hoạt động theo hình thức hợp tác xã. Do đó, quỹ tín dụng nhân dân là đối tượng phải nộp lệ phí môn bài.

Căn cứ vào khoản 7 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP) thì quỹ tín dụng nhân dân được miễn lệ phí môn bài trong trường hợp hoạt động tại địa bàn miền núi.

Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc. Theo Công văn số 108/MNDT - VP ngày 04 tháng 09 năm 1990 yêu cầu tham gia ý kiến để xác định rõ địa bàn và đối tượng cụ thể thuộc phạm vi thực tiễn, xác định địa bàn miền núi thì phải căn cứ vào đất đai tự nhiên và xã hội.

+ Xã miền núi là toàn xã hoặc 70% số thôn, bản của xã đó là miền núi.

+ Huyện miền núi là huyện có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên là miền núi. Trường hợp huyện có miền núi là huyện có 01 xã trở lên đến dưới 2/3 đất đai hoặc số đơn vị xã là miền núi.

+ Tỉnh miền núi là tỉnh có 2/3 diện tích đất đai trở lên là miền núi, hầu hết các huyện và thị xã thuộc tỉnh là miền núi thì được xác định là tỉnh miền núi. Trường hợp tỉnh có miền núi là tỉnh có huyện trở lên cho đến dưới 2/3 đất đai là miền núi.

Theo Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định:

"Điều 3. Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
2. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
4. Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
5. Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
6. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
7. Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc."

Căn cứ theo khoản 7 nêu trên thì Quỹ tín dụng nhân dân xã tức là quỹ tín dụng do các thành viên trong cùng địa bàn xã thành lập (Theo Điều 3 Nghị định 48/2001/NĐ-CP) thì mới thuộc đối tượng được miễn thuế môn bài từ ngày 01/01/2017 theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP nêu trên.

Tóm lại, quỹ tín dụng nhân dân là đối tượng phải nộp lệ phí môn bài và sẽ được miễn nếu quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tại những địa bàn miền núi.

 

5. Các khoản thuế quỹ tín dụng nhân dân phải đóng

* Thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ vào điểm a và điểm c khoản 1 ĐIều 2 Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 218/2013/NĐ-CP thì đối tượng nộp thuế có doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hay tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Như vậy, quỹ tín dụng nhân dân thuộc đối tượng áp dụng và thực hiện việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các khoản chi phí được trừ và không được trừ của quỹ tín dụng nhân dân để tính thu nhập doanh nghiệp sẽ được xác định theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Các khoản chi phí được trừ nếu đáp ứng được các điều kiện như: khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khoản chi có đủ hóa đơn hay chứng từ; khoản chi có hóa đơn từng lần khi mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế phải thanh toán qua chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. 

* Thuế giá trị gia tăng

Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC thì quỹ tín dụng nhân dân không phải nộp thuế giá trị gia tặng trong các hoạt động sau:

+ Cho vay.

+ Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; Bảo lãnh ngân hàng; Cho  thuê tài chính; Phát hành thẻ tín dụng (nếu có).

+ Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án hoặc bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm.

+ Tài sản bảo đảm tiền vay được bán là tài sản thuộc giao dịch bảo đảm đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

+ Việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay....

Các khoản thu phát sinh ngoài các hoạt động liên quan đến việc cấp tín dụng sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Quỹ tín dụng nhân tiến hành kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho những khoản thu đó theo quy định của pháp luật.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.