Cán bộ là những người là người giữ chức vụ, chức danh quan trọng nên việc bổ nhiệm họ cũng vô cùng chặt chẽ qua các quy trình và các tiêu chuẩn cụ thể để đảm bảo chọn được người phù hợp có đức có tài xứng đáng với trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó.

 

1. Cán bộ là gì?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi năm 2019 thì:

"Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước."

Ngoài khái niệm cán bộ trên trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 còn có khái niệm về Cán bộ xã, phường, thị trấn như sau:

"Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người dứng đầu tổ chức chính trị - xã hội"

Từ các định nghĩa trên chúng ta có thể hiểu Cán bộ là những người ưu tú trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền và nhân dân tín nhiệm mà được quyết định cho giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ của các cơ quan trong Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. 

Nghĩa vụ của cán bộ cũng được quy định rất chi tiết tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cụ thể có những nghĩa vụ chung như sau:

- Nghĩa vụ của cán bộ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân:

+ Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.

+ Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.

+ Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.

+ Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước

- Nghĩa vụ của cán bộ trong khi thi hành công vụ:

+ Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

+ Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; bào cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước

+ Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong khi thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

+ Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệìm tài sản nhà nước được giao.

+ Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy để trở thành một người cán bộ là "Người đày tớ của nhân dân" thì ngoài vấn đề đáp ứng được yêu cầu về trình độ, chuyên môn thì người cán bộ cần phải có năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý và hơn nữa là phẩm chất đạo đức phải tốt.

 

2. Bổ nhiệm cán bộ là gì?

Bổ nhiệm được giải thích tại khoản 5 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định như sau:

"Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật."

Từ các căn cứ trên có thể thấy việc bổ nhiệm cán bộ là việc một người có quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

- Việc bổ nhiệm cán bộ sẽ căn cứ quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/08/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cụ thể như sau:

* Nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ:

- Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm cán bộ theo thẩm quyền; đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu.

- Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, đạo đức, năng lực, sở trường và uy tín của cán bộ; đồng thời xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

- Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triền liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.

- Không bổ nhiệm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

* Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ:

- Đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm theo quy định.

- Cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Đối với nhân sự từ nguồn bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đối với việc bổ nhiệm sĩ quan trong lực lượng vũ trang do Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương quy định cụ thể cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

- Có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh.

- Độ tuổi với cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (cao hơn) lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn 1 nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Ngoài ra: Cán bộ bị kỷ luật thì không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong thời gian như sau (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật):

+ 12 tháng đối với hình thức kỳ luật Khiển trách

+ 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo

+ 60 tháng đối với kỳ luật Cách chức

* Thời hạn bổ nhiệm

- Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm (60 tháng) đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp nhà nước.

- Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng.

>> Xem thêm: Mẫu kê khai tài sản, thu nhập phục vụ bổ nhiệm cán bộ công chức

 

3. Quy trình bổ nhiệm cán bộ 5 bước hiện nay.

Quy trình bổ nhiệm cán bộ 5 bước hiện nay thực chất là quy trình bổ nhiệm cán bộ đối với nguồn nhân sự tại chỗ. Quy trình này có 5 bước, thành phần hội nghị ở mỗi bước được quy định tại Phụ lục 2 của Quy định 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từng hội nghị chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt, cụ thể các bước như sau:

- Bước 1: Xin chủ trương bổ nhiệm cán bộ

Trên cơ sở chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ và nguồn cán bộ quy hoạch, người đứng đầu chủ trị cùng tập thể lãnh đạo thảo luận, rà soát, thống nhất về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình nhân sự; đồng thời, tiến hành ra soát kết quả đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ trong quy hoạch (gồm cả cán bộ được quy hoạch chức danh tương đương trở lên), thông qua danh sách nhân sự đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để lấy ý kiến giới thiệu ở bước tiếp theo.

- Bước 2: Xác định tiêu chí cụ thể

Căn cứ số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện và danh sách nhân sự đã thông báo ở bước 1, người đứng đầu trao đổi định hướng nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phù hợp với yêu cầu của địa phương, đơn vị để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (Kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị này)

- Bước 3: Tiến hành thảo luận về nhân sự

Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, hội nghị tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. 

- Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt về nhân sự

Tổ chức lấy ý kiến giới thiệu nhân sự theo danh sách đã được giới thiệu ở bước 3 (kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị nay)

Thông báo danh sách nhân sự được giới thiệu ở bước 3; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển và dự kiến lĩnh vực phân công công tác.

Ghi phiếu giới thiệu nhân sự (có thể ký hoặc không ký tên)

- Bước 5: Tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự

Trên cơ sở ý kiến đánh giá, nhận xét (bàng văn bản) của ban thường vụ đảng ủy (đảng ủy cơ quan đối với những nơi không có ban thường vụ); kết quả lấy phiếu ở các hội nghị; kết quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự, tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguyên tắc lựa chọn:

- Người đạt số phiếu cao nhất trên 50% số phiếu so với tổng số người được triệu tập thì được lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm. Trường hợp 2 người có số phiếu ngang nhau đạt tỉ lệ 50% thì người đứng đầu xem xét, lựa chọn nhân sự để trình, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét , quyết định.

- Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

>> Tham khảo: Mẫu quyết định bổ nhiệm cán bộ công chức mới nhất 

Trên đây là bài viết "Quyết định bổ nhiệm cán bộ 5 bước hiện nay" của Luật Minh Khuê. Mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến theo số Hotline 1900.6162 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!