Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về Quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân có Bộ đội chủ lực và Bộ đội địa phương. Quân đội nhân dân Việt Nam lựa chọn ngày 22 tháng 12 hàng năm là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân, ngày hội quốc phòng toàn dân.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân, mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân: Theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Quốc phòng năm 2018, Quân đội nhân dân Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; thực hiện công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách. pháp luật của Nhà nước; lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
>> Xem thêm: Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu của quân đội nhân dân Việt Nam
2. Sơ đồ tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam
Cơ cấu tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện ở sơ đồ dưới đây:
Nhìn vào sơ đồ phía trên, có thể thấy hệ thống tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam bao gồm:
- Bộ Quốc phòng
- Các cơ quan Bộ Quốc phòng
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng
- Các bộ, ban chỉ huy quân sự
2.1. Bộ Quốc phòng
Bộ Quốc phòng là đơn vị thuộc Chính phủ, do Bộ trưởng đứng đầu. Bộ Quốc phòng có chức năng lãnh đạo, chỉ huy, quản lý cao nhất của toàn quân.
Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương lập, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định
- Xây dựng, quản lý, chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng
- Chỉ đạo, hướng dẫn Bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng
Tổ chức Bộ Quốc phòng hiện nay gồm: Văn phòng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Tình báo Quốc phòng và một số cơ quan, đơn vị trực thuộc khác.
2.2. Bộ Tổng tham mưu
Bộ Tổng tham mưu là cơ quan chỉ huy, điều hành Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng. Bộ Tổng tham mưu tổ chức, chỉ đạo sự phát triển của quân đội và dân quân tự vệ đồng thời chỉ huy các hoạt động quân sự.
Tổng Tham mưu trưởng - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người sẽ thay thế Bộ trưởng Bộ quốc phòng điều hành các hoạt động của Bộ Quốc phòng khi Bộ trưởng vắng mặt.
2.3. Tổng cục Chính trị
Tổng cục Chính trị là cơ quan chỉ đạo và tiến hành công tác Đảng, công tác Chính trị trong quân đội. Tổng cục Chính trị chịu trách nhiệm về công tác cán bọ, tuyên huấn, tổ chức Đảng, công tác dân vận, an ninh quân đội... Tổng cục Chính trị cũng chính là cơ quan quản lý hành chính đối với hệ thống Tòa án quân sự, Viện kiểm sát quân sự các cấp.
2.4. Các Tổng cục và Cục trực thuộc
2.4.1. Tổng cục Hậu cần
- Là cơ quan đầu ngành về hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Chức năng: Tham mưu, chỉ đạo, tổ chức đảm bảo vật chất, sinh hoạt, quân y, vận tải... cho quân đội.
- Cơ quan trực thuộc gồm: Văn phòng Tổng cục, Thanh tra Tổng cục, Phòng Tài chính, Phòng Khoa học Quân sự, Phòng Thông tin Khoa học quân sự, Phòng Điều tra hình sự, Ban Kinh tế, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Doanh trại, Cục Quân nhu, Cục Xăng dầu, Cục Vận tải, Cục Quân y.
2.4.2. Tổng cục Kỹ thuật
- Là cơ quan đầu ngành kỹ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam
- Chức năng: Tham mưu, bảo đảm kỹ thuật cho quân đội, có các cục chức năng chịu trách nhiệm về bảo đảm kỹ thuật cho các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng.
- Cơ quan trực thuộc gồm: Văn phòng Tổng cục, Thanh tra Tổng cục, Ủy ban Kiểm tra Đảng, Phòng Tài chính, Phòng Khoa học quân sự, Phòng Thông tin Khoa học quân sự, Phòng Điều tra hình sự, Phòng Kinh tế, Tạp chí Kỹ thuật, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Quân khí, Cục Xe - Máy, Cục Kỹ thuật - Binh chủng
2.4.3. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
- Chịu trách nhiệm sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân dụng cho quân đội và dân quân tự vệ.
- Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có Chủ nhiệm và các Phó chủ nhiệm, Chính ủy và Phó Chính ủy, các cục chức năng, các nhà máy sản xuất vũ khí, khí tài, các trường dạy nghề và các đơn vị trực thuộc.
- Cơ quan trực thuộc: văn phòng Tổng cục, Thanh tra Tổng cục, Phòng Tài chính, Phòng Vật tư, Phòng Quản lý Dự án đầu tư, Phòng Khoa học quân sự, Phòng Thông tin Khoa học quân sự, Phòng Điều tra hình sự, Phòng Kinh tế, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, Cục Quản lý công nghệ, Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và kinh tế
2.4.4. Tổng cục Tính báo quốc phòng
- Là cơ quan tình báo chuyên trách chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt nam
- Là cơ quan tình báo chuyên trách quân sự của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng
- Cơ quan trực thuộc: Văn phòng Tổng cục, Thanh tra Tổng cục, Phòng Tài chính, Phòng Khoa học quân sự, Phòng Thông tin Khoa học quân sự, Phòng Điều tra hình sự, Phòng Kinh tế, Phòng 72, Phòng 73, Phòng B, Phòng C, Phòng E, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục 11, Cục 12, Cục 16 (Cục Tình báo chiến lược về quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội), Cục 25, Cục 71 (Cục Trính sát kỹ thuật), Cục 72, Cục 80
2.4.5. Cục Đối ngoại
- Là cơ quan quản lý nhà nước về đối ngoại quốc phòng của quân đội
2.4.6. Cục Cảnh sát biển
- Là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Nhà nước Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.
Ngoài các cơ quan kể trên, cơ cấu tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam còn bao gồm các Quân khu; Quân đoàn; Quân chủng, Bộ đội biên phòng; Binh chủng; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các Học viện, nhà trường; Viện nghiên cứu và các đơn vị Kinh tế - Quốc phòng.
>> Tham khảo thêm: Quy định về mặc, sử dụng trang phục của quân đội nhân dân Việt Nam
Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về chủ đề Sơ đồ tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam chính xác nhất. Hy vọng những nội dung trên đây đã đem đến cho bạn nhiều thông tin bổ ích về Quân đội nhân dân Việt Nam.