Các quy phạm pháp luật về sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Có những văn bản pháp luật mà nội dung chính chỉ đề cập đến tài nguyên khoáng sản như: Luật Khoáng sản; hoặc đi sâu về sở hữu như: Bộ luật Dân sự; nhưng cũng có những văn bản chỉ có một số ít quy phạm liên quan đến sở hữu tài nguyên khoáng sản như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng…
Định hướng xã hội chủ nghĩa trong sở hữu tài nguyên khoáng sản
Có thể nhận xét, hệ thống pháp luật về sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản tiếp tục khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa trong sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản, khẳng định vai trò vị trí của sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản. Điều 17 của Hiến pháp 1992 quy định cụ thể những đối tượng là tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong đó có “tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở thềm lục địa…”. Việc ghi nhận này là cần thiết và hoàn toàn hợp lý, hợp tình. Khi nhân dân thực sự là chủ sở hữu các nguồn lực tài sản mới có khả năng phát huy cao độ sức mạnh của mình, mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mới được thực hiện tốt nhất. Chính vì vậy, Điều 200 của Bộ luật Dân sự, Điều 1 của Luật Khoáng sản (năm 1996) cũng đã khẳng định lại vấn đề này.
Các vấn đề về sở hữu tài nguyên khoáng sản được quy định thành một hệ thống từ văn bản có tính pháp lý cao nhất đến những văn bản pháp quy ở các cấp độ khác nhau, tính thống nhất cơ bản được bảo đảm. Trước hết phải kể đến Hiến pháp, các luật, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành các luật này. Qua các văn bản pháp luật này, nội dung chế độ sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản đều thống nhất ở tính chất xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa do nhân dân lập nên, đại diện cho nhân dân thực hiện các quyền của chủ sở hữu.
>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.6162
Các nội dung cụ thể của quyền sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản đã được đề cập, đối tượng và các chủ thể sở hữu liên quan được xác định tương đối đầy đủ. Không chỉ quy định về chế độ, hình thức sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản, pháp luật nước ta còn có những quy định chi tiết về thực hiện các nội dung cụ thể của quyền sở hữu đó. Bộ luật Dân sự đã xác định quyền sở hữu tài sản gồm ba quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt liên quan đến số phận pháp lý của tài sản. Các quyền về sở hữu khi được cụ thể hóa trong các hoạt động kinh tế – xã hội trên thực tế thì được biểu hiện dưới những hình thức hoạt động khác nhau. Luật Khoáng sản không quy định về các hoạt động khoáng sản, mà “nhân dân”, với tư cách là chủ sở hữu, do Nhà nước làm đại diện, thực hiện quyền sở hữu. Về cơ bản, quyền của chủ sở hữu về tài nguyên khoáng sản đã được bảo vệ trong quy định của pháp luật về khoáng sản.
Hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu tài nguyên khoáng sản đã góp phần đáng kể nhằm quản lý khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp ổn định. Tình trạng vô tổ chức trong thăm dò khai thác khoáng sản do các hoạt động tự phát của nhân dân có chiều hướng giảm. Sản lượng khai thác khoáng sản ngày càng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoáng sản, góp phần tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong quá trình đó, cơ chế bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được hình thành và phát huy tác dụng.
Hội nhập và những vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên khoáng sản
Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại hai quan niệm cơ bản về quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản.
Quan niệm thứ nhất coi “khoáng sản thuộc về chủ đất”. Quan điểm này được gọi là hệ thống chiếm hữu (accession system), xuất phát từ những nước theo hệ thống pháp luật án lệ và dựa trên đạo luật La Mã cổ đại. Theo đó, tài nguyên khoáng sản là một phần không tách rời đất đai, bất kể khoáng sản đó có trên trên mặt đất hay trong lòng đất. Quyền thăm dò, khai thác được cấp cho nhà đầu tư khoáng sản thông qua các thỏa thuận cho thuê mỏ (các thỏa thuận thuê mỏ này không phải là một thỏa thuận hành chính, mà là thỏa thuận giữa chủ đất và bên có hoạt động khoáng sản trên đất hoặc liên quan đến đất). Hoa Kỳ là nước duy nhất áp dụng một cách tuyệt đối và thống nhất quan điểm này.
Quan niệm thứ hai coi “khoáng sản thuộc về Nhà nước”. Quan điểm này được thể hiện bởi hai đặc tính: xác nhận quyền sở hữu công cộng hay toàn dân mà được đại diện bởi các cơ quan chính quyền đối với khoáng sản; cơ quan chính quyền cấp phép thông qua các hợp đồng thuê để thăm dò, khai thác khoáng sản hay cấp phép cho các nhà đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản.
Nghiên cứu vấn đề sở hữu về tài nguyên khoáng sản của một số nước như: Agentina, Bolivia, Chi Lê, Ecuador, Mexico, Venzuela, Namibia, Nigeria, Tanzania, Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ, Philipine cho thấy: quyền sở hữu của Nhà nước có thể được định nghĩa theo nhiều cách, nhưng tất cả các quốc gia áp dụng quan điểm này đều loại trừ quyền sở hữu tư nhân đối với khoáng sản và Nhà nước nắm giữ độc quyền quản lý trữ lượng khoáng sản với tư cách đại diện của quốc gia. Có thể có sự khác biệt trong việc sử dụng thuật ngữ “quyền sở hữu” hay “quyền chiếm hữu” trong Luật khoáng sản của mỗi quốc gia, nhưng tựu chung, tất cả đều đặt khoáng sản dưới một chế độ quản lý đặc biệt bởi Nhà Nước.
Nhìn chung, quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản ở hầu hết các nước trên thế giới đều thuộc về Nhà nước. Nhà nước nắm giữ quyền kiểm soát tài nguyên khoáng sản và căn cứ theo các tiêu chí cụ thể trong Luật khoáng sản hay hợp đồng khoáng sản để cấp quyền khai thác khoáng sản cho các cá nhân và tổ chức có hoạt động khoáng sản. Mặc dù không có sự khác biệt quá lớn trong quy định về quyền sở hữu nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, nhưng các quốc gia đã tạo ra tính cạnh tranh thu hút đầu tư (trong nước và nước ngoài) bằng việc cải tổ hệ thống pháp luật về khoáng sản.
Những kiến nghị…
Trong cương lĩnh, văn kiện của Đảng cần thể hiện rõ quan điểm, đường lối, chủ trương đối với tài sản “tài nguyên khoáng sản”. Đó là, khẳng định tài nguyên khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (đại diện của sở hữu toàn dân), là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. Nhà nước đầu tư thích đáng cho công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản; tổ chức triển khai có hiệu quả quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 đã phê duyệt; đồng thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Thể hiện rõ vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với một số loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Xác định rõ một số loại khoáng sản do Nhà nước độc quyền đầu tư thăm dò, khai thác hoặc tham gia khai thác với cổ phần chi phối thông qua doanh nghiệp của Nhà nước như: urani, than, bauxit, titan, quặng sắt, đồng. Đối với một số loại khoáng sản khác, Nhà nước cần mở rộng hình thức cho phép thăm dò, khai thác, hạn chế cơ chế “xin – cho”, tăng hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, tăng thu ngân sách Nhà nước thông qua hình thức đấu giá quyền hoạt động khoáng sản, hợp đồng khai thác, cho thuê mỏ… Tăng cường hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn nhưng phải đủ về số lượng, mạnh về chất lượng với cơ cấu tổ chức hợp lý, bảo đảm thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nhằm quản lý tốt, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản cần được thể hiện rõ hơn, theo hướng cụ thể hóa hơn vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu tài nguyên khoáng sản thông qua hoạt động lập, phê duyệt chiến lược, quy hoạch khoáng sản nhằm khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên khoáng sản, có tính tới lợi ích trước mắt và lâu dài; gắn khai thác khoáng sản với phát triển bền vững, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương. Bám sát bản chất, đặc điểm của tài nguyên khoáng sản; đi sâu vào thực chất của quá trình chuyển quyền sở hữu từ khi khoáng sản chưa khai thác (sở hữu toàn dân) đến khi mỏ khoáng sản được cấp cho tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác (sở hữu tư nhân, doanh nghiệp) để có cơ chế quản lý đảm bảo lợi ích của chủ sở hữu khi chuyển hình thức sở hữu toàn dân sang các hình thức sở hữu khác. Tăng cường sự đóng góp của khoáng sản vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, vận dụng các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường đối với hoạt động khoáng sản, thực hiện chủ trương ‘kinh tế hóa – tài chính hóa’ lĩnh vực khoáng sản. Theo đó, cần xác định rõ hai vấn đề cốt yếu là: xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thị trường hóa hoạt động khoáng sản thông qua hoạt động đấu thầu thăm dò mỏ; định giá mỏ, đấu giá quyền khai thác mỏ…
SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHẤN DÂN - TS. LÊ THANH VÂN – Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học- Viện Nghiên cứu lập pháp
Trích dẫn từ: http://nguoidaibieu.com.vn/
(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)