Mục lục bài viết
- 1. Khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
- 2. Công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
- 3. Công nghệ là đối tượng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ
- 3.1. Đối tượng chuyển giao công nghệ
- 3.2. Hình thức và phương thức chuyển giao công nghệ
- 3.3. Quyền chuyển giao công nghệ
1. Khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Trong đó tài sản trí tuệ phải được định hình dưới dạng vật chất nhất định và thường mang lại giá trị cho chủ sở hữu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ tại Việt Nam bao gồm tác phẩm, chương trình máy tính, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh và quyền đối với giống cây trồng.
Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ thì Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Trong đó Bí quyết là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghệ, sản phẩm công nghệ. Bí quyết bao gồm bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ.
Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ. Việc chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện bên trong lãnh thổ Việt Nam, chuyển giao từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.
2. Công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo hình thức bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, bảo hộ độc quyền sáng chế, bảo hộ bí mật kinh doanh, bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Còn quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Công nghệ sẽ được bảo hộ quyền tác giả nếu chúng được thể hiện dưới dạng tác phẩm qua học, bài viết, bài báo, bản ghi âm ghi hình giới thiệu về công nghệ hoặc các hình thức khác.
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, thiết kế bố trí được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong đó, công nghệ được bảo hộ dưới dạng sáng chế nếu công nghệ đó là giải pháp kỹ thuật dưới dạng quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Công nghệ đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế sẽ được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó. Nếu một công nghệ được bảo hộ dưới dạng bí mật kinh doanh thì chủ sở hữu công nghệ đó phải có được công nghệ một cách hợp pháp, thông qua hoạt động tự sáng tạo, giao việc hoặc nhận chuyển giao ... và phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo mật công nghệ đó. Trường hợp người khác tự giải mã công nghệ một cách hợp pháp hoặc việc bảo mật không được tiếp tục thì sự bảo hộ sẽ bị chấm dứt.
- Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh. Quyền này được chủ sở hữu ứng dụng trên thực tế, nếu có bất kỳ hành vi cạnh tranh không lành mạnh nào có liên quan đến công nghệ diễn ra, chủ sở hữu hoàn có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
3. Công nghệ là đối tượng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ
3.1. Đối tượng chuyển giao công nghệ
Theo Điều 4 Luật Chuyển giao công nghệ thì đối tượng công nghệ được chuyển giao bao gồm:
- Bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ;
- Phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu;
- Giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ;
- Máy móc, thiết bị đi kèm một trong các đối tượng trên.
Trường hợp đối tượng công nghệ nêu trên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Chính Phủ quy định chi tiết danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và danh mục công nghệ cấm chuyển giao.
3.2. Hình thức và phương thức chuyển giao công nghệ
Hình thức chuyển giao công nghệ bao gồm:
- Chuyển giao công nghệ độc lập.
- Chuyển giao công nghệ có thể thực hiện thông qua dự án đầu tư; góp vốn bằng công nghệ; nhượng quyền thương mại; chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; mua, bán máy móc, thiết bị quy định theo Luật Chuyển giao công nghệ.
- Chuyển giao công nghệ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Việc chuyển giao công nghệ phải được lập thành hợp đồng hoặc được thể hiện dưới hình thức hợp đồng hoặc điều, khoản, phụ lục của hợp đồng hoặc của hồ sơ dự án đầu tư có các nội dung quy định tại Điều 23 của Luật Chuyển giao công nghệ.
Phương thức chuyển giao công nghệ gồm:
- Chuyển giao tài liệu về công nghệ.
- Đào tạo cho bên nhận công nghệ nắm vững và làm chủ công nghệ trong thời hạn thỏa thuận.
- Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.
- Chuyển giao máy móc, thiết bị kèm theo công nghệ theo các phương thức quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ.
- Phương thức chuyển giao khác do các bên thỏa thuận.
3.3. Quyền chuyển giao công nghệ
Người có quyền chuyển giao công nghệ bao gồm:
- Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng công nghệ.
- Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng công nghệ được chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó cho tổ chức, cá nhân khác khi chủ sở hữu công nghệ đồng ý.
Phạm vi chuyển giao quyền sử dụng công nghệ do các bên thỏa thuận bao gồm: Chuyển giao độc quyền hoặc không độc quyền sử dụng công nghệ; quyền chuyển giao tiếp quyền sử dụng công nghệ của bên nhận chuyển giao cho bên thứ ba (chuyển giao thứ cấp).
Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chuyển giao công nghệ bao gồm các hành vi sau:
- Hành vi lợi dụng chuyển giao công nghệ làm ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, sức khỏe con người, môi trường, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
- Hành vi chuyển giao công nghệ cấm chuyển giao; chuyển giao trái phép công nghệ hạn chế chuyển giao.
- Hành vi vi phạm quy định về quyền chuyển giao công nghệ.
- Hành vi lừa dối, giả tạo trong việc lập, thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng dịch vụ chuyển giao công nghệ, nội dung công nghệ trong hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư.
- Hành vi cản trở, từ chối cung cấp thông tin về hoạt động chuyển giao công nghệ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hành vi tiết lộ bí mật công nghệ trái quy định của pháp luật, cản trở hoạt động chuyển giao công nghệ.
- Hành vi sử dụng công nghệ không đúng với công nghệ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép.
Trên đây là bài viết về mối quan hệ giữa Sở hữu trí tuệ và hoạt động Chuyển giao công nghệ của Luật Minh Khuê. Trường hợp Quý khách hàng cần làm rõ thêm hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh:
Email: gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienhe@luatminhkhue.vn hoặc qua 19006162 để được hỗ trợ các vấn đề pháp luật khác.
Điện thoại: yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ, gọi: 0986 386 648 (Luật sư: Tô Thị Phương Dung)