Căn cứ vào khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động năm 2019, số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tĩnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:

* Tốì thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

* Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử.

* Tôi thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.

Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 199), thì Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định mới nổi bật là số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động ít nhất là 15 người (Bộ luật Lao động nâm 2012 quy định số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 07 người).

Với việc quy định mới này thể hiện sự đánh giá cao của Nhà nước đối với Hội đồng trọng tài lao động trong việc giải quyết tranh chấp về lao động, nên tăng số lượng trọng tài viên để giúp giải quyết kịp thời và hiệu quả các tranh chấp lao động nhằm mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động.

Luật Minh Khuê tư vấn, phân tích chi tiết hơn quy định pháp lý trên như sau:

Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp lao động được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng một cách hiệu quả bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại.

 

1. Hội đồng trọng tài lao động là gì?

Hội đồng trọng tài lao động là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể và quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích theo các Điều 187, 191, 195 Bộ luật lao động hiện hành.

 

2. Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động

2.1 Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động là bao nhiêu? 

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:

a) Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;

c) Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.

Như vậy, theo quy định trên thì số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động phải từ 15 người trở lên bao gồm Chủ tịch Hội đồng trọng tài, Thư ký và các thành viên khác. Các thành viên này đều phải là trọng tài viên.

 

2.2 Ai có thẩm quyền quyết định số lượng trọng tài viên lao động trong Hội đồng trọng tài lao động?

Dựa vào nội dung khoản 2 Điều 185 Bộ luật Lao động 2019 đã nêu ở phần 2.1 trên thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền quyết định số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài lao động.

Trong ít nhất 15 trọng tài viên, được phân chia tỷ lệ ngang nhau do các bên có thẩm quyền đề cử:

 

2.2.1 Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử

Phải có tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đề cử. Trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và thư ký Hội đồng, do 02 chủ thể này trước khi là thành viên của Hội đồng trọng tài lao động thì thực hiện công việc, nhiệm vụ tại cơ quan chuyên môn về lao động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tức Sở lao động - Thương binh và xã hội). Trong đó, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải là lãnh đạo tại Sở lao động - Thương binh và Xã hội, tức là Giám đốc Sở hoặc Phó Giám đốc sở. Thư ký Hội đồng phải là công chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đã thực hiện công việc, nhiệm vụ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và sau khi tham gia và Hội đồng trọng tài lao động với tư cách thư ký thì thực hiện nhiệm vụ của thư ký theo chế độ chuyên trách.

 

2.2.2 Công đoàn cấp tỉnh đề cử 

Công đoàn là một tổ chức đại diện người lao động, trước đây là tổ chức đại diện người lao động duy nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, hiện nay có nhiều tổ chức đại diện người lao động được thành lập tại cơ sở, Công đoàn tại cơ sở không phải là tổ chức đại diện duy nhất tại cơ sở nữa. Tuy nhiên, chưa có quy định về các tổ chức đại diện người lao động có mức độ hoạt động theo hệ thống lớn như Công đoàn, tức hoạt động từ cấp tổng Liên đoàn đến cấp cơ sở. Do Công đoàn là tổ chức đại diện người lao động, cán bộ chuyên trách tại Công đoàn được đào tạo và thực hiện các công việc liên quan đến lao động thường xuyên liên tục, vì vậy có các kinh nghiệm thực tế, sâu sắc về lĩnh vực này. Do vậy, Công đoàn cấp tỉnh được đề cử ít nhất 05 thành viên cho Hội đồng trọng tài lao động.

 

2.2.3 Tổ chức đại diện người sử dụng lao động đề cử

Nếu Công đoàn là tổ chức đại diện người lao động có quyền đề cử thành viên cho Hội đồng trọng tài lao động, thì để đảm bảo tính công khai, khách quan khi Hội đồng trọng tài lao động hoạt động thì cần có các thành viên đại diện cho người sử dụng lao động hoạt động trong Hội đồng trọng tài lao động. Các thành viên này được cử từ các tổ chức đại diện người sử dụng lao động như Liên minh hợp tác xã Việt Nam (qua cấp tỉnh), Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (qua chi nhánh tại tỉnh). Các thành viên chuyên trách của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cũng tương tự như các thành viên chuyên trách của Công đoàn, làm việc trong môi trường liên quan đến lao động, có các kiến thức thực tiễn về vấn đề lao động. Do đó, tổ chức đại diện người sử dụng lao động được đề cử thành viên của mình là hợp lý, đồng thời, để đảm bảo sự cân bằng giữa người lao động và người sử dụng lao động, nếu Công đoàn được cử ít nhất 05 người thì tổ chức đại diện người lao động cũng được cử ít nhất 05 người.

Trên đây là 03 chủ thể có quyền đề cử thành viên cho Hội đồng trọng tài lao động. Cần chú ý số lượng người được đề cử từ các chủ thể này là cân bằng. Ví dụ như Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử 07 người thì Công đoàn cấp tỉnh và Tổ chức đại diện người sử dụng lao động cũng phải đề cử số lượng tương ứng là 07 người.

 

3. Tiêu chuẩn của trọng tài viên lao động là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thì cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như sau thì mới được bổ nhiệm trọng tài viên lao động:

1. Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự, có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, công tâm.

2. Có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.

3. Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành bản án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

4. Được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh hoặc tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đề cử làm trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 185 của Bộ luật Lao động.

5. Không phải là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án

 

4. Tranh chấp về tiền lương có bắt buộc phải hòa giải thông qua hòa giải viên lao động không?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động 2019 quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh cấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp động lao động;

- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Như vậy, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án mới đúng theo quy định pháp luật. Do đó, cá nhân bắt buộc phải thông qua thủ tục này, căn cứ quy định để thực hiện đúng. 

Trên đây là những chia sẻ của Luật Minh Khuê về câu hỏi Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động là bao nhiêu? và những nội dung liên quan. Hi vọng bài viết đã cung cấp và mang lại những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc. Trân trọng cảm ơn!