Mục lục bài viết
1. Khái niệm nghỉ phép năm
Nghỉ phép năm là một trong những quyền lợi của người lao động, khi nghỉ phép năm người lao động được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động nếu người lao động đáp ứng được điều kiện làm việc cho người sử dụng lao động 01 năm.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về số ngày nghỉ phép năm của người lao động như sau:
- Người làm công việc trong điều kiện bình thường được nghỉ 12 ngày làm việc;
- Người lao động chưa thành niên, người khuyết tật, người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ 14 ngày làm việc (Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây quy định về số ngày nghỉ phép năm là 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật);
- Người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ 16 ngày làm việc (Bộ luật Lao động năm 2012 trước đây quy định số ngày nghỉ phép năm là 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành).
Ngoài ra, chế độ nghỉ phép năm đối với người lao động có thâm niên như sau: Căn cứ theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về ngày nghỉ phép năm tăng thêm theo thâm niên làm việc. Theo đó cứ đủ 05 năm làm việc cho 01 người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được hưởng thêm một ngày.
Một ví dụ minh họa: Người lao động A đã làm việc cho công ty B đủ 12 tháng, A làm công việc trong điều kiện bình thường nên được nghỉ phép năm là 12 ngày làm việc. Sau 05 năm làm việc cho 01 người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ phép năm tăng lên 13 ngày. Tương tự đối với các trường hợp nghỉ phép năm tăng thêm 15 ngày đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người lao động dưới 18 tuổi, người khuyết tật và tăng lên 17 ngày đối với người làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nghỉ phép năm trong một số trường hợp cụ thể:
- Trong trường hợp người lao động làm việc dưới 12 tháng cho người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ phép năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
- Trong trường hợp người lao động không làm việc cho người sử dụng lao động do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ phép năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
- Trong trường hợp khi nghỉ phép năm, người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ phép năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
- Đối với trường hợp gộp số ngày nghỉ phép năm: Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về gộp số ngày nghỉ phép năm: Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động đề nghỉ phép năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp. Nếu nghỉ gộp thì thời gian người lao động nghỉ tối đa 03 năm một lần.
Xem thêm: Cách hiểu đúng về ngày nghỉ phép năm theo Bộ luật lao động?
2. Cách tính số ngày nghỉ phép năm theo quy định của pháp luật hiện hành
Cách tính số ngày nghỉ phép năm như sau:
[Số ngày nghỉ phép năm khi làm đủ 12 tháng (là 12 ngày hoặc 14 ngày hoặc 16 ngày) + số ngày nghỉ phép năm tăng thêm theo thâm niên (chu kỳ 05 năm tăng thêm 01 ngày)/12 tháng] x số tháng làm việc thực tế trong năm
Trong đó, thời gian để được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm của người lao động: Căn cứ theo quy định tại Điều 65 Nghị định số 145/2020/NĐ - CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có quy định các loại thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm bao gồm:
- Thời gian học nghề, tập nghề;
- Thời gian thử việc nếu sau khi hết thời gian thử việc người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động;
- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương;
- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm;
- Thời gian nghỉ do tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Thời gian nghỉ do ốm đau;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản;
- Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Nếu kết quả công thức cho ra có phần dư lớn hơn hoặc bằng 0,5 năm được làm tròn lên 01 ngày.
Căn cứ theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 145/2020/NĐ - CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có quy định về cách tính ngày nghỉ phép năm trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
- Đối với trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động:
Số ngày được nghỉ phép năm = [số ngày nghỉ phép năm + số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có)]/12 tháng x số tháng làm việc thực tế trong năm
- Đối với trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ phép năm.
- Đối với trường hợp toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được tính là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo quy định tại Điều 114 của Bộ luật Lao động nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.
Xem thêm: Cách tính ngày nghỉ phép năm, chế độ nghỉ hàng năm theo luật?
3. Mẫu sổ theo dõi nghỉ phép năm mới nhất
Chi tiết nội dung mẫu sổ theo dõi nghỉ phép năm mới nhất do Luật Minh Khuê biên tập dưới đây mời các bạn tham khảo:
SỔ THEO DÕI NGHỈ PHÉP NĂM 2023
Stt | MSNV | Họ tên | Chức danh | Bộ phận | Ngày vào | Sổ ngày phép | Đợt 1 | Đợt 2 | Đợt 3 | ||||||
Từ ngày đến ngày | Tổng số ngày | Số ngày còn lại | Từ ngày đến ngày | Tổng số ngày | Số ngày còn lại | Từ ngày đến ngày | Tổng số ngày | Số ngày còn lại | |||||||
A | B | C | D | E | F | G | H | I | J=G-I | K | L | M=J-L | N | O | P=M-O |
1 | 200501 | Nguyễn Văn A | Giám đốc | Ban kiểm soát | 15/8/2020 | 12 | 4/2/2023 đến 6/2/2023 | 2 | 10 | 10/5/2023 đến 11/5/2023 | 1 | 9 | 15/7/2023 đến 18/7/2023 | 3 | 6 |
2 | 200502 | Ngô Thị B | Phó Giám đốc | Ban kiểm soát | 7/3/2021 | 12 | 2/4/2023 đến 3/4/2023 | 1 | 11 | 24/6/2023 đến 29/6/2023 | 5 | 6 | 3/8/2023 đến 5/8/2023 | 2 | 4 |
3 | 200503 | Nguyễn Văn C | Kế toán | Ban kế toán | 31/8/2022 | 12 | 28/2/2023 đến 2/3/2023 | 2 | 10 | 5/5/2023 đến 7/5/2023 | 2 | 8 | 27/7/2023 đến 29/7/2023 | 2 | 6 |
4 | 200504 | Châu Thị D | Nhân viên kinh doanh | Ban kinh doanh | 18/10/2020 | 12 | 9/1/2023 đến 12/1/2023 | 3 | 9 | 6/3/2023 đến 7/3/2023 | 1 | 8 | 7/6/2023 đến 8/8/2023 | 1 | 7 |
5 | 200505 | Phạm Hồng N | Nhân viên kinh doanh | Ban kinh doanh | 19/11/2021 | 12 | 2/4/2023 đến 5/4/2023 | 3 | 9 | 6/5/2023 đến 9/5/2023 | 3 | 6 | 1/7/2023 đến 5/7/2023 | 4 | 2 |
6 | 200506 | Trần Thị T | Nhân viên kinh doanh | Ban kinh doanh | 20/10/2022 | 12 | 8/2/2023 đến 10/2/2023 | 2 | 10 | 9/6/2023 đến 13/6/2023 | 4 | 6 | 10/7/2023 đến 11/7/2023 | 1 | 5 |
.... | .... | ..... | ..... | ..... | ...... | ..... | ..... | ...... | ..... | ...... | ..... | ..... | ...... | ..... | ..... |
Xem thêm: Mẫu giấy nghỉ phép mới nhất năm 2023 và Điều kiện nghỉ phép năm?
Công ty Luật Minh Khuê xin gửi đến quý khách hàng thông tin về "Mẫu sổ theo dõi nghỉ phép năm mới nhất". Nếu quý khách hàng đang gặp phải bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ với Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.6162. Chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ để giúp quý khách hàng vượt qua những khó khăn một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra, quý khách hàng cũng có thể gửi yêu cầu chi tiết qua email: lienhe@luatminhkhue.vn. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và giải đáp thắc mắc của quý khách hàng trong thời gian ngắn nhất.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn hợp tác của quý khách hàng.