- 1. SWOT là gì?
- 2. Phân tích SWOT là gì?
- 3. Ưu và nhược điểm của mô hình SWOT
- 3.1 Ưu điểm
- 3.2 Nhược điểm
- 4. Cách xây dựng mô hình SWOT
- 4.1 Strength - Thế mạnh
- 4.2 Weakness - Điểm yếu
- 4.3 Opportunity - Cơ hội
- 4.4 Threat - Thách thức
- 5. Ví dụ về mô hình SWOT của doanh nghiệp TH TRUE MILK
- 5.1 Điểm mạnh của TH True MILK
- 5.2 Điểm yếu của TH True MILK
- 5.3 Cơ hội của TH True MILK
- 5.4 Thách thức của TH True MILK
1. SWOT là gì?
SWOT là một mô hình phân tích tình hình kinh doanh nổi tiếng. Mô hình này bao gồm 4 yếu tố được viết tắt bởi 4 chữ viết tắt là S - Strength (Điểm mạnh), W - Weakness (Điểm yếu), Opportunity (Cơ hội) và Threat (thách thức).
SWOT được ứng dụng rất nhiều nhất trong lĩnh vực kinh doanh nhằm để phân tích tình hình cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra nó còn được dùng cho mỗi cá nhân để phân tích bản thân, dựa vào đó lập kế hoạch cho tương lai.
2. Phân tích SWOT là gì?
Một doanh nghiệp muốn thành công thì phải phân tích SWOT. Làm rõ ra, phân tích SWOT tức là phân tích 4 yếu tố: Strengths (Điểm mạnh), Weakness (Điểm yếu), Opportunity (Cơ hội), Threat (Thách thức) giúp bạn xác định mục tiêu chiến lược, hướng đi cho doanh nghiệp.
Phân tích mô hình SWOT có thể được ứng dụng khi thành lập doanh nghiệp, hoặc các dự án chuẩn bị triển khai
Nói tóm gọn, phân tích SWOT doanh nghiệp bao gồm những khía cạnh như sau:
- Thế mạnh: Những thế mạnh mà dự án, hoặc doanh nghiệp mình có mà đối thủ không có
- Điểm yếu: Những yếu tố mà dự án hoặc doanh nghiệp mình yếu hơn so với đối thủ
- Cơ hội: Những nhân tố như môi trường, thời tiết, những tình huống phát sinh mà đem lại cơ hội cho dự án, doanh nghiệp
- Thách thức: Những khó khăn, thử thách mà doanh nghiệp phải vượt qua
3. Ưu và nhược điểm của mô hình SWOT
3.1 Ưu điểm
- Không tốn bất kỳ chi phí nào: Bạn chỉ cần phải tiêu tốn chất xám và công sức mà không cần bỏ ra bất kỳ khoản tiền nào. Đây là ưu điểm cực lớn của mô hình SWOT, rất hợp lý cho các doanh nghiệp mới bước chân vào thị trường bởi vì bạn không cần bỏ chi phí thuê các chuyên gia mà vẫn có thể tự mình tìm hiểu, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như người quen, Internet và báo cáo của công ty để phân tích.
- Kết quả quan trọng: Kết quả thu được từ mô hình SWOT là rất quan trọng và có thể giúp ích cho tất cả các đối tượng muốn nắm bắt một cách tổng quát về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của bản thân, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Kết quả đó là tiền để cho các kế hoạch được triển khai thành công trong tương lai.
- Đột phá ý tưởng mới: Phân tích mô hình SWOT đem lại rất nhiều ý tưởng đột phá kinh doanh. Khi nhìn một cách tổng quan tất cả các yếu tố thì bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng mới lạ, độc đáo một cách dễ dàng hơn.
3.2 Nhược điểm
- Kết quả phân tích chưa chuyên sâu: Các kết quả được đưa ra từ mô hình SWOT thường khá đơn giản. Vì vậy, những phân tích thường chưa được sâu sắc, chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh khiến cho việc đề xuất phương pháp và đi vào triển khai đôi khi không hiểu quả.
- Phân tích chủ quan: Phân tích SWOT có một nhược điểm khá lớn đó là thường mang tính chủ quan mà thiếu xem xét đến các yếu tố khách quan hay nhiều vấn đề thực tế khác. Đôi khi người lập mô hình sẽ phân vân và không chắc chắn với những yếu tố mình đưa ra vì không biết nó có thật sự đúng với hiện thực hay không.
- Không đưa ra hành động cụ thể: Vì mô hình SWOT chỉ đưa ra một sự khái quát về tình hình của cá nhân, tổ chức mà chưa khai thác sâu. Thế nên, các phương pháp và hành động đưa ra thường chung chung và không được cụ thể lắm.
- Cần thực hiện nghiên cứu bổ sung: Một điều chắc chắn là nếu muốn lập một kế hoạch hoàn chỉnh thì bạn không nên chỉ dựa vào mô hình SWOT mà còn phải thực hiện các nghiên cứu khác. Ví dụ nghiên cứu hành vi, nhu cầu khách hàng, thói quen mua sắm thông qua các cuộc khảo sát định tính, nắm bắt tình hình thực tế.
4. Cách xây dựng mô hình SWOT
Thông thường sơ đồ SWOT được trình bày dưới dạng cột 4 ô vuông tượng trưng cho 4 yếu tố chính. Tuy nhiên bạn cũng có thể liệt kê các ý cho từng mục dưới dạng danh sách. Cách trình bày như thế nào tùy mỗi người.
Sau khi thảo luận, thống nhất phiên bản SWOT hoàn chỉnh nhất, liệt kê các ý trong 4 yếu tố theo thứ tự ưu tiên nhiều nhất cho đến ít ưu tiên nhất.
Luật Minh Khuê đã tổng hợp một số câu hỏi dành cho mỗi phần để bạn tham khảo khi thực hiện phân tích SWOT.
4.1 Strength - Thế mạnh
Một điều đơn giản mà tất cả các nhà kinh doanh đều biết, yếu tố thế mạnh này giải quyết những điều mà doanh nghiệp đặc biệt làm tốt, chẳng hạn như môi trường làm việc tốt, hay ý tưởng bán hàng độc đáo, hay nguồn nhân lực tuyệt vời, chuyên nghiệp và bộ máy lãnh đạo xuất sắc.
Những câu hỏi để mở rộng yếu tố đầu tiên: Điểm mạnh, bằng cách liệt kệ những câu hỏi xoay quanh thế mạnh của doanh nghiệp như sau:
- Sự yêu thích của khách hàng về doanh nghiệp hay sản phẩm của bạn là gì?
- Doanh nghiệp bạn làm gì tốt hơn các doanh nghiệp khác trong ngành như thế nào?
- Đặc tính thương hiệu (Brand atribute) thu hút nhất của doanh nghiệp bạn là gì?
- Những ý tưởng bán hàng độc đáo mà doanh nghiệp của bạn đang ấp ủ?
- Hay những tài nguyên nào chỉ bạn có mà đối thủ thì không?
Câu trả lời sẽ đem lại cái nhìn tổng quát giúp bạn xác định điểm mạnh cốt lõi của doanh nghiệp.
Đừng quên cân nhắc lợi thế từ góc nhìn cả trong cuộc lẫn khách hàng và những bạn cùng ngành. Nếu bạn gặp khó khăn thì hãy cứ viết ra những Uni Selling Proposition (USP) của công ty và có thể bạn sẽ tìm ra điểm mạnh từ những đặc điểm đó.
Ngoài ra bạn cũng cần để ý liên tục tới đố thủ của mình.
Chẳng hạn nếu tất cả các đối thủ khác đều cung cấp sản phẩm chất lượng cao thì dù bạn có sản phẩm tốt thì đó cũng chưa hẳn là lợi thế của bạn.
4.2 Weakness - Điểm yếu
Qúa tự tin vào điểm mạnh của mình sẽ trở thành yếu điểm cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp chủ quan, không thể nhìn ra những thiếu sót của doanh nghiệp.
Liệu bạn có nhận ra: Điều gì khiến kế hoạch kinh doanh Qúy rồi không có kết quả? Những yếu điểm dưới đây có thể sẽ trả lời được sự thắc mắc của bạn.
Tương tự, cũng có một vài câu hỏi sẽ giúp nhận ra điểm yếu
- Khách hàng của bạn không ưa thích gì về doanh nghiệp hay sản phẩm của bạn?
- Những phàn nàn hoặc khiếu nại thường được đề cập trong các review đánh giá về doanh nghiệp bạn là gì?
- Tại sao khách hàng của bạn hủy đơn hoặc không thực hiện/không hoàn thành giao dịch?
- Thuộc tính thương hiệu tiêu cực nhất đang vướng phải là gì?
- Những trở ngại/thách thức lớn nhất trong kênh bán hàng hiện tại?
- Những yếu tố quan trọng nào mà đối thủ có mà bạn thì không?
Đối với điểm yếu, bạn cũng phải có cái nhìn tổng quan về khách quan và chủ quan: Đối thủ có đang làm tốt hơn bạn không? Những điểm yếu người khác thấy mà bạn không nhận ra? Những mục tiêu mà doanh nghiệp bạn đang hướng đến liệu có đi sai hướng? Hãy thành thật và thẳng thắn đối diện với điểm yếu của mình.
4.3 Opportunity - Cơ hội
Tiếp theo trong các yếu tố phân tích SWOT là Opportunity - Cơ hội Doanh nghiệp bạn có đang sở hữu một khối lượng lớn khách hàng tiềm năng được tạo ra bởi đội ngũ Marketing? Đó là một cơ hội. Doanh nghiệp bạn đang phát triển một ý tưởng mới sáng tạo sẽ mở ra "đại dương" mới? Đó là một cơ hội khác nữa.
Những cơ hội mà doanh nghiệp có thể tận dụng
- Xu hướng phát triển trong công nghệ và thị trường
- Những chính sách của Chính phủ mà doanh nghiệp bạn có thể tận dụng
- Thay đổi về mặt xã hội, dân số, lối sống, thói quen
- Sự kiện toàn địa cầu, địa phương
- Xu hướng của khách hàng theo từng năm
Một số câu hỏi dùng để phát hiện ra những cơ hội
- Làm thế nào để có thể cải thiện doanh số bán hàng/hỗ trợ khách hàng hiện có hay hỗ trợ khách hàng tiềm năng?
- Những kiểu truyền thông nào sẽ tiếp cận hiệu quả đến khách hàng nhất?
- Làm thế nào để có thể tìm kiếm nhiều hơn nữa những Guru trong ngành ủng hộ thương hiệu?
- Phương pháp tối ưu quy trình làm việc và sự đoàn kết trong doanh nghiệp của bạn là gì?
- Có ngân sách, công cụ hoặc tài nguyên, nhân lực nào mà doanh nghiệp bạn chưa khai thác triệt để không?
- Hay, những kênh quảng cáo nào tiềm năng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khai thác?
4.4 Threat - Thách thức
Yếu tố cuối cùng của phân tích SWOT là Threat - Thách thức, Rủi ro hoặc các mối đe dọa, có nhiều tên gọi dành cho Threat, nhưng chung quy là mọi thứ có thể gây rủi ro, khó khăn hoặc thách thức đến khả năng thành công hoặc tăng trưởng của doanh nghiệp.
Rủi ro này có thể bao gồm những yếu tố như đối thủ cạnh tranh mới nổi, thay đổi về pháp luật, xu hướng trong năm thay đổi, nền kinh tế khủng hoảng, rủi ro trong xoay chuyển tài chính và hầu như mọi thứ khác có khả năng tác động tiêu cực cho tương lai của doanh nghiệp hay kế hoạch kinh doanh.
Dù vậy, tất nhiên sẽ có nhiều Thách thức hay Rủi ro tiềm năng mà doanh nghiệp phải đối mặt, mà không thể lường trước được, như thay đổi môi trường pháp lý, biến động thị trường, hoặc thậm chí các Rủi ro nội bộ như lương thưởng bất hợp lý gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Những rủi ro này doanh nghiệp đều phải lường trước được và có những kế hoạch đối phó.
5. Ví dụ về mô hình SWOT của doanh nghiệp TH TRUE MILK
TH True MILK tên chính thức là Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, tên giao dịch quốc tế (Tiếng Anh) là TH Joint Stock Company. Đây là một công ty thuộc tập đoàn TH được thành lập vào năm 2009. Có trụ sở chính được đặt tại: 166 Nguyễn Thái Học, P.Quang Trung, TP.Vinh, Nghệ An.
TH True Milk là thương hiệu sữa Việt 100% chuyên cung cấp sản phẩm thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn, tươi ngon và bổ dưỡng, đạt chuẩn Quốc tế tới tận tay khách hàng sử dụng.
Nếu so với lịch sử phát triển của các doanh nghiệp lâu đời như Vinamilk, Mộc Châu hay thậm chí là FriselandCampina thì TH True MILK mới chỉ có mặt trên thị trường khoảng 12 năm, chính thức thua xa về mặt thời gian. Nhưng tốc độ phát triển và độ nổi tiếng trên thị trường của Th True MILK không hề kém cạnh chút nào.
5.1 Điểm mạnh của TH True MILK
Lợi thế về xuất phát điểm
TH True MILK ngay từ đầu đã được đầu tư một cách bài bản, bao gồm:
- Nguồn vốn được cung cấp ổn định từ Ngân hàng TMCP Bắc Á
- Nhà máy và trang trại có quy mô lớn mạnh và tiên tiến nhất Đông Nam Á
- Quy trình sản xuất được phối hợp nhịp nhàng từ nuôi đại trà đến phân phối rộng rãi
- Độ nhận diện thương hiệu phủ sóng cao
Mặc dù thị trường sữa ở Việt Nam là một trong những thị trường có mức độ cạnh tranh gay gắt với rất nhiều những thương hiệu nhập khẩu và nội địa như Vinamilk, Nutifood, Nestle,..nhưng TH True MILK vẫn thành công vươn lên vị trí đại diện và chiếm giữ xấp xỉ 45% thị phần trong ngành sữa tại Việt Nam, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN.
Sữa tươi là sản phẩm được TH True MILK tập trung khai thác chính. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã có mặt trong top 3 nhà sản xuất sữa tại Việt Nam: Công ty cũng có hơn 140.000 điểm bán lẻ và các kênh bán hàng truyền thống. Nhờ có điểm mạnh trong ma trận SWOT của TH True MILK là lợi thế về xuất phát điểm mà doanh nghiệp được mệnh danh là "kẻ thống trị" thị trường Sữa sạch tại Việt Nam.
Văn hóa tổ chức
Điểm mạnh của TH True MILK là có văn hóa tổ chức vô cùng thân thiện với môi trường và xã hội. Slogan của doanh nghiệp là "Hạnh phúc đích thực" - True Happiness, mong muốn mang lại chất lượng sản phẩm tốt nhất đến cho khách hàng mục tiêu của mình.
05 giá trị cốt lõi của sản phẩm Tập đoàn TH, mang người tiêu dùng lại gần mình hơn
- Vì sức khỏe cộng đồng
- Hoàn toàn từ thiên nhiên
- Tươi - Ngon - Bổ dưỡng
- Thân thiện với môi trường. Tư duy vượt trội
- Hài hòa lợi ích
Lời tuyên bố về 5 giá trị cốt lõi của TH True MILK kể từ khi thành lập vẫn được giữu nguyên cho đến hiện tại. Thậm chí còn được xem như là một tiêu chí tuyển dụng, tìm kiếm những ứng viên có tầm nhìn, mục đích và nhiệt huyết chung với doanh nghiệp. Đồng thời nhờ có những giá trị cốt lõi mà TH True MILK đã tạo nên một thương hiệu mang đậm tính nhân văn và có độ tin cậy cao tới người dùng. Đây cũng là một điểm mạnh trong ma trận SWOT của TH True MILK góp phần nâng cao sự phát triển trong nội bộ công ty cùng chân dung thương hiệu trước công chúng.
Thương hiệu vì cộng đồng
TH True MILK đã tham gia và xây dựng những dự án thiện nguyện nhằm đóng góp lợi ích cho cộng đồng như trao bê xóa nghèo, trao tặng học bổng cho các em học sinh, thành lập các trang trại và nhà máy giúp tạo ra thêm nhiều việc làm cho những người dân địa phương, quyên góp sữa hàng năm cho các khu vực có nhiều hộ nghèo,...Trong các hoạt động từ thiện của mình, TH True MILK thường hướng đến đối tượng là các em nhỏ không được may mắn.
Bên cạnh đó, TH True MILK cũng là nhà tài trợ cho các dự án cộng đồng khác như dự án tài trợ hàng triệu ly sữa cho những người hiến máu tình nguyện trong ngày Chủ Nhật đỏ, các dự án lập trình thúc đẩy gia tăng giá trị của người phụ nữ, quy chuẩn đạo đức xã hội, dự án của TH True MILK làm thay đổi bộ mặt nông thôn,...
5.2 Điểm yếu của TH True MILK
Chi phí vận hành
Chi phí vận hành trong khâu chăn nuôi bò sữa có thể làm một điểm yếu lớn trong ma trận SWOT của TH True MILK. Để sản xuất ra được một lô sản phẩm sữa tốt nhất, TH True MILK đã bỏ ra chi phí "siêu khủng" để sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại trong trang trại bò sữa. Thêm nữa, giống bò sữa cao sản HF thuần chủng lại được nhập khẩu từ nước ngoài. Ứoc tính chi phí vận hành cho các hoạt động sản xuất của TH True MILK lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Giá thành
Ngay từ ban đầu, giá thành sản phẩm của TH True MILK đã cao hơn hẳn so với các thương hiệu sản xuất sữa khác. Điều này sẽ tạo nên điểm yếu cho TH True MILK trong việc cạnh tranh thị trường sữa nội địa với các nhãn lớn khác như Vinamilk, Mộc Châu,..Bên cạnh đó, việc giá thành nhỉnh hơn cũng làm giảm khả năng tiếp cận đối tượng nằm trong tệp khách hàng có thu nhập trung bình, thấp tại Việt Nam.
Thị trường sữa
Hiện tại ở Việt Nam, ngành sản xuất sữa đang phát triển mạnh mẽ, có vô cùng nhiều những thương hiệu sữa cùng những giá thành khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn. Thêm nữa, với một số lượng sản phẩm khổng lồ được bày bán trên các kệ tại cửa hàng hay siêu thị từ nhỏ tới lớn dẫn đến việc người tiêu dùng không thể phân biệt được các loại sữa. TH True MILK chỉ là một trong rất nhiều những thương hiệu sữa nội địa khác. Chính vì vậy, việc TH True MILK phải luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng để tìm ra những giải pháp tiếp cận khách hàng mới mẻ hơn. Đồng thời, các chiến dịch tăng độ nhận diện thương hiệu cũng cần sáng tạo hơn.
5.3 Cơ hội của TH True MILK
Cơ hội phát triển toàn cầu, tiếp cận với thị trường
Cơ hội của TH True MILK tại thị trường Việt Nam là đã tiếp cận được phần lớn thị trường tiêu dùng và sở hữu một lượng khách hàng trung thành ổn định. Doanh nghiệp được công nhận cả về thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Điều đó đã mang lại vô cùng nhiều cơ hội cho việc phát triển và mở rộng thị trường trong nước hay quốc tế.
Thị trường trong nước, TH True MILK được công nhận và dành được rất nhiều giải thưởng như: Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2018, Thương hiệu quốc gia, giải Vàng Chất lượng quốc gia 2020,...Các giải thưởng đã chứng minh được chất lượng sản phẩm, nâng cao sự tin tưởng cho người tiêu dùng ở mọi tầng lớp.
Chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng
Ngay từ ban đầu, TH True MILK đã có định hướng tầm nhìn cho việc đưa cảm nhận và sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu. Chính vì vậy, doanh nghiệp đã kiến tạo ra dòng sản phẩm hữu cơ và đã được người tiêu dùng cực kỳ ưa chuộng. Doanh nghiệp ước tính doanh thu toàn cầu của dòng sản phẩm sữa hữu cơ sẽ tăng 200% vào năm 2025. Nắm bắt cơ hội, TH True MILK đang thúc đẩy chiến lược thâm nhập vào thị trường mới nổi này và đã giành được nhiều bước tiến trọng yếu.
Vào năm 2017, TH True MILK đã nhận được giải thưởng "Sản phẩm mới tốt nhất 2017" trong Triển lãm Thực phẩm Quốc tế lần thứ 26 (Matxcova, ngày 11 - 14 tháng 9). Đồng thời, có mặt tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (Đà Nẵng, tháng 11) tạo thêm sự thuận lợi cho việc mở rộng các cơ hội toàn cầu khác cho tập đoàn TH trong tương lai gần.
5.4 Thách thức của TH True MILK
Mức độ cạnh tranh cao
Thị trường sữa tại Việt Nam được đánh giá là một thị trường có mức độ cạnh tranh vô cùng gay gắt. Đây sẽ là một thách thức của TH True MILK cực lớn. Hơn nữa, điều khiến cho tập đoàn TH có thể rơi vào thế yếu hơn đó chính là vấn đề mà TH True MILK đang gặp phải về giá thành. Nhìn vào mặt bằng chung, giá thành sản phẩm của TH True MILK có phần nhỉnh hơn hẳn so với các thương hiệu khác. Đặc biệt, mọi ý tưởng về sản phẩm đều có thể bị làm theo bởi các thương hiệu khác với một mức giá hợp lý hơn.
Ví dụ, TH True MILK từ lâu đã được biết tới là doanh nghiệp sản xuất sữa hữu cơ hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi thương hiệu "lão làng" là Vinamilk cũng đã ra mắt một sản phẩm hữu cơ khác. TH True MILK gặp bất lợi khi giá thành của họ cao hơn so với đối thủ của mình. Một hộp 500ml sữa hữu cơ của TH True MILK có giá 31,000 VND so với một hộp 1L của Vinamilk có giá 55,000 VND. Rõ ràng nếu nhìn qua và theo tâm lý mua hàng của người tiêu dùng, họ sẽ chọn sản phẩm cũng có danh tiếng trong nước nhưng giá thành rẻ hơn.
Cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế của TH True MILK
Những sản phẩm thay thế của TH True MILK có thể là sữa bột, sữa hạt,...hay với các loại thức uống khác như trà xanh, trà ô long, nước ép hoa quả,..đây đều là những đối thủ cạnh tranh mà TH True MILK sẽ phải đối mặt.
Cam kết
Thách thức nữa mà TH True MILK phải đối mặt cùng cam kết đi theo các nguyên tắc của Doanh nghiệp trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, TH True MILK vẫn đang không ngừng phát triển và mở rộng quy mô thị trường của doanh nghiệp mình. Với kế hoạch đầu tư quy trình sản xuất quy mô lớn như vậy, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức của TH True MILK về những cam kết của Doanh nghiệp với cộng đồng.
Sự cạnh tranh về giá sản phẩm của các thương hiệu sữa ngoại nhập và nội địa, liệu TH True MILK có thể duy trì, đồng thời nâng cao chất lượng của các dòng sữa của thương hiệu nhưng vẫn giữ nguyên các lợi ích cùng chiến dịch đóng góp cho cộng đồng hay không?
Hya như các cáo buộc về việc ô nhiễm xung quanh các nhà máy và trang trại của TH True MILK đã trực tiếp gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Mặc dù, các giải pháp của TH True MILK đã được đưa ra nhưng không phải toàn bộ các cáo buộc đều được giải quyết tốt.
Vừa rồi Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về SWOT là gì? Lấy vị về mô hình SWOT của doanh nghiệp? Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích đối với quý bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn!