Mục lục bài viết
1. Tập đọc bài Đất nước
ĐẤT NƯỚC
(Trích)
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
NGUYỄN ĐÌNH THI
Từ khó
- Đất nước: là bài thơ được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện cảm xúc của tác giả giữa mùa thu thắng lợi trên chiến khu Việt Bắc;
- Hơi may: gió heo may;
- Chưa bao giờ khuất: chưa bao giờ chịu khuất phục, cũng có thể hiểu là bất tử.
Hướng dẫn đọc
Đọc lưu loát, diễn cảm bài thơ với giọng trầm lắng, cảm hứng ngợi ca, tự hào về đất nước.
Nội dung chính
Bài thơ nói về niềm vui sướng, tự hào của tác giả khi đất nước giành được hòa bình sau nhiều năm chiến tranh. Khi xưa, trời thu buồn man mác. Nay sạch bóng quân thù, trời mùa thu cũng như trong xanh hơn.
2. Hướng dẫn giải phần Tập đọc SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 94, 95
2.1. Câu 1
"Những ngày đã xa" được tả trong hai khổ thơ đầu đẹp mà buồn. Em hãy tìm những từ ngữ nói lên điều đó?
Trả lời:
- "Những ngày thu đã xa" đẹp: Sáng mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới
- "Những ngày thu đã xa" buồn: Sớm chớm lạnh, những phố dài xao xác hơi may, thềm nắng, lá rơi đầy, người ra đi đầu không ngoảnh lại.
2.2. Câu 2
Cảnh đẹp đất nước trong mùa thu mới được tả trong khổ thơ thứ ba đẹp như thế nào?
Trả lời:
Cảnh đất nước trong mùa thu mới được miêu tả vừa đẹp, vừa vui. Niềm vui từ trong mỗi con người trong mùa thu thắng lợi đã lan tỏa và bao trùm lên cả cảnh vật xung quanh:
- Gió thổi rừng tre phấp phới
- Trời thu thay áo mới
- Trong biếc nói cười thiết tha.
2.3. Câu 3
Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào trong hai khổ thơ cuối?
Trả lời:
- Lòng tự hào về đất nước tự do:
+ Thể hiện qua những từ ngữ được lặp đi lặp lại với nhau: Trời xanh đây, núi rừng đây, của chúng ta. Các từ ngữ đây, của chúng ta được lặp đi lặp lại có tác dụng nhấn mạnh niềm tự hào, niềm hạnh phúc về đất nước giờ đây đã được hưởng niềm tự do, hạnh phúc trọn vẹn;
+ Những hình ảnh được liệt kê những cánh đồng thơm ngát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa như một cách thêm phần khẳng định chúng ta đã hoàn toàn được hưởng tự do và độc lập, mỗi một tấc đất, mỗi một cảnh vật đều là của chúng ta, những gì tươi đẹp nhất trên đất nước này đều là của dân tộc ta, đất nước ta.
- Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc:
+ Nước những người chưa bao giờ khuất: Nước của những người chưa bao giờ chịu khuất phục hoặc cũng có thể hiểu là những con người bất tử. Hình ảnh này là để nhắc đến những con người dũng cảm, dám đứng lên kiên cường đấu tranh để đem lại cho chúng ta tự do, bình yên như ngày hôm nay. Những người ấy dù còn sống hay đã hi sinh thì hình ảnh của họ là mãi bất tử, họ còn sống mãi cùng với non sông và đất nước, sống trong lòng mỗi con người Việt Nam;
+ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về: Là lời của ông cha dường như vẫn còn luôn vang vọng vào trong đất trời sông núi ngày hôm nay. Nhắc nhở chúng ta hưởng cuộc sống tươi đẹp này thì phải luôn nhớ ơn, biết ơn những người đi trước, những người đã ngã xuống, những người đã hi sinh, những người đã vất vả khó nhọc để cho chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay.
3. Dàn ý cảm thụ bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
3.1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả và tác phẩm
3.2. Thân bài:
- Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của tác giả:
+ Tín hiệu gợi lên mùa thu là những hình ảnh "sáng mát trong" , "hương cốm mới"
-> gợi lên hình ảnh mùa thu đặc trưng của Hà Nội
+ Hình ảnh mùa thu trong hoài niệm: một mùa thu với những cảnh đẹp nhưng buồn.
- Hình ảnh mùa thu nơi chiến khu cùng sự chuyển biến tâm trạng của tác giả:
+ Mở đầu là câu thơ khẳng định "Mùa thu ... rồi": niềm vui, niềm phấn khởi trước cuộc sống đổi mới
+ "Tôi đứng nghe vui ... đồi": Ba động từ liên tiếp trong cùng một câu thơ thể hiện một số chú ý tuyệt đối, tập trung cao độ hướng về đất nước, niềm vui
+ Hình ảnh "rừng tre": Biểu hiện cho con người Việt Nam, cho những truyền thống của dân tộc ta (so sánh với thơ Nguyễn Duy).
+ "Phấp phới": vốn là từ để chỉ những thứ nhẹ nhàng, mềm và mỏng, có thể bay trong gió nhưng tác giả đã sử dụng cho "rừng tre": thể hiện một niềm vui sướng tột độ, phấn khởi vô cùng của con người Việt Nam
+ Hình ảnh "trời thu, trong biếc": hình ảnh của bầu trời thu với màu xanh biêng biếc, màu xanh của hy vọng, của niềm vui, hạnh phúc với tiếng cười của những con người được làm chủ quê hương của mình
+ Những câu thơ tiếp theo, nhà thơ khẳng định niềm tự hào tự tôn dân tộc, tự hào về đất nước đẹp tươi, giàu có của mình.
- Hình ảnh đất nước trong những năm tháng chiến tranh cùng niềm tự hào về truyền thống của cha ông:
+ Nhà tơ tự hào vè truyền thống của cha ông "Nước chúng ta ... nói về!": Những con người Việt Nam từ lớp này tới lớp khác, luôn đứng lên giành lấy tự do và độc lập cho dân tộc => nhắc nhở chúng ta về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
+ Tác giả còn dùng một đoạn thơ để nhấn mạnh sự tàn ác của kẻ thù bằng cách liệt kê một loạt những tội ác của kẻ thù.
=> Tác giả sử dụng những hình ảnh tương phản để làm nổi bật lên phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam, đồng thời khẳng định tình yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc ta "Xiềng xích ... thương nhà!"
- Hình ảnh đất nước trong niềm vui xây dựng xã hội và khát vọng hướng tới lai:
+ HÌnh ảnh đất nước với tiếng kèn gọi quân với những làn khói nhà máy bay trong gió => Gợi lên công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh
Hình ảnh "dây thép...chiều", hay "những cánh đồng...máu": Hình ảnh đau thương, khốc liệt của chiến tranh
Tác giả sử dụng biện pháp nhân hóa: cho thấy sự bi phẫn, đau đớn đến nghẹn ngào
Hình ảnh những chiến sĩ hành quân được thi vị hóa với hình ảnh "nhớ mắt...yêu" => Ở đây tình yêu đôi lứa đã hòa chung với tình yêu đất nước, trở thành nguồn động lực để chiến đấu vì Tổ quốc.
+ Động từ "ôm đất nước": bao trọn tình yêu to lớn dành cho những con người Việt Nam, ôm trọn những đau thương để giờ đây những con người ấy trở nên bất khuất, anh hùng
=> Niềm vui, niềm tự hào khi dân tộc ta đi lên đổi mới từ những đau thương, phát triển, xây dựng đất nước.
- Kết luận chung:
+ Nội dung: Miêu tả về đất nước từ những năm tháng còn chiến tranh, đau thương cho tới khi chúng ta chiến thắng, hướng tới tương lai
+ Nghệ thuật:
Hình ảnh thơ đẹp, giản dị, mộc mạc, giàu chất thơ, được lồng trong tình yêu nước
Lời thơ chan chứa tình yêu, niềm tự hào dân tộc
Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn
3.3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề.
Trên đây là những thông tin Công ty Luật Minh Khuê chúng tôi cung cấp đến quý khách về vấn đề trên. Tham khảo thêm: Soạn bài Tập đọc lớp 5: Một vụ đắm tàu ngắn gọn, đầy đủ nhất. Trân trọng cảm ơn!