Mục lục bài viết
1. Hộ kinh doanh là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ - CP thì có thể hiểu rằng hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Bên cạnh đó trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Như vậy cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Các cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra cá nhân, thành viên hộ gia định trên chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân. Và cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Việc thành lập hộ kinh doanh sẽ có những ưu điểm nổi trội, phù hợp với nhiều cá nhân, gia đình bởi:
- Thủ tục thành lập nhanh chóng: so với thành lập doanh nghiệp, việc thành lập hộ kinh doanh được tiến hành một cách khá đơn giản, không cần chuẩn bị các hồ sơ như điều lệ công ty, danh sách cổ đông, văn bản xác nhận vốn pháp định, bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề,...
- Quy mô đơn giản, gọn lẹ: Do hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người là người Việt Nam hoặc một hộ gia đình làm chủ. Và hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc về cơ cấu tổ chức, quản lý của hô kinh doanh. Điều này rất phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, cơ cấu không cần phức tạp chi tiết.
- Chế độ chứng từ, sổ sách, kế toán đơn giản: Vì chính sách thuế quy định hộ kinh doanh xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ doanh thu nên không phải mở các tài khoản kế toán hoặc lập báo cáo tài chính như doanh nghiệp mà chỉ cần làm các sổ kế toán chi tiêu để theo dõi doanh thu, tiền lương, thu chi và hàng hóa dịch vụ mua vào.
- Có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm: Hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại các địa điểm khác
Như quy định tại Điều 81 Nghị định 01/2021/NĐ - CP thì chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình có quyền và nghĩa vụ sau:
- Chủ hộ kinh doanh phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tài chính bà các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định.
- Chủ hộ kinh doanh làm đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo pháp luật.
- Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh thay mình. Trường hợp này thì chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
- Chủ hộ và các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh, cùng với quyền và nghĩa vụ khác theo quy định.
2. Khái quát về quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Nam Từ Liêm là một trong 12 quận của thành phố Hà Nội, được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ; một phần diện tích và dân số phường Xuân Phương; một phần phường Cầu Diễn. Quận Nam Từ Liêm có tổng diện tích tự nhiên là 3227,36 ha, địa giới hành chính cụ thể:
- Phía đông giáp quận Thanh Xuân và Cầu Giấy
- Phía tây giáp huyện Hoài Đức
- Phía nam giáp quận Hà Đông
- Phía bắc giáp quận Bắc Từ Liêm.
Hiện nay với quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 thì quận Nam Từ Liêm là một trong những trọng điểm ưu tiên phát triển của Hà Nội. Bởi lẽ đó nên sự phát triển dịch vụ, thương mại ở đây diễn ra mạnh mẽ, dân cư đông đúc, hệ thống giao thông thuận tiện góp phần thúc đấy thu hút sự đầu tư từ nhiều hướng. Tạo điều kiện nâng cao thu nhập, đời sồng của người dân trong địa bàn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
3. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh tại quận Nam Từ Liêm
3.1 Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Đối với việc muốn thành lập hộ kinh doanh tại quận Nam Từ Liêm thì cần chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Giấy đề nghị Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
- Địa chỉ dự kiến trụ sở hộ kinh doanh
- Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh
- Nguồn vốn ban đầu dự kiến
- Danh sách thành viên hộ kinh doanh
- Giấy tờ chứng thực, bản công chứng Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của chủ hộ
- Giấy tờ chứng minh địa chỉ trụ sở hợp pháp (như hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)
3.2 Quy trình tiến hành đăng ký thành lập
- Đầu tiên, cần chuẩn bị 02 CMND/ CCCD bản sao có công chứng, chứng thực của người đứng tên trong giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
- Tiếp theo, soạn đơn đề nghị đăng ký hộ kinh doanh, trong đó nội dung đơn đề nghị bao gồm nội dung sau: Tên hộ kinh doanh đặt theo đúng quy định, địa chỉ hợp pháp, danh sách thành viên trong hộ, kê khai vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không có. Cùng với đó là bản sao giấy chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của chủ hộ nộp tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh (Phòng Tài chính - Kế hoạch quân Nam Từ Liêm).
Với trường hợp người nộp hồ sơ là người được ủy quyền và không phải là chủ hộ thì phải có giấy ủy quyền công chứng kèm theo hợp đồng dịch vụ ký kết với tư cách pháp nhân nộp kèm hồ sơ. Trường hợp địa điểm đăng ký hộ kinh doanh là địa điểm thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà, nếu là chủ nhà đăng ký hộ kinh doanh thì chỉ cần mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản sao chứng thực kèm theo.
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan đăng ký kinh doanh phải ra thông báo nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Ngoài ra, nếu như quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ mà người nhận hồ sơ không nhận được giấy đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
- Cuối cùng là kê khai thuế cho hộ kinh doanh mới thành lập. Sau khi có giấy chứng nhận hộ kinh doanh mới thành lập, hộ kinh doanh phải tiến hành nộp tờ khai, kê khai thuế với cơ quan quản lý thuế, điều này giúp tránh những rủi ro liên quan đến việc nộp phạt, rút, thu hồi lại giấy chứng nhận hộ kinh doanh.
- Với trường hợp không có hộ khẩu ở Nam Từ Liêm vẫn được phép đăng ký hộ kinh doanh tại đây do pháp luật hiện nay không hạn chế việc có hộ khẩu hay không khi đăng ký hộ kinh doanh.
- Về vấn đề nộp thuế thì hộ kinh doanh phải đóng những loại thuế sau (theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ - CP sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ - CP):
- Thuế môn bài:
+ Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 1.000. 000 đồng/năm
+ Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 triệu đến 500 triệu đồng/năm phải đống là: 500.000 đồng/năm
+ Hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm thì lệ phí môn bài là: 300.000 đồng/năm.
- Thuế khoán: Hộ kinh doanh được áp dụng chế độ thuế khoán với cách tính như sau:
+ Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
+ Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trên đây là tư vấn của Luật Minh Khuê, nếu quý khách hàng còn chưa rõ hoặc cần hỗ trợ vấn đề pháp lý khác xin vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, hãy gọi: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác.