Luật sư tư vấn:

Chào Ban,  vấn đề pháp lý bạn quan tâm xin được trao đổi như sau: 

Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH năm 2019) và Nghị định số 88/2010/NĐ-CP về quyền đối với giống cây trồng. Có thể phân tích một số nội dung chính như sau:

 

1. Hạn chế quyền của chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng

Chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng mới bị hạn chế trong những trường hợp sau:

-   Chủ Bằng bảo hộ thực hiện quyền khai thác giống cây trồng mới vào mục đích sản xuất đại trà trên lãnh thổ Việt Nam khi giống cây trồng mới được công nhận giống quốc gia theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

-   Trong trường hợp vì lợi ích chung hoặc vì lợi ích quốc gia, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định cấp li xăng không tự nguyện để khai thác giống cây trồng mới đã được bảo hộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và ra quyết định cấp li xăng không tự nguyện để khai thác giống cây trồng được bảo hộ. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cấp li xăng không tự nguyện, nếu chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng mới không đồng ý với quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp về việc cấp li xăng không tự nguyện đó thì có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

Việc li xăng không tự nguyện đối với giống cây trồng mới được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

-   Chủ sở hữu Bằng bảo hộ giống cây trồng mới không sử dụng hoặc sử dụng giống cây trồng được bảo hộ không phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà không có lý do chính đáng;

-   Người có nhu cầu sử dụng giống cây trồng mới đã cố gắng dùng nhiều hình thức để thỏa thuận với chủ Bằng bảo hộ mặc dù đã đưa ra mức giá hợp lý nhưng chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng mới vẫn từ chối ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng mới;

-   Việc sử dụng giống cây trồng mới nhằm đáp ứng các nhu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

 

2. Hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng

2.1 Thời gian, phạm vi có hiệu lực của văn bằng

Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực kể từ ngày cấp đến hết hai mươi lăm năm đối với giống cây thân gỗ và cây nho; đến hết hai mươi năm đối với các giống cây trồng khác.

Bằng bảo hộ bị đình chỉ và hủy bỏ trong các trường hợp quy định tại Điều 170 Luật Sở hữu trí tuệ:

a)    Giống cây trồng được bảo hộ không còn đáp ứng điều kiện về tính đồng nhất và tính ổn định như tại thời điểm cấp Văn bằng;

b)   Chủ Bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;

c)    Chủ Bằng bảo hộ không cung cấp tài liệu, vật liệu nhân giống cần thiết để duy trì và lưu giữ giống cây trồng theo quy định;

d)    Chủ Bằng bảo hộ không thay đổi tên giống cây trồng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối vối giống cây trồng ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ hoặc ra quyết định đình chỉ hiệu lực Bằng bảo hộ. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng đăng thông báo trên tạp chí chuyên ngành và nêu rõ lý do đình chỉ, đồng thời gửi thông báo cho chủ Bằng bảo hộ. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo, chủ Bằng bảo hộ có quyền gửi đơn đề nghị được khắc phục các lý do bị đình chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và nộp lệ phí để phục hồi hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

 

2.2 Văn bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ khi nào ?

Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 171 Luật Sở hữu trí tuệ trong các trường hợp:

Thứ nhất, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký đứng tên, trừ trường hợp quyền đối với giống cây trồng được chuyển lại cho người có quyền đăng ký.

Thứ hai, giống cây trồng được bảo hộ không đáp ứng các điều kiện về tính mới hoặc tính khác biệt tại thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng;

Thứ ba, giống cây trồng không đáp ứng các điều kiện về tính đồng nhất hoặc tính ổn định trong trường hợp Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp dựa trên kết quả khảo nghiệm kỹ thuật do người đăng ký thực hiện.

Trong thời hạn hiệu lực của Bằng bảo hộ giống cây trồng, mọi tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Căn cứ vào kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ra thông báo từ chối hủy bỏ hoặc ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.

Bằng bảo hộ giống cây trồng bị hủy bỏ, mọi giao dịch phát sinh trên cơ sở giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ đó bị vô hiệu. Việc xử lý giao dịch vô hiệu thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vự sở hữu trí tuệ bạn có thể sử dụng: Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật qua email hay Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi: 1900.6162, hoặc có thể Đặt lịch để gặp luật sư tư vấn trực tiếp tại văn phòng. Đội ngũ luật sư của Công ty luật Minh Khuê luôn sẵn sàng phục vụ bạn./.