Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Nghị định số 54/2011/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo;
2. Chuyên viên trả lời:
Về điều kiện hưởng chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo, Khoản 1 Điều 2 nghị định số 54/2011/NĐ-CP có quy định như sau:
1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên
Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Về trường hợp có tham gia nghĩa vụ quân sự dẫn đến việc ngắt quãng quá trình giảng dạy, khoản 2 Điều 2 có hưởng dẫn về thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên như sau:
2. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên
a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH như sau:
1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập;
b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập);
c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có);
d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề;
đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn bắt đầu giảng dạy từ năm tháng 9 năm 1995 đến tháng 3 năm 1999 (tính cả thời gian thực tập 2 năm). Như vậy, quãng thời gian thực tập này của bạn không được tính vào thời gian để hưởng phụ cấp thâm niên. Và theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 2 thông tư số 68/2011/TTLT/BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, để thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự được tính vào thời gian hưởng trợ cấp thâm niên thì trước thời điểm tham gia nghĩa vụ quân sự, bạn phải đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề nghiệp rồi. Nhưng trường hợp của bạn, trước khi đi nghĩa vụ quân sự, bạn đang không được hưởng trợ cấp thâm niên nên thời gian đi nghĩa vụ quân sự của bạn không được coi là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật lao động về thâm niên nhà giáo trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.6162 để được giải đáp.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động - Công ty luật Minh Khuê