Mục lục bài viết
1. Quy định về giao nhận, bảo quảng vật chứng, tài sản tạm giữ trong hoạt động thi hành án dân sự
Căn cứ theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
Theo đó, quy định về giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định cụ thể như sau:
- Giao nhận vật chứng, tài sản: Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra trong quân đội chuyển giao kể từ khi Viện kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng.
Thủ tục giao, nhận vật chứng, tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 122, 123 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014. Biên bản giao, nhận vật chứng, tài sản phải được lập thành 04 bản; bên giao, bên nhận mỗi bên giữ một bản, kế toán bên nhận giữ một bản và một bản lưu hồ sơ thi hành án. Trường hợp chưa có hồ sơ thi hành án thì một bản tạm lưu tại kế toán thi hành án.
- Bảo quản vật chứng, tài sản: Vật chứng, tài sản tạm giữ phải được bảo quản theo quy định của pháp luật; có sổ ghi chép rõ ràng, đầy đủ. Vật chứng, tài sản để trong kho phải sắp xếp gọn gàng, khoa học, có dán nhãn, ghi rõ tên của vụ án và họ tên của chủ sở hữu tài sản (nếu có) gắn vào từng loại tài sản. Việc bảo quản vật chứng, tài sản phải đảm bảo không bị nhầm lẫn, mất mát, hư hỏng, giảm hoặc mất giá trị sử dụng, giá trị chứng minh hoặc gây ô nhiễm môi trường, gây nguy hại cho tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và tính mạng, sức khỏe của con người. Vật chứng do cơ quan điều tra chuyển giao nhưng vụ án chưa xét xử xong phải được sắp xếp, bảo quản riêng, không để lẫn lộn với vật chứng, tài sản của các vụ việc đã có quyết định thi hành án.
Trường hợp số lượng vật chứng, tài sản quá lớn, không thể bố trí bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể thuê cơ quan, đơn vị có điều kiện bảo quản. Việc bảo quản vật chứng là tiền, giấy tờ có giá, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, động vật, thực vật và các vật chứng khác liên quan đến lĩnh vực y tế cần có điều kiện bảo quản đặc biệt thì việc bảo quản thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng
Người được giao trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác khi phát hiện vật chứng, tài sản bị mất mát, hư hỏng hoặc thay đổi hiện trạng niêm phong phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Thủ kho chỉ được nhập, xuất vật chứng, tài sản khi có lệnh của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc của người được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy quyền. Lệnh nhập, xuất kho phải theo mẫu thống nhất. Khi nhập hoặc xuất kho, thủ kho có trách nhiệm kiểm tra lệnh nhập, xuất và các giấy tờ cần thiết của người đến giao, nhận vật chứng, tài sản.
2. Thủ kho vật chứng có trách nhiệm như thế nào khi bảo quản vật chứng trong thi hành án dân sự?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 01/2017/TT-BTP quy định về trách nhiệm của thủ kho vật chứng như sau:
- Thực hiện việc xuất, nhập kho và bảo quản vật chứng tài sản tạm giữ theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
- Lập giấy đề nghị nhập kho, xuất kho; lệnh nhập kho, xuất kho; biên bản giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ khi cơ quan có thẩm quyền chuyển giao hoặc cần trích xuất để phục vụ cho hoạt động tố tụng.
- Phối hợp với Chấp hành viên, kế toán kiểm tra các thủ tục, giấy tờ cần thiết khác của người giao, gồm các thông tin: chủng loại, số lượng, trọng lượng, đặc điểm của vật chứng, tài sản tạm giữ cần nhập kho; lý do, thời gian nhập kho; họ và tên, chức vụ của người giao; chữ ký của Thủ trưởng và đóng dấu cơ quan thụ lý vụ việc; giấy tờ tùy thân của người giao vật chứng, tài sản tạm giữ;
- Tiếp nhận, xác định tình trạng, đặc điểm vật chứng, tài sản tạm giữ, tình trạng niêm phong (nếu có) khi tiếp nhận và nhập kho vật chứng theo quy định.
- Xuất kho vật chứng, tài sản tạm giữ để xử lý theo quy định của pháp luật
- Thực hiện việc dán nhãn vật chứng, tài sản tạm giữ; ghi rõ tên của vụ việc; cơ quan, đơn vị, cá nhân chuyển giao vật chứng, tài sản tạm giữ; sắp xếp, bố trí vị trí bảo quản riêng biệt, tránh nhầm lẫn;
- Lập thẻ kho đối với từng vật chứng, tài sản tạm giữ; ghi chép, cập nhật đầy đủ tình hình vào sổ kho theo dõi vật chứng, tài sản tạm giữ;
- Báo cáo kịp thời cho Thủ trưởng cơ quan khi phát hiện vật chứng, tài sản tạm giữ bị mất, hư hỏng, thiếu hụt, thay đổi hiện trạng niêm phong và thực hiện các công việc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
- Phối hợp với Chấp hành viên, kế toán thực hiện việc kiểm kê vật chứng, tài sản tạm giữ; kiểm tra bảo đảm sự an toàn, chắc chắn của các kệ, giá, trang thiết bị dùng để cất giữ, bảo quản vật chứng, tài sản tạm giữ, tránh trường hợp gãy, đổ, mất an toàn.
3. Một số khó khăn, vướng mắc khi bảo quản vật chứng
Thực tiễn quản lý vật chứng trong thi hành án dân sự hiện nay cũng còn không ít vấn đề khó khăn, vướng mắc, có thể kể tới một số bất cập như sau:
- Tình trạng thiếu kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng; nhiều cơ quan phải thuê, mượn kho vật chứng dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản, thậm chí rất dễ gây mất mát, thất lạc vật chứng. Nhiều cơ quan phải sử dụng phòng làm việc để bảo quản vật chứng dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp phát sinh
- Tại các cơ quan thi hành án dân sự chưa có các công cụ, máy móc, phương tiện cần thiết để cân, đong, đo, đếm, kiểm tra vật chứng, tài sản tạm giữ; đặc biệt là thiếu các các trang thiết bị kiểm tra, bảo quản vật chứng, thực hiện việc kiểm tra, bảo quản vật chứng chưa bảo đảm sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Chưa có quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm việc sắp xếp kho vật chứng một cách khoa học nên khó khăn trong việc quản lý, bảo quản các loại vật chứng, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của cán bộ, công chức cơ quan thi hành án, đặc biệt là những người có trách nhiệm được giao bảo quản kho vật chứng. Ngoài ra, kho vật chứng còn sử dụng chung với kho tài liệu, hồ sơ lưu trữ, hoặc bảo quản chung các công cụ hỗ trợ thi hành án với vật chứng nên rất dễ xảy ra thất thoát, hư hỏng, có thể ảnh hưởng đến công tác xét xử của Tòa án.
- Về thủ kho vật chứng: Hiện nay, hầu hết các thủ kho vật chứng đều kiêm nhiệm cả các công việc khác như công tác văn thư, thủ quỹ... nhiều trường hợp chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý kho; chế độ phụ cấp thấp, trong khi trách nhiệm lại cao nên không thu hút được người làm việc trong lĩnh vực này. Việc đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý kho vật chứng chưa được thực hiện thường xuyên dẫn đến tình trạng còn co cán bộ thủ kho chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cơ bản về sắp xếp, bảo quản kho vật chứng.
Để tham khảo thêm thông tin về vấn đề này, quý khách hàng có thể tìm hiểu tại bài viết của Luật Minh Khuê:
- Vật chứng là gì Đặc điểm, phân loại, bảo quản, xử lý vật chứng
- Hướng dẫn xử lý vật chứng, tài sản khi thi hành án dân sự
- Quy định về quyết định về việc thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự
Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật dân sự miễn phí trực tuyến 24/24: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc sớm nhất. Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!