Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900 6162

1. Tư duy pháp lý là gì?

Tư duy là một hoạt động nhận thức của con người, tư duy pháp lý là một loại hình của tư duy được hiểu là cách thức suy nghĩ của Luật sư (hay bất kì những người nào làm việc trong ngành Luật) để tìm ra giải pháp cho một vụ việc với quy định pháp luật.

2. Luật pháp là gì?

Luật pháp là các quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế là một cái gì diễn ra, nó là một hay nhiều sự kiện. Khi nhà làm luật soạn luật thì họ ấn định các nguyên tắc chi phối cuộc sống (hay thực tế) gồm có: giả định, quy định, chế tài; nhưng cuộc sống (yếu tố giả định) thì đa dạng và có rất nhiều khía cạnh mà luật pháp không thể lường hết được; thành ra luật pháp luôn luôn không thể đáp ứng thực tế và nó dễ bị vi phạm trong thực tế. Trước khi tư duy pháp lý, tức là áp thực tế (hay sự kiện) vào luật pháp, ta đi tìm “cái cầu” nối luật pháp với thực tế.

3. Kỹ thuật luật pháp sử dụng để điều chỉnh thực tế

3.1. Khám phá “bí mật” của luật pháp

Mục đích chính của luật pháp là duy trì trật tự xã hội theo một đường lối chính trị nào đó (thể chế chính trị) để cho mọi người sống an tâm. Trong tâm lý của mình, con người cần sự an tâm để sống và làm việc cho ngày hôm nay; lo toan cho ngày mai và tạo dựng tài sản để sử dụng cho mình bây giờ và cho con cái sau này. Các nhu cầu ấy của họ phải được bảo vệ. Và luật pháp làm việc đó. Để làm, có một cách làm hay có một kỹ thuật, và kỹ thuật này được các nhà soạn thảo luật sử dụng khi soạn luật.

Kỹ thuật kia, đối với một số bạn, còn là một bí mật; vì nó có đấy nhưng các bạn chưa để ý! Còn các vị đàn anh của các bạn thì họ biết nó rõ như biết bàn tay của mình (không phải là biết vân tay!)

Khi đọc một văn bản quy phạm pháp luật, ta thấy chúng thường bắt đầu bằng: (i) phạm vi điều chỉnh và (ii) đối tượng áp dụng. Phạm vi là các vấn đề, sự việc, công việc… mà luật điều chỉnh; còn đối tượng là người thực hiện các công việc đó. Đó là hai kỹ thuật mà luật sử dụng. Hai kỹ thuật này giống như một cái búa và một cây đinh. Chúng được dùng để làm gì? Thưa, để ấn định trách nhiệm. Trách nhiệm là nền tảng của pháp luật. Nhờ ấn định trách nhiệm nên “luật có răng”. Ta sẽ xem qua từng điểm nhé.

3.2. Ấn định trách nhiệm

Khi sống thì con người, chậu hoa, con chó hay cái xe… đều có thể gây thiệt hại cho người khác. Vì thế, luật pháp phải ấn định trách nhiệm cho mỗi thứ ấy. Trách nhiệm sẽ buộc anh A phải đền cho anh B, khi làm B bị thiệt hại; và mục đích của đòi hỏi ấy là lập lại trật tự đã bị vi phạm. Thí dụ, bạn – là B – đang quét sân trước cửa nhà mình, thì gió thổi làm cho chậu hoa của người hàng xóm – là A – rơi vào đầu bạn. Bạn bị chảy máu đầu rồi thấy nhức đầu. Trước lúc chậu hoa rơi, bạn lành lặn, không đau đớn chỗ nào. Đấy là trật tự đã có. Khi chậu hoa rơi vào đầu bạn thì trật tự kia đã bị vi phạm. Vậy ông A phải đền tiền cho bạn để đi khâu chỗ da bị rách; uống thuốc cho hết đau…; nghĩa là lập lại cái trật tự đã bị vi phạm. Trách nhiệm của A được luật gọi là trách nhiệm dân sự. Đến đây, bạn sẽ bảo tôi: “Cái này tôi biết thừa rồi!” Tôi nhắc nó lại ở đây để bạn nhớ trách nhiệm là gì, nó phục vụ mục đích gì và hy vọng bạn sẽ giã từ cách suy nghĩ “trách nhiệm trước… pháp luật” khi nói về trách nhiệm dân sự.

Trách nhiệm là một điều phải làm đối với người khác, tùy theo loại trách nhiệm. Có ba loại trách nhiệm chính. Một là trách nhiệm dân sự. Nó buộc bạn phải đền tiền cho một người khác vì bạn đã gây thiệt hại cho họ. Bạn phải chịu trách nhiệm đối với người khác kia, chứ không phải với Nhà nước. Bạn không làm, người kia đi thưa; bạn sẽ ra trước tòa, và tòa buộc bạn phải đền, nếu không thì sẽ bị trừng phạt. Hai là trách nhiệm hình sự. Trong trách nhiệm này, bạn phạm một tội với người khác, và tội đó có ghi trong luật hình sự. Khi ấy bạn sẽ bị xã hội trừng phạt; vì xã hội sợ rằng không làm thì người khác sẽ bắt chước khiến cho trật tự xã hội sẽ bị rối loạn. Xã hội ở đây là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Hình phạt thường là bỏ tù. Ba là trách nhiệm hành chính. Xã hội đặt ra những trật tự bạn phải tuân theo để bảo vệ lợi ích của mọi công dân khi họ có liên can đến trật tự đó. Thí dụ, họ mua chai nước mắm. Nước mắm phải bảo đảm vệ sinh, phải cho biết độ đạm… Những điều này được quy định trong luật về nhãn hàng. Mục đích của luật đó là thông báo cho mọi người biết để họ chọn lựa. Bán nước mắm mà không dán nhãn vào cái chai là bạn vi phạm và phải chịu trách nhiệm hành chính. Trách nhiệm này thường là đền tiền, có khi bị mất hàng hay bị cấm kinh doanh.

Vậy trách nhiệm được đặt ra là để bảo vệ trật tự xã hội về các mặt khác nhau. Nó buộc một người vi phạm quyền lợi của người khác phải đền bù; nghĩa là tái lập tình trạng ban đầu, nếu là một vi phạm dân sự hay hành chính; hoặc chịu một hình phạt đối với thân thể, nếu là một vi phạm hình sự. Nói nôm na ấy là họ phải chịu trách nhiệm, tức là đền tiền, hay đi tù. Một cơ sở kinh doanh do nhiều người góp vốn được gọi là một pháp nhân. Pháp nhân cũng bị trách nhiệm; vì nó có thể gây thiệt hại cho người khác. Trách nhiệm làm cho trật tự mà luật nhắm đến được thực hiện.

Trên đời này có nhiều trật tự và chúng nằm trong những lĩnh vực khác nhau. Thí dụ, trật tự trong buôn bán, thuê nhà, làm việc, vay mượn tiền, sử dụng điện thoại, đầu tư, môi trường… Mỗi việc đó được luật gọi là hành vi bị điều chỉnh; nhưng nó là một giao dịch trong cuộc sống hằng ngày. Và ta sẽ gọi nó như thế. Trong sách vở, giao dịch được gọi là quan hệ xã hội, mối tương quan pháp lý… Tuy ba nhưng mà một. Khi nói chuyện  với khách, bạn phải thoát khỏi sách vở để nói cho họ dễ hiểu. Không thoát được sách vở thì bạn chưa hiểu luật! Và sợ nói sai.

Trong mỗi giao dịch có ít ra hai người can dự, và người nọ có thể gây thiệt hại cho người kia. Để mỗi giao dịch diễn biến suôn sẻ, đạt được mục đích của các bên, luật quy định nội dung giao dịch (gọi là hành vi điều chỉnh)    và mỗi bên can dự phải làm gì (đối tượng điều chỉnh). Chuyển ra thực tế  thì khi một bên làm, bên kia được hưởng. Vậy bên làm có trách nhiệm, còn bên hưởng có quyền lợi; cả hai bên đều có những trách nhiệm và những quyền lợi nhất định. Ai không thực hiện trách nhiệm của mình thì người ấy làm thiệt hại người kia. Thí dụ, trong hợp đồng mua bán tài sản, bên mua không trả tiền thì bên bán bị thiệt hại. Và trong thực tế, bạn biết người sau sẽ làm gì. Luật pháp từ chữ nghĩa chuyển sang thực tế như thế. Bạn cần nhớ “cặp đôi” này vì nó là bước đầu để vận dụng luật pháp.

Luật ấn định đối tượng điều chỉnh tức là định ra người thực hiện giao dịch. Từ đó – trong thực tế – mỗi người có một “tư cách”. Và ở trong mỗi tư cách, người ta có trách nhiệm lẫn quyền lợi. Bạn nhớ, trách nhiệm của người này tạo nên quyền lợi cho người khác. A giao hàng – B phải trả tiền. Và cả hai được gói gọn trong tư cách mà ta đã xem ở trên.

3.3. Quy định giao dịch

Giao dịch xuất phát từ hai nguồn gốc. Một là sinh hoạt tự nhiên của dân chúng trong xã hội như buôn bán, làm nhà, chơi hụi, sinh con đẻ cái. Hai là những hoạt động do luật pháp đặt ra hay thiết lập vì chúng cần thiết cho sinh hoạt của xã hội, nhưng chưa tồn tại, hay chỉ mới manh nha trong thực tế. Thí dụ, trước năm 1987, ở Việt Nam không có người nước ngoài đầu tư; sau đó Quốc hội ban hành Luật đầu tư nước ngoài tại VN và lập ra công ty liên doanh. Sau này luật thiết lập thị trường chứng khoán rồi sàn giao dịch bất động sản…

Về các sinh hoạt tự nhiên vốn đã có từ lâu trong đời sống xã hội, thì luật pháp “điều chỉnh” chúng; nghĩa là luật xác định chúng; bằng cách định nghĩa chúng là gì, thực hiện thế nào; các bên liên quan làm gì, trách nhiệm ra sao… Thí dụ LDS năm 1995 của ta.

Đối với các giao dịch chưa có hay mới manh nha xuất hiện trong đời sống xã hội, thì luật đặt ra chúng rồi điều chỉnh chúng giống như các hoạt động đã có sẵn. Tuy nhiên, trong trường hợp này luật thường dễ thay đổi để cho phù hợp với cuộc sống hơn, hay để đáp ứng với các điều kiện mới.

Luật xác định hay đặt ra các giao dịch theo nhu cầu của cuộc sống; nhưng các luật gia phân loại chúng thành các ngành luật, với các chế định, để hệ thống hóa chúng hầu giúp chúng ta dễ nhớ khi học.

Tóm lại, hai kỹ thuật luật pháp sử dụng là đặt ra các giao dịch, rồi ấn  định tư cách của những người thực hiện giao dịch đó. Và đó là chữ nghĩa.

3.4. Xác định tư cách

Để làm rõ hơn nữa và nối kết với thí dụ về chậu hoa rơi thì tư cách sẽ biến đổi như sau. Bạn là chủ nhà khi mua chậu hoa về để trên ban công; đến đêm nó rơi vào đầu ông hàng xóm; khi ấy bạn trở thành “ông chủ chậu hoa”. Bạn không còn là “ông chủ nhà”! Phải là chủ chậu hoa thì mới bắt bạn đền được; còn nếu nói bạn là “chủ nhà” thì bạn sẽ chối ngay “tôi chẳng dính dáng gì đến chậu hoa cả!” Khi là “chủ chậu hoa” thì lúc đền, tư cách của bạn thành “người gây thiệt hại” và phải bồi thường cho nạn nhân. Bạn thấy đấy, chỉ trong một hoàn cảnh đơn giản như vậy, bạn có ba tư cách; mỗi tư cách làm cho bạn có nghĩa vụ và quyền lợi khác nhau. Việc bồi thường của bạn được quy định trong LDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Luật của Pháp gọi là lỗi (faute); luật Anh, Mỹ gọi là lầm lẫn (tort) hay công bằng (equity). “Tư cách” là cái mối rối nhất của một cuộn dây dài bị rối. Gỡ nó ra được thì gỡ cuộn dây rối được. Gỡ cuộn dây là giải quyết một sự tranh chấp. Tất nhiên các tư cách kia xuất hiện trong mỗi giao dịch trong cuộc sống, sách vở gọi là quan hệ xã hội. Gọi như thế là để trừu tượng hóa các loại giao dịch thành một. Nó cũng còn được gọi là “quan hệ pháp lý” hay “tương quan pháp lý”.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập