Thưa luật sư, nguồn tin tố cáo từ cá nhân là một trong những cơ sở hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều tình huống đáng tiếc xảy ra đối với người tố cáo. Vậy, quy định pháp luật hiện hành có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào? Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Nguyễn Lịch - Hải Phòng

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

1. Quyền tố cáo của công dân là gì?

Quyền tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013. Cụ thể, Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.

Như vậy, mọi người đều có quyền tố cáo về việc làm trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018 quy định:

“Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Xét về phương diện xã hội, tố cáo là việc báo cho cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Xét về phương diện pháp lý, tố cáo là một quyền của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó để công dân giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước trong việc thực hiện pháp luật. Đồng thời, thông qua việc thực hiện quyền này, công dân đã sử dụng bộ máy nhà nước thực sự là công cụ hữu hiệu để họ làm chủ xã hội và xây dựng xã hội mới.

2. Quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo 2018

2.1. Các quy định chung về bảo vệ người tố cáo

Việc bảo vệ người tố cáo là thật sự cần thiết trong thực tiễn. Thực tế chứng minh nhiều trường hợp người tố cáo bị đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của mình cũng như người thân. Điều này dẫn đến người dân không tố cáo các hành vi vi phạm do sợ bị trả thù. Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.

Để giúp cho người tố cáo được an toàn, xóa đi tâm lý không dám tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ người tố cáo. Theo quy định của khoản 2 Điều 4 Luật Tố cáo 2018, một trong những nguyên tắc của giải quyết tố cáo là “Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo…”. Điểm a khoản 1 Điều 5 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Các hành vi đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo là những hành vi bị cấm và người thực hiện những hành vi này là vi phạm pháp luật (khoản 8 Điều 8 Luật Tố cáo 2018).

2.2. Đối tượng, phạm vi bảo vệ

Khoản 1 Điều 47 Luật Tố cáo 2018 quy định: “Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tổ cáo (gọi chung là người được bảo vệ)”.

Dựa vào quy định này, đối tượng được bảo vệ bao gồm người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Như vậy, pháp luật không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn bảo vệ cả những người thân thích của họ. Trên thực tế, không chỉ có bản thân người tố cáo bị đe dọa tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà người thân thích của những người tố cáo cũng bị đe dọa nhằm gây áp lực cho bản thân người tố cáo. Quy định này nhằm hạn chế đến mức tối đa các yếu tố tác động đến tâm lý của người tố cáo, khiến họ không dám thực hiện việc tố cáo.

Phạm vi bảo vệ gồm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo (trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ); bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo.

Đầu tiên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần bảo vệ các quyền nhân thân của người tố cáo. Đó là các quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Đây là những quyền tự nhiên của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của những người được bảo vệ là một trong những hình thức quan trọng, cần được đẩy mạnh. Bởi đây là những thứ quan trọng nhất đối với con người. Thực tế cho thấy, việc đe dọa xâm hại, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo thường xuyên diễn ra với các hình thức như đánh đập, gửi thư, tin nhắn đe dọa, tung tin đồn không đúng sự thật về hành vi tổ cáo”… Từ những bất cập thực tế như vậy, kế thừa những quy định của Luật Tố cáo 2011 và các văn bản liên quan, Luật Tố cáo 2018 quy định về việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

3. Vì sao cần quy định bảo vệ người tố cáo?

Bảo vệ người tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. Thực tế cho thấy, việc tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng có những người tố cáo không am hiểu pháp luật dẫn đến vấn đề tố cáo không được quan tâm, bản thân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí bị đe dọa, trù dập; có những trường hợp phát hiện ra tiêu cực, có những vấn đề liên quan trực tiếp quyền lợi của bản thân nhưng không dám tố cáo. Do đó, để người tố cáo không bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện quyền tố cáo, cần có các biện pháp để bảo vệ họ.

Việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Quy định bảo vệ người tố cáo trong Luật Tố cáo 2018 có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích của người được bảo vệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với người tố cáo và người thân của họ. Bên cạnh đó, việc bảo vệ người tố cáo cũng giúp cơ quan nhà nước giải quyết nhiều vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý.

4. Các biện pháp bảo vệ

Các biện pháp bảo vệ người tố cáo được quy định trong các điều từ Điều 56 đến Điều 58 Luật Tố cáo 2018, bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo.

4.1. Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin:

Được quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo 2018 như sau:

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:

1. Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tổ cáo сиng cấp;

2. Lược bỏ họ tên, địa chi, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tổ cáo;

3. Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức và cá nhận có liên quan;

4. Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;

5. Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo”.

Để thực hiện bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo, khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo.

Trong quá trình khai thác, điều tra thông tin, tài liệu người tố cáo cung cấp cần giữ bí mật về các thông tin của người tố cáo. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố cáo phải giữ bí mật về thông tin, địa chỉ, nét chữ, ngày, tháng, năm sinh… Tóm lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin mà từ đó, người bị tố cáo và những người có liên quan có thể tìm ra hoặc biết được người tố cáo là ai.

Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật trong trường hợp giao đơn tố cáo và các tài liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác điều tra, xác minh nội dung tố cáo. Việc tố cáo của người tố cáo ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị tố cáo, dễ dẫn đến việc tìm người tố cáo để đe dọa hay trả thù. Người bị tố cáo thường là người có “quyền”, người tố cáo thường ở thế yếu nên việc lược bỏ thông tin khi chuyển giao đơn tố cáo và các tài liệu liên quan là việc làm cần thiết nhằm tránh nguy cơ để lộ thông tin về người tố cáo.

Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo khi cần thiết là việc trực tiếp cần tổ chức các biện pháp như không để lộ mặt, lộ các thông tin của người tố cáo. Các tài liệu, giấy tờ được sử dụng để làm việc với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được chứa các thông tin của người tố cáo.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo có thể đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.

4.2. Bảo vệ vị trí công tác, việc làm:

Biện pháp bảo vệ vị trí, công tác việc làm được quy định tại Điều 57 Luật Tố cáo 2018 như sau:

“1. Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

a) Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm um quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ,

b) Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ,

c) Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;

d) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

2. Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động bao gồm:

a) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm bao gồm bảo vệ vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo hợp đồng lao động. Đối với mỗi đối tượng được bảo vệ khác nhau sẽ có những biện pháp khác nhau dựa vào tính chất, vị trí công việc của họ.

Đối với người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, các biện pháp bảo vệ có thể là tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ, xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh trù dập, phân biệt đối xử; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ. Với mục đích là bảo vệ vị trí công tác của người được bảo vệ, tức là việc bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo. Các biện pháp bao gồm cả việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ và xử lý những người có hành vi trù dập, trả thù, đe dọa người được bảo vệ để tránh việc họ bị làm ảnh hưởng đến công việc, vị trí công tác.

Người được bảo vệ có thể bị trù dập bằng cách kỷ luật, cách chức, đuổi việc hay gây khó dễ trong công việc. Do đó, để đảm bảo người được bảo vệ không bị gây khó dễ, cản trở trong công việc, cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải tiến hành các biện pháp để bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Thậm chí, người được bảo vệ có thể được bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử.

Với trường hợp người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động, các biện pháp được áp dụng bao gồm yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

4.3. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm:

Biện pháp này được quy định tại Điều 58 Luật Tố cáo 2018 như sau:

1. Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.

2. Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.

3. Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

4. Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.

5. Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Mục đích của các biện pháp ở trên là nhằm ngăn chặn những hành vi ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người tố cáo và những người thân thích.

5. Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo là gì?

Các chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ gồm có người giải quyết tố cáo, cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo, cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác. Cụ thể được quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo 2018 như sau:

1. Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.

2. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.

3. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.

5. Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ”.

Như vậy, đối với mỗi biện pháp bảo vệ khác nhau sẽ có những chủ thể khác nhau phù hợp với việc áp dụng biện pháp đó. Ví dụ: Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ sẽ do cơ quan Công an áp dụng, vì họ là những người có đủ chuyên môn nghiệp vụ, công cụ, phương tiện để thực hiện bảo vệ một cách tốt nhất

6. Trình tự, thủ tục bảo vệ

Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ thì kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết; khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.

Về quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ. Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh khuê - Sưu tầm & biên tập