Mục lục bài viết
1. Tổ chức Minh bạch Quốc tế là gì ?
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International viết tắt là TI) là một phong trào toàn cầu của xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực chống tham nhũng. Tổ chức này được luật sư Peter Eigen, một cựu giám đốc ngân hàng thế giới cho Đông Phi, và những người cùng ý tưởng thành lập. Trụ sở của TI đặt ở thủ đô Berlin, Đức. Ngoài Đức, TI còn có chi nhánh tại hơn 100 quốc gia khác.
Ở Việt Nam, cơ quan đầu mối quốc gia của TI là tổ chức Hướng tới Minh bạch (gọi tắt là TT).
2. Bối cảnh và lịch sử thành lập tổ chức Minh bạch Quốc tế
Nguyên nhân đưa tới việc thành lập tổ chức là do những kinh nghiệm tiêu cực của nhà sáng lập Peter Eigen với nạn tham nhũng qua những năm dài làm việc cho tổ chức Ngân hàng Thế giới, sau cùng với tư cách là giám đốc của vùng Đông Phi với trụ sở ở Kenya. Eigen nhận thấy nạn tham nhũng là yếu tố quan trọng làm cản trở sự thành công của các chương trình phát triển ở đây. Ông tin tưởng rằng các chương trình giúp đỡ phát triển sẽ không thực hiện được hiệu quả, nếu các cơ cấu tham nhũng giữa các nước giàu và các nước nghèo, cũng như trong các nước không bị ngăn chận cũng như không được minh bạch hóa. Khi ông bắt đầu bài trừ tham nhũng với chức vụ của mình, thì lại bị các người đứng đầu cơ quan cảnh cáo. Ngân hàng Thế giới cho ông biết, bất cứ hoạt động chính trị nào và những can thiệp vào nội bộ của một nước đều không được phép.
Từ đó mới sinh ra một ý tưởng là thành lập một tổ chức phi chính phủ độc lập, chỉ với mục đích là bài trừ tham nhũng. Vào tháng 6 năm 1993 Eigen và 10 người đồng chí đã thành lập TI tại Den Haag. Sau đó TI được đăng ký là một hội theo luật Đức vào ngày 5 tháng 10 năm 1993. Ban đầu trụ sở của TI là Borsig-Villa Reiherwerder ở Berlin. Sự thành lập tổ chức TI đã được Hiệp hội hợp tác Kỹ thuật Đức (Deutsche Gesellschaft für Technische Zusammenarbeit) (GTZ) (bây giờ nhập lại thành Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit) (GIZ)) giúp đỡ rất nhiều. Giữa năm 1998 và 2008 các cơ sở của TI đã nhận được khoảng 590.000 Euro của GTZ.
Trong lúc thành lập TI, ngoài Eigen còn có những người sau trong ban chấp hành: Hansjörg Elshorst, Joe Githongo, Fritz Heimann, Michael Hershman, Kamal Hossain, Dolores L. Español, George Moody Stuart, Jerry Parfitt, Jeremy Pope und Frank Vogl. Eigen trở thành chủ tịch và Pope gám đốc điều hành của TI.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Minh bạch thế giới cho thấy 75 trong số 180 quốc gia được họ khảo sát có điểm minh bạch dưới 3/10. Hồi 2008 con số này là 72 quốc gia. Trong thời kỳ phục hồi của kinh tế thế giới, tham nhũng là một trong số ít những mảng hầu như không tiến triển.
Đứng đầu danh sách minh bạch nhất năm nay là New Zealand, với mức điểm được đánh giá là 9,4/10. Đan Mạch đứng thứ hai với 9,3 điểm, không đổi kể từ năm 2008. Còn Mỹ năm nay tụt một bậc, đứng thứ 19 với 7,3 điểm, do khảo sát cho thấy Quốc hội là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nhất bởi nạn tham nhũng tại Mỹ.
Tại các quốc gia như Hy Lạp, Ấn Độ, Indonesia, Maroc và Pakistan, khoảng 60% quan chức được khảo sát thừa nhận đã từng gạ gẫm tiền đút lót. Iran, Venezuela nhiều năm liền không thoát ra khỏi nhóm đứng chót. Năm nay, Nga tụt một bậc, trở thành quốc gia minh bạch thứ 147 thế giới.
Ở phía đầu bên kia danh sách, quán quân là Somali, một nước mà nhiều người còn băn khoăn về việc có nên gọi là quốc gia hay không khi mà nội chiến xảy ra liên miên và nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào nghề cướp biển.
Tổ chức minh bạch quốc tế ước tính hàng năm số tiền hối lộ trên toàn cầu có thể đạt 20 đến 40 tỷ USD, dùng để bôi trơn trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh hoặc thủ tục hành chính.
Forbes cho biết danh sách các quốc gia tham nhũng nhất thế giới của họ được dựa trên đánh giá minh bạch của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, khảo sát của Ngân hàng Thế giới và chỉ số Bertelsmann Transformation của tổ chức Bertelsmann, vốn dùng để đánh giá mức độ phát triển tại 128 quốc gia. Tổ chức Tư vấn Rủi ro Chính trị-Kinh tế (PERC), trụ sở tại Hong Kong, đặt Việt Nam vào vị trí thứ ba trong danh sách các nước tham nhũng nhất châu Á-Thái Bình Dương trong một phúc trình kinh tế mới ra.
Ở vị trí quốc gia tham nhũng nhất là Indonesia, một trong những nền kinh tế đang phát triển mạnh ở châu lục này.
Đứng thứ hai, trước Việt Nam, là Campuchia. Sau Việt Nam là Philippines.
PERC đã xem xét 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trên góc độ của nhà đầu tư nước ngoài. Tổ chức này đã tham khảo ý kiến của 2.174 doanh nhân hạng trung và cao cấp làm ăn trong khu vực.
Tổ chức này nhận xét rằng tại Indonesia, tham nhũng lan tràn trên mọi cấp độ và nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đang bị cản trở khi các thế lực cảm thấy bị đe dọa tìm cách chính trị hóa chủ đề này.
Phúc trình của PERC viết:
"Tham nhũng đã trở thành một tội danh mà những kẻ tham nhũng sử dụng để tự vệ và chống lại cải cách. Chính cuộc chiến chống tham nhũng nay lại bị đe dọa làm tham nhũng."
Indonesia bị chấm 9,07 điểm trên 10 trong khảo sát 2010, từ chỗ có 7,69 điểm năm ngoái.
Các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Malaysia cũng bị cho là có mức độ tham nhũng cao.
Trong khi đó Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hong Kong, Australia và Singapore là ít tham nhũng nhất.
Bản phúc trình cũng xem xét ảnh hưởng của nạn tham nhũng lên hệ thống lãnh đạo chính trị và hành chính của các nước và môi trường đầu tư-kinh doanh.
PERC cũng tìm hiểu xem các công ty làm ăn tại các quốc gia khác nhau khi phát hiện ra tham nhũng có thể làm gì để đối phó.
Trong khi đó, cuối năm ngoái Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) ra báo cáo nói các lãnh đạo Hoa Kỳ và thế giới đều chưa làm đủ để chống tham nhũng trên toàn cầu.
Đưa ra sau một năm nhiều nền kinh tế bị khủng hoảng, báo cáo nhận định rằng "tham nhũng là mối nguy cơ đối với phục hồi kinh tế và là thách thức lớn đối với các quốc gia đang xung đột".
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định chống tham nhũng là một trong các ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng thừa nhận cuộc chiến này đang gặp nhiều khó khăn. Ngày 26/10, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2010 (CPI). Việt Nam xếp hạng 166/178 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 2,7/10.
Từ năm 2012, TI đã thay đổi cách tính điểm với thang điểm 100, trong đó 100 là rất trong sạch và 0 là tham nhũng nghiêm trọng.
Kết quả điểm số của Việt Nam năm 2014 là 31/100 và xếp hạng 119/175 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Năm 2015, điếm số của Việt Nam là 31/100 và xếp hạng 112/168 quốc gia và vùng lãnh thổ.
3. Khái quát về chỉ số nhận thức tham nhũng
Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm xếp thứ tự các quốc gia trên thế giới theo "mức độ tham nhũng mà được nhận thức tồn tại trong các giới công chức và chính trị gia". Tổ chức định nghĩa tham nhũng là "lạm dụng chức vụ công để hưởng tư lợi".
Cuộc thăm dò năm 2003 bao gồm 133 nước; cuộc thăm dò năm 2006 là 163 nước; cuộc thăm dò năm 2007 bao gồm 180 quốc gia. Điểm số cao có nghĩa là minh bạch và ít tham nhũng hơn, trong mức điểm tối đa là 10. Kết quả cho thấy 7 trong 10 nước (và 9 trong 10 nước mới phát triển) có chỉ số nhỏ hơn 5 từ chỉ số cao.
4. Phương pháp và giải nghĩa chỉ số nhận thức tham nhũng
Tổ chức Minh bạch Quốc tế giao ông Johann Graf Lambsdorff của Đại học Passau để thảo ra Chỉ số Nhận thức Tham nhũng. Chỉ số năm 2005 rút kết từ "16 cuộc thăm dò và bình chọn khác nhau từ 10 viện nghiêm cứu độc lập… Các viện cung cấp dữ liệu cho Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm 2005 là: Đại học Columbia, Economist Intelligence Unit, Freedom House, Information International, International Institute for Management Development, Merchant International Group, Tư vấn Rủi ro Kinh tế và Chính trị, Uỷ ban Kinh tế Liên hiệp quốc về Phi châu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Thị trường Thế giới. Các Chỉ số ban đầu sử dụng các thăm dò ý kiến công chúng nhưng hiện tại chỉ dùng các chuyên viên. Tổ chức Minh bạch Quốc tế yêu cầu ít nhất ba nguồn luôn có sẵn để xếp thứ tự một nước vào Chỉ số Nhận thức Tham nhũng.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế viết trong phần "Các câu hỏi thường được hỏi" về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng rằng quan điểm của "dân cư trong nước" có tương quan với quan điểm của các chuyên gia ở ngoài nước. Trong quá khứ, các chuyên gia được xin ý kiến để làm nguồn cho Chỉ số Nhận thức Tham nhũng thường thường là các doanh nhân từ các nước công nghệ hóa; quan điểm của các nước kém phát triển hơn ít khi được dùng. Điều này đã thay đổi theo thời gian, tạo cơ hội ngày càng gia tăng tiếng nói của những người từ các nền kinh tế thị trường đang hội nhập."
Vì chỉ số này dựa vào các cuộc thăm dò nên các kết quả là chủ quan và kém tin cậy đối với các nước có ít nguồn thông tin hơn. Thêm vào đó, những gì được định nghĩa là hợp pháp hoặc những gì được nhận thức là tham nhũng thì rất khác nhau giữa các nền tư pháp: việc cho tặng, ủng hộ chính trị hợp pháp ở một số nền tư pháp lại là bất hợp pháp ở các nền tư pháp khác; một vấn đề được coi như là tiền thưởng chấp nhận được ở một nước lại bị coi là hối lộ ở một nước khác. Vì thế các kết quả thăm dò phải được hiểu khá đặc biệt như đo lường nhận thức công chúng hơn là một cách đo lường tham nhũng khách quan.
Các thống kê như thế này tất nhiên là không chính xác; các thống kê từ những năm khác nhau thì không nhất thiết là so sánh được. Trung tâm liên Tôn giáo vì Trách nhiệm Công ty (Interfaith Center on Corporate Responsibility) tự giải thích, "…các thay đổi từ năm này qua năm khác trong điểm số của một nước là kết quả không chỉ vì sự nhận thức thành quả của một nước thay đổi mà còn vì phương pháp học và mô hình đang thay đổi. Mỗi năm, có một số nguồn không được cập nhật và phải bị loại bỏ khỏi Chỉ số Nhận thức Tham nhũng trong khi các nguồn mới và đáng tin cậy được thêm vào. Với những câu trả lời khác và những phương pháp tính khác ít nhiều, một thay đổi trong điểm số của một nước có thể cũng liên quan đến sự thật rằng các quan điểm khác đã được thu thập và các câu hỏi khác đã được hỏi… [cho dù] cải cách chống tham nhũng… [hoặc] các phanh khui những vụ tại tiếng tham nhũng vừa qua… [thường] thì khó cải tiến điểm số của Chỉ số Nhận thức Tham nhũng trên một thời gian ngắn, thí dụ một hoặc hai năm. Chỉ số Nhận thức Tham nhũng dựa vào các dữ liệu từ ba năm về trước. Điều này có nghĩa một sự thay đổi về nhận thức tham nhũng chỉ xuất hiện trong chỉ số trong một thời gian dài".
5. Tổng quan về chỉ số nhận thức tham nhũng những năm gần đây
CPI là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100.
Báo cáo về CPI 2020 nhấn mạnh, tham nhũng không chỉ làm suy yếu nỗ lực phản ứng của toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19, mà còn góp phần vào cuộc khủng hoảng dân chủ đang diễn ra.
Theo Chủ tịch TI, bà Delia Ferreira Rubio: "COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế, đó còn là một cuộc khủng hoảng tham nhũng. Và đó là cuộc khủng hoảng lớn mà chúng ta hiện đang thất bại trong việc quản lý".
CPI năm 2020 dựa trên 13 đánh giá của chuyên gia và khảo sát các doanh nhân, sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch.
Tương tự nhiều năm trước, số đông quốc gia đạt điểm dưới 50 và điểm CPI trung bình của toàn cầu chỉ là 43. Các con số và phân tích dữ liệu cho thấy, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng hầu hết quốc gia vẫn không giải quyết được tham nhũng một cách hiệu quả.
Các quốc gia đứng đầu về chỉ số CPI năm 2020 là Đan Mạch và New Zealand, với 88 điểm; tiếp theo là Phần Lan, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sĩ, với 85 điểm.
Trong khi đó, các quốc gia cuối bảng là Nam Sudan và Somalia, với 12 điểm mỗi nước; tiếp theo là Syria (14 điểm), Yemen và Venezuela (15 điểm).
Kể từ năm 2012, 26 quốc gia đã cải thiện điểm số CPI của họ, bao gồm: Hy Lạp, Myanmar và Ecuador. Trong cùng thời gian, 22 quốc gia bị giảm điểm, bao gồm: Lebanon, Malawi và Bosnia & Herzegovina.
Bài viết tham khảo:
1. Chỉ số nhận thức tham nhũng - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia;
2. Tổ chức Minh bạch Quốc tế - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia;
3. Những điểm nổi bật của Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2020 (Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương)