Mục lục bài viết
Tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của mỗi người đều là những quyền lợi đáng phải được bảo vệ. Tuy nhiên trên thực tế, không phải lúc nào những quyền lợi này cũng được xã hội bảo vệ, có đôi khi chỉ một trong số những quyền lợi này bị xâm phạm sẽ để lại hệ luỵ cả đời mà một trong số đó có cả những hành vi cấu thành nên tội bức tử. Vậy tội bức tử được hiểu là gì? Pháp luật quy định như thế nào về loại tội này? Hãy cùng tìm hiểu cùng Luật Minh Khuê trong bài viết dưới đây.
1. Tội bức tử là gì?
Điều 130 Bộ luật Hình sự số 2015 sửa đổi 2017 có quy định:
"1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 đến 12 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai".
Như vậy có thể hiểu rằng bức tử là một hành vi tàn ác, thường xuyên ức hiếp người khác mà người này đang lệ thuộc mình. Có thể kể đến một số biểu hiện như: bắt nạt, tra tấn tinh thần, đánh đập, hành hạ thể xác, bỏ đói, xúc phạm danh tự, ... Hành vi này không diễn ra chỉ một lần mà lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong một khoảng thời gian dài hoặc một khoảng thời gian nhất định dẫn đến nạn nhân không thể chịu nổi mà tự sát.
2. Các yếu tố cấu thành tội bức tử
2.1 Mặt khách quan
- Hành vi:
- Có hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình: thường xuyên đánh đập, bỏ đói, bóc lột sức lao động khiến nạn nhân tổn thương về mặt thể xác đến mức có thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ nạn nhân.
- Có hành vi ức hiếp người lệ thuộc mình: xử sự không công bằng, xâm phạm quyền hoặc lợi ích chính đáng của nạn nhân, thường kéo dài là lặp lại nhiều lần
- Có hành vi ngược đãi người lệ thuộc mình: đối xử tệ bạc, cho ăn đồ bẩn, ôi thiu, cho mặc đồ rách rưới, không đủ ấm trong khi có điều kiện tốt hơn để thực hiện.
- Có hành vi làm nhục người lệ thuộc minh: xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, chửi rủa thậm tệ, bôi nhọ danh dự, miệt thị, nhạo báng hoặc làm một số hành vi bỉ ổi không thể chấp nhận.
- Hậu quả: nạn nhân tự chấm dứt cuộc sống của mình, nạn nhân bị ức chế, khủng hoảng tinh thần, lâm vào đường cùng, tuyệt vọng, mất hết niềm tin vào cuộc sống nên đã tự sát kết thúc cuộc đời của chính mình. Xem thêm: Góc nhìn khi phân tích tội bức tử theo quy định mới?
2.2. Mặt chủ quan
Người thực hiện hành vi do lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.
- Lỗi cố ý gián tiếp: người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, thấy trước hậu quả tự sát có thể xảy ra, tuy không mong muốn những vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự 2015)
- Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể khiến người bị hại tự sát nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, người bị hại không dám tự sát hoặc không thể tự sát, hoặc có thể ngăn cản được người bị hại tự sát. (khoản 1 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015).
- Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước (khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015).
2.3. Mặt khách thể
Xâm phạm đến mối quan hệ liên quan sức khoẻ, tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ, quyền được sống
3. Chủ thể của tội bức tử
Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303, 304 Bộ luật Hình sự năm 2015
Như vậy có nghĩa là, trường hợp đủ tuổi, có hành vi theo quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 2015 như đã phân tích ở trên đều có thể trở thành chủ thể của tội bức tử. Xem thêm: Quy định của luật hình sự về tội bức tử ?
4. Quy định về người bị hại trong tội bức tử
Người bị hại là người lệ thuộc vào người phạm tội: mối quan hệ lệ thuộc này là yếu tố bắt buộc để xác định nạn nhân của tội bức tử. Người bị hại trong tội bức tử có thể lệ thuộc vào người phạm tội về các mặt: Lệ thuộc về kinh tế: nạn nhân lệ thuộc vào người phạm tội do được chu cấp các nhu cầu ăn, ở, mặc hoặc các điều kiện khác để duy trì cuộc sống
- Lệ thuộc về công tác: nạn nhân chịu ảnh hưởng và tác động của người phạm tội trong quan hệ công tác, đối tác, cấp trên, đồng nghiệp
- Lệ thuộc về tôn giáo: tín đồ đới với người có vị trí chức sắc trong tôn giáo
- Lệ thuộc về một số mặt khác: thầy cô giáo với học sinh, bác sĩ với bệnh nhân, ...
Người bị hại tự tước đoạt tính mạng của mình: bằng chính hành vi của mình chấm dứt cuộc sống của mình. Việc tự sát này có thể được thể hiện bằng nhiều cách thức khác nhau: nhảy cầu, uống thuốc độc, thắt cổ, tự đâm, chém mình. Nguyên nhân khiến người bị hại tự sát là do hành vi của người phạm tội gây nên, nếu không có mối quan hệ nhân quả giữa việc phạm tội của người phạm tội và việc tự sát của nạn nhân thì nạn nhân không được coi là nạn nhân trong tội bức tử.
5. Khung hình phạt và một số lưu ý về tội bức tử
Tội bức tử được chia thành hai khung hình phạt cụ thể: (Điều 130 Bộ luật Hình sự năm 2015)
- Khung thứ nhất (khoản 1): phạt tù từ 02 đến 07 năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành tội cơ bản
- Khung thứ hai (khoản 2): phạt tù từ 05 đến 12 năm áp dụng với trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên, phạm tội với người dưới 16 tuổi hoặc phụ nữ mà biết họ có thai
* Lưu ý:
Tội hạm hoàn thành khi nạn nhân có hành vi tự sát, còn việc nạn nhân có chết hay không chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt của người phạm tội. Nhưng thực tế xét xử cho thấy, nếu nạn nhân không chết thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà có thể bị truy tố về tôi khác: tội hành hạ người khác; Nạn nhân bằng nhiều phương pháp khác nhau tự mình tước đoạt tính mạng của bản thân. Nếu nạn nhân muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng, kết thúc cuộc sống của mình mà nhờ người khác giúp hoặc vô tình chết do người khác gây ra thì không được coi là nạn nhân của tội bức tử, người có hành vi phạm tội cùng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử. Xem thêm: Quy định của luật hình sự về tội xúi giục người khác tự sát?
6. Ví dụ về tội bức tử
A nhận nuôi B nhưng liên tục hành hạ, đánh đập, bỏ đói thậm chí bao hành B gây ra ức chế, đau đớn cho B trong thời gian dài về mặt thể xác. Không chỉ vậy A còn liên tục chửi rủa, mắng nhiếc, miệt thị B gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm hồn, tinh thần, danh dự, nhân phẩm của B khiến B không thể chịu nổi mà quyết định tự sát, kết thúc sinh mạng của bản thân.
Pháp luật luôn đảm bảo quyền lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân, mỗi công dân, mà một trong số đó là danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ của con người. Tuyệt đối không cho phép bất cứ ai, bất kỳ cá nhân nào được phép xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Pháp luật nghiêm chỉnh những ai có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự nhân phẩm của người khác một cách thích đáng trong đó có tội bức tử. Xem thêm: Phân biệt tội bức tử và tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát?