Mục lục bài viết
- 1. Tìm hiểu quy định về tội bức tử trước đây
- 2. Tội bức tử theo luật hình sự hiện nay
- 3. Phân tích các dấu hiệu cấu thành tội bức tử
- 3.1 Dấu hiệu chủ thế của tội phạm
- 3.2 Mặt khách quan của tội phạm:
- 3.3 Mặt chủ quan của tội phạm:
- 3.4 Mặt khách thể của tội phạm:
- 4. Người bị hại:
- 5. Hình phạt đối với tội bức tử
Tội bức tử không chỉ thể hiện trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bô sung năm 2017 mà tội danh này đã được thừa nhận và được áp dụng từ kể từ khi có . Và Điều luật đã luôn thể hiện được vai trò, ý nghĩa của mình trong Bộ luật luôn thể hiện được tính chất răn đe, trừng phạt những người có hành vi vi phạm.
Luật sư tư vấn:
Phân tích nội dung của tội bức tử và các dấu hiệu cấu thanh của tội bức tử:
1. Tìm hiểu quy định về tội bức tử trước đây
Trong Bộ luật hình sự đầu tiên - Bộ luật hình sự năm 1985 cũng như trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội bức tử đều được quy định trong Chương “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Theo đó, tội bức tử được cụ thể hoá là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm họ phải tự sát.
Nạn nhân ở tội bức tử phải là người bị lệ thuộc vào kẻ phạm tội trong những quan hệ xã hội nhất định như quan hệ gia đình, quan hệ nuôi dưỡng... Người phạm tội đã lợi dụng quan hệ lệ thuộc này để có những hành vi xâm phạm sức khoẻ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Đó có thể là hành vi đánh đập, bỏ đói, bỏ rét, đối xử bất công, đối xử tồi tệ trái với luân lí, đạo đức hoặc là hành vi làm tổn hại nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự... Những hành vi này là nguyên nhân dẫn đến việc nạn nhân phải quyết định tự sát và đã thực hiện việc tự sát nhưng không đòi hỏi nạn nhân có chết hay không. Nếu nạn nhân chưa tự sát thì hành vi không cấu thành tội này mà cấu thành tội hành hạ người khác. Xét về lỗi của người phạm tội thì người phạm tội cố ý thực hiện những hành vi nêu trên. Nhưng đối với hậu quả tự sát, lỗi của người phạm tội chỉ có thể là lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi nói trên với mong muốn nạn nhân tự sát chết thì hành vi không còn cấu thành tội bức tử mà sẽ là trường hợp đặc biệt của tội giết người.
Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định cho tội này một khung hình phạt (phạt tù từ 1 năm đến 7 năm). Trong Bộ luật hình sự năm 1999, tội phạm này đã được quy định với mức độ xử lí nghiêm khắc hơn nhưng cũng có sự phân hoá rõ hơn. Cụ thể, điều luật có hai khung hình phạt và mức tối đa của khung tăng nặng tới 12 năm tù.
2. Tội bức tử theo luật hình sự hiện nay
Tội bức tử được quy định tại điều 130 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.
3. Phân tích các dấu hiệu cấu thành tội bức tử
3.1 Dấu hiệu chủ thế của tội phạm
Chủ thể của tội này được xác định trong cấu thành tội phạm là người có quan hệ lệ thuộc nhất định với nạn nhân là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra chủ thể này còn là người mà lại nhân có mối quan hệ lệ thuộc nhất định (có thể coi là chủ thể đặc biệt).Trong đó, nạn nhân là người bị lệ thuộc vào người phạm tội như lệ thuộc về kinh tế, bị ràng buộc về quan hệ hôn nhân, gia đình, quan hệ công tác hay quan hệ tín ngưỡng...
Trong cấu thành tội phạm là .lỗi cố ý, còn đối với hậu quả tự sát, lỗi đuợc thừa nhận là lỗi cố ý gián tiếp hoặc là lỗi vô ý. Trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội thấy trước hành vi của mình cỏ thể dẫn đến việc tự sát của nạn nhân, tuy không mong muốn việc đó nhưng có ý thức bỏ mặc, chấp nhận việc đó (nếu xảy ra). Trái lại, trường hợp có lỗi vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể dẫn đến việc tự sát của nạn nhân nhưng đã quá tin rằng việc đó sẽ không xảy ra.
Nếu người phạm tội mong muốn nạn nhân tự sát khi thực hiện hành vi phạm tội của mình thì hành vi của họ không còn là bức tử mà là hành vi giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) với thủ đoạn đặc biệt.
3.2 Mặt khách quan của tội phạm:
- Về hành vi:
Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.
Đối xử tàn ác với nạn nhân đối với người lệ thuộc là đối xử một cách độc ác, tàn bạo, gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho nạn nhân như: đánh đập, bỏ đói, bỏ rét…
Thường xuyên ức hiếp, ngược đãi người lệ thuộc là thường xuyên cậy quyền, cậy thế đối xử bất công với người lệ thuộc. Ví dụ: thường xuyên bỏ đói, bỏ rét, gây ra sự uất ức, bế tắc cho người bị lệ thuộc.
Hành vi làm nhục: là hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người lệ thuộc. Ví dụ: mắng nhiếc, chửi rủa, mạt sát… gây tổn thương nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.
Cần lưu ý, hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình… đã là một bộ phận cấu thành tội phạm bức tử nên người thực hiện hành vi không bị xử lý thêm về tội phạm khác nữa (Điều 140. Tội hành hạ người khác; Điều 155. Tội làm nhục người khác)
Hậu quả của tội bức tử là hành vi tự sát của nạn nhân. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người lệ thuộc vào người phạm tội có hành vi tự sát, không phụ thuộc vào việc người tự sát có chết hay không.
- Về mặt hậu quả: Làm cho người bị hại tự sát.
Việc người bị hại tự sát mà chết hoặc không chết không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
3.3 Mặt chủ quan của tội phạm:
- Về lỗi: Người thực hiện hành vi do lỗi cố ý gián tiếp hoặc do lỗi vô ý.
+ Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, thấy trước hậu quả là người bị hại sẽ tự sát của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
+ Lỗi vô ý:
+ Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Lỗi vô ý do quá cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể khiến cho người bị hại tự sát, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
3.4 Mặt khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ, quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.
4. Người bị hại:
Người bị hại theo quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự được hiểu là “Người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.” Người bị hại trong tội bức tử được hiểu là người thường xuyên bị đối xử tàn ác, bị ức hiếp, bị ngược đãi đến mức phải tự sát. Để có thể xác định ai được xem là người bị hại cần phải dựa trên những căn cứ sau:
- Người bị hại là người lệ thuộc vào người phạm tội:
Mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân và người phạm tội là yếu tố bắt buộc để xác định một người có phải là nạn nhân của tội bức tử hay không. Người bị hại trong tội bức tử lệ thuộc vào người phạm tội về mặt kinh tế; hoặc bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò hoặc quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng.
- Người bị hại trong tội bức tử tự tước đoạt tính mạng của mình.
Điểm cần chú ý về đối tượng người bị hại trong tội bức tử là người này bằng chính hành vi của mình tự tước đoạt đi mạng sống của mình. Việc tự sát có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như thắt cổ, nhảy sông, uống thuốc độc… Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng lại nhờ người khác giúp mình thì lại là người bị hại của tội “ xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” chứ không phải là “tội bức tử”.
- Nguyên nhân khiến người bị hại tự sát là so hành vi ngược đãi của người phạm tội:
Những hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại phải là nguyên nhân dẫn đến việc người bị hại nảy sinh ý định tự sát và thực hiện hành động tự sát. Chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là tội phạm hoàn thành, còn việc nạn nhân chết hay được cứu sống chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt.
5. Hình phạt đối với tội bức tử
Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính.
Khung hình phạt cơ bản cỏ mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 05 năm đến 12 năm được quy định cho trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên hoặc nạn nhân là người dưới 16 tuổi hoặc là phụ nữ mà biết là có thai.
Và cá nhân thực hiện tội phạm trên và có đủ dấu hiệu để cấu thanh tội phạm thì cá nhân đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện. Chủ thể vi phạm vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo trình tự, thủ tục tố tụng như các tội phạm khác được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hang còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi yêu cầu tư vấn pháp luật qua Email để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng cảm ơn!