1. Có được nộp phạt vi phạm giao thông vào cuối tuần?

Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính quy định về cách thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông như sau:

- Nộp tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản; hoặc 

- Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc; hoặc 

- Nộp phạt trực tiếp cho người có thẩm quyền xử phạt trong một số trường hợp theo quy định. 

Đối với trường hợp trực tiếp đi nộp phạt thì người vi phạm nên thực hiện vào giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu do các cơ quan tiếp nhận chỉ làm việc vào thời gian này. Ở những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thì cơ quan tiếp nhận xử lý việc nộp phạt vi phạm hành chính về giao thông có làm việc vào sáng thứ 7, còn những tỉnh thành khác thường chỉ làm việc vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6. 

Như vậy, thông thường không thể nộp phạt vi phạm giao thông vào Chủ nhật còn có thể nộp phạt vào sáng thứ 7 đối với một số địa phương. Tuy nhiên, người dân cần liên hệ với cơ quan công an tại địa phương để nắm rõ thời gian làm việc nhằm thuận tiện và chủ động hơn. 

Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương có hỗ trợ hình thức nộp phạt trực tuyến đối với quyết định xử phạt vi phạm giao thông. 

Theo đó, nếu người dân không có thời gian vào ngày trong tuần thì có thể thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để hoàn thành việc nộp tiền phạt cũng như đăng ký địa chỉ để nhận lại giấy tờ do Cảnh sát giao thông đang tạm giữ sau khi đã chấp hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm giao thông.

2.  Ngày làm việc của cảnh sát giao thông

Theo quy định pháp luật hiện hành thì không có quy định cụ thể thời gian làm việc trong ngày hay trong tuần của cơ quan công an. Thông thường, tùy vào địa bàn hoạt động và tính chất nhiệm vụ mà cảnh sát giao thông sẽ có khung thời gian làm việc khác nhau trong tuần

Cũng giống như nhiều lao động trong doanh nghiệp, cơ quan hành chính nhà nước làm việc tối đa 08 tiếng/ngày trong tuần. Giờ làm việc hành chính của Cảnh sát giao thông cụ thể như sau:

- Làm việc từ thứ 2 đến thứ 6;

- Làm việc vào buổi sáng từ 07 giờ 30 phút hoặc giờ đến 11 giờ 30 phút hoặc 12 giờ. Và buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút.

Ngoài làm việc theo giờ hành chính; công an giao thông còn phải thực hiện nhiệm vụ trong những khoảng thời gian khác.

Nhằm đảm bảo an toàn, trật tự giao thông và thực hiện những nhiệm vụ khác được giao thì cảnh sát giao thông phải thường xuyên tổ chức việc tuần tra, kiểm soát phương tiện giao thông và người tham gia giao thông liên tục 24/7. 

Thời gian làm việc của cảnh sát giao thông vào thứ bảy, chủ nhật sẽ linh hoạt hơn so với thời gian làm việc hành chính và cụ thể theo sự phân công, kế hoạch của cấp trên. 

Với mục đích có thể đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng các chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ luôn phải thường xuyên tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên các tuyến đường trên các khu vực cả nước. Căn cứ cụ thể từ tình hình thực tiễn mới nhất hiện nay, tính trung bình, mỗi một cảnh sát giao thông sẽ có trách nhiệm phải phụ trách 70 km quốc lộ. 

Như vậy, tùy theo kế hoạch và sự phân công của cấp có thẩm quyền thì cảnh sát giao thông có thể có hoặc không làm việc vào thứ bảy và chủ nhật.

Cảnh sát giao thông thường làm việc trong cả ngày thứ 7 và chủ nhật để đảm bảo an toàn giao thông. Việc có cảnh sát giao thông trực trong các ngày cuối tuần là cần thiết vì lưu lượng xe cộ thường tăng cao vào những ngày này, đặc biệt là trong các khu vực đô thị. Điều này giúp đảm bảo trật tự giao thông và giảm nguy cơ xảy ra tai nạn.

3. Cảnh sát giao thông có lập chốt vào ngày 30/04 không?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA có quy định về nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau:

Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát

- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công.

- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ.

Như vậy, cảnh sát giao thông có thể lập chốt kiểm soát giao thông vào kỳ nghỉ lễ 30/04 nếu có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm soát tại những địa điểm nào?

Căn cứ tại Điều 10 Thông tư 32/2023/TT-BCA ngoài việc tuần tra và kiểm soát cơ động bằng việc di chuyển trên những tuyến đường, địa bàn được phân công thì  Cảnh sát giao thông cũng thực hiện kiểm soát bằng việc lập chốt kiểm soát.

Theo quy định nêu trên khi Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm soát tại những điểm trên đường giao thông hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông để thực hiện kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Việc lập chốt kiểm soát phải phù hợp với kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Những địa điểm được chọn để lập chốt kiểm soát phải đảm bảo những quy định sau:

- Thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành. 

- Chốt kiểm soát của Cảnh sát giao thông được lập tại một điểm trên đường giao thông, phải lựa chọn địa điểm, mặt đường phải thoáng, rộng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định pháp luật giao thông đường bộ;

- Khi thực hiện tuần tra, kiểm soát tại chốt kiểm soát thì Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị để ghi hình quá trình kiểm soát. Nếu thực hiện kiểm soát vào buổi tối thì phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.

- Khi thực hiện kiểm soát phải có kế hoạch của Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Cục Cảnh sát giao thông Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện trở lên và phải sử dụng trang phục Cảnh sát; đồng thời sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; công cụ hỗ trợ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật theo đúng quy định. 

Như vậy, Cảnh sát giao thông có thể lập chốt kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông tại bất cứ đoạn đường nào đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc lập chốt kiểm soát giao thông tại một điểm trên đường giao thông, Trạm Cảnh sát giao thông thì Cảnh sát giao thông phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn và đúng quy định của Luật giao thông đường bộ 2008

Hiện nay, Cảnh sát giao thông sẽ thường lập chốt tại các đoạn đường thường xuyên xảy ra vi phạm, các điểm nóng giao thông để kịp thời giám sát, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giao thông.

Xem thêm: Cảnh sát giao thông có được dừng xe để kiểm tra hành chính khi đang lưu thông?

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cảnh sát giao thông có làm việc thứ bảy, chủ nhật không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: lienhe@luatminhkhue.vn để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!