Mục lục bài viết
- 1. Tranh chấp nhãn hiệu
- 1.1. Tranh chấp nhãn hiệu là gì?
- 1.2. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp nhãn hiệu
- 1.3. Một số loại tranh chấp nhãn hiệu
- 2. Cách giải quyết tranh chấp nhãn hiệu
- 2.1. Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng biện pháp hòa giải, thương lượng
- 2.2. Yêu cầu các Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
- 2.3. Giải quyết tranh chấp bằng phương án Trọng tài thương mại
- 2.4. Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng việc khởi kiện ra Tòa án
1. Tranh chấp nhãn hiệu
1.1. Tranh chấp nhãn hiệu là gì?
Căn cứ vào khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Do đó, tranh chấp nhãn hiệu là những mâu thuẫn, xung đột về quyền và lợi ích giữa hai hay nhiều bên có liên quan đến nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Các bên trong quan hệ tranh chấp cho rằng nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ thuộc quyền sở hữu của họ; việc bên kia sử dụng nhãn hiệu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Như vậy, có thể hiểu tranh chấp nhãn hiệu xảy ra khi có sự xuất hiện của hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Mà theo khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì khi thực hiện các hành vi dưới đây mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu (chủ sở hữu) thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
- Sử dụng dấu hiệu trùng gây nhầm lẫn về nguồn gốc với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự.
- Sử dụng dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn về nguồn gốc với nhãn hiệu đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự.
- Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng. Kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng; không tương tự; không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
1.2. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp nhãn hiệu
Tranh chấp nhãn hiệu xảy ra có thể do một số nguyên nhân như sau:
- Nguyên nhân chủ quan:
Nguyên nhân này bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp khi mà họ đưa sản phẩm hoặc dịch vụ ra thị trường mà không tiến hành đăng ký nhãn hiệu. Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được xác lập dựa trên quyết định cấp văn bằng của cơ quan có thẩm quyền.
- Nguyên nhân khách quan:
Nguyên nhân khách quan là do các chủ nhãn hiệu chưa thực hiện thủ tục đăng ký đã bị một bên khác nhanh tay đăng ký trước. Mục đích của những bên này thường là:
+ Ngăn cản người chủ nhãn hiệu có quyền bảo hộ nhãn hiệu;
+ Đầu cơ tên nhãn hiệu để có thể bán lại nhãn hiệu cho chủ nhãn hiệu;
+ Những công ty lợi dụng sơ hở, họ là bên được chuyển giao/ ủy quyền nhưng họ lại đi đăng ký để chiếm quyền sở hữu của chủ sở hữu và như thế là tranh chấp thương hiệu xảy ra.
1.3. Một số loại tranh chấp nhãn hiệu
Trên thực tế, có một số tranh chấp nhãn hiệu thường xảy ra như sau:
- Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
- Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
- Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ
- Tranh chấp về thừa kế tài sản.
- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
- Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
- Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
- Các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
2. Cách giải quyết tranh chấp nhãn hiệu
2.1. Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng biện pháp hòa giải, thương lượng
Khi có tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu phát sinh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của một bên thì bên bị xâm phạm có thể yêu cầu bên xâm phạm chấm dứt ngay hành vi đó và bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có).
Việc thương lượng, hòa giải giúp cho các bên tiết kiệm được chi phí, không bị ràng buộc bởi các thủ tục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, việc thực thi dựa trên sự tự nguyện của các bên mà không có chế tài nào áp dụng.
2.2. Yêu cầu các Cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Các cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp. Những cơ quan trên có quyền áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Căn cứ Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021) thì hành vi xâm phạm nhãn hiệu có thể bị phạt tiền lên từ 500.000 đồng đến 250.000.000 đồng, tùy vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm. Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như:
- Đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng;
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm;
- Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm;
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
- Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2.3. Giải quyết tranh chấp bằng phương án Trọng tài thương mại
Tổ chức cá nhân bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện ra Trung tâm trọng tài theo điểm d khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019.
Theo Điều 49 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan thì Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan.
Thủ tục giải quyết được thực hiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài.
2.4. Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu bằng việc khởi kiện ra Tòa án
Khi không thể đàm phán, thương lượng với bên có hành vi xâm phạm nhãn hiệu thì bên bị xâm phạm có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp nhãn hiệu theo khoản 4 Điều 26 hoặc khoản 2 Điều 30; Điều 186 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cụ thể trình tự thủ tục như sau:
Bước 1: Yêu cầu Giám định nhãn hiệu
Căn cứ khoản 5 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền yêu cầu giám định có hay không hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình; có hay không dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn, khó phân biệt với nhãn hiệu mà mình đã đăng ký bảo hộ.
Bước 2: Gửi thông báo cho bên vi phạm
Sau khi có kết quả giám định, chủ sở hữu có thể gửi thông báo cho bên vi phạm. Trong đó có thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh; văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ; ấn định một thời hạn hợp lý để Bên vi phạm chấm dứt hành vi hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trường hợp sau khi gửi thư thông báo, bên vi phạm vẫn không chấm dứt thực hiện hành vi, chủ sở hữu có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 3: Khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền
Căn cứ theo khoản 2 Điều 30; điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
Hồ sơ khởi kiện trong trường hợp này cần chuẩn bị gồm:
- Đơn khởi kiện;
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc quyền sử dụng hợp pháp nhãn hiệu (Bản sao chứng thực);
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu chủ sở hữu là doanh nghiệp;
- Giấy tờ tùy thân như: Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu nếu chủ sở hữu là cá nhân;
- Chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm: Mẫu sản phẩm mang nhãn hiệu của doanh nghiệp; mẫu sản phẩm của bên vi phạm nhãn hiệu; tài liệu chứng minh dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu của bên vi phạm;
- Thông tin bên vi phạm: Tên doanh nghiệp, địa chỉ, thông tin liên hệ (Nếu có);
- Thông báo yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi, trong đó ấn định thời gian yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi; chứng cứ chứng minh bên vi phạm cố tình không thực hiện (Bản sao chứng thực);
- Chứng cứ chứng minh sự cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn (Nếu có).
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.