Mục lục bài viết
- 1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
- 2. Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì?
- 3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam
- 4. Một số tranh chấp SHTT tại Việt nam
- 5. Một số vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi tiếng tại Việt Nam
- 6. Những vướng mắc từ thực tiễn trong các vấn đề về giải quyết tranh chấp quyền SHTT
1. Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Xuất phát từ bản chất pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ có thể được tiếp cận theo các tiêu chí khác nhau:
- Dưới góc độ lý luận, khách quan thì quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo ra, xác lập, sử dụng và định đoạt các đối tượng SHTT. Về chủ quan thì quyền sở hữu trí tuệ là tập hợp các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các cá nhân, tổ chức với đối tượng sở hữu trí tuệ.
- Theo đối tượng quyền: Quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ đây là cách thức liệt kê đối tượng nằm trong quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là: quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ
- Thứ nhất: Quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới trong tất cả các lĩnh vực
- Thứ hai: Quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường, tạo sự thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại trong nước và quốc tế
- Thứ ba: Quyền sở hữu trí tuệ giúp thúc đẩy đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích phổ biến và chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Thứ tư: quyền sở hữu trí tuệ có giá trị lớn
Như vậy có thể thấy hệ thống sở hữu trí tuệ như là một chất xúc tác và là nền tảng quan trọng của sự phát triển chính sách kinh tế quốc gia.
2. Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Tranh chấp có thể hiểu đơn giản là những xung đột bất đồng ý kiến giữa các bên trong quan hệ xã hội. Như vậy có thể nói tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là sự mâu thuẫn, xung đột, bất đồng ý kiến về quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ sở hữu trí tuệ như quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghệ. quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ có những đặc điểm:
- Về đối tượng của tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ:
Đối tượng của tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu trí tuệ chứ không được xác định cụ thể và chính xác để dựa vào làm căn cứ để giải quyết vần đề tranh chấp phát sinh.
- Tranh chấp xảy ra có tính chất phức tạp và chuyên môn sâu
Đây là một loại tranh chấp phức tạp từ những giai đoạn đầu xác định đối tượng và từ đó đặt ra những người giải quyết và tiếp nhận giải quyết cần phải có kiến thức cũng như là kinh nghiệm về luật sở hữu trí tuệ để giải quyết một cách hiệu quả, bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên tham gia.
- Phát sinh nhiều thông tin bí mật của doanh nghiệp
- Liên quan chặt chẽ đến các yếu tố cạnh tranh trên thị trường
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Việt Nam
Những tranh chấp về quyền SHTT tại Việt Nam hầu hết sẽ được giả quyết theo thủ tục tố tụng bởi các cơ quan có thẩm quyền là tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, nếu có yếu tố nước ngoài tồn tại trong tranh chấp quyền SHTT ví dụ như một trong các bên tranh chấp hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần có sự ủy thác tư pháp của cơ quan đại diện nước ngoài,... thì vụ tranh chấp quyền SHTT sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Hay đối với các tranh chấp về SHTT mà cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì sẽ được xét xử luôn tại tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Để xác định sẽ gửi đơn khởi kiện giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ ở đâu thì cần phải xác định được thẩm quyền Tòa án theo cấp nếu là tranh chấp đơn thuần bạn hoàn toàn có thể gửi đơn khởi kiện cho các tòa án cấp huyện, quận, thị xã thành phố trực thuộc trung ương. Nếu trong vụ án tranh chấp có những yếu tố nước ngoài thì bạn sẽ gửi đơn tại toàn án cấp tỉnh
Ngoài ra nếu các bên thỏa thuận giải quyết ở trung tâm trọng tài thương mại thì sẽ ưu tiên theo thỏa thuận
Tiếp theo là xác định thẩm quyền theo lãnh thổ với 4 điều cụ thể như sau:
- Tòa án nơi bị đơn cư trú; làm việc, nếu bị đơn là có nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở , nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm
- Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan tổ chức
- Nếu không biết nơi cư trú; làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc có trụ sở cuối cùng
- Nếu bị đơn không có nơi cư trú; làm việc; trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.
4. Một số tranh chấp SHTT tại Việt nam
Với đặc trưng nên kinh tế thị trường đa dạng, hội nhập thì những tranh chấp SHTT tại Việt Nam gần như đã bao quát được hết các loại tranh chấp mà tranh chấp SHTT có và đó nằm trong các loại tranh chấp phân loại theo từng tiêu chí sau:
Tiêu chí phân loại | Các loại tranh chấp |
Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ | - Tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan - Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp - Tranh chấp về quyền đối với giống cây trồng |
Loại tranh chấp | - Tranh chấp dân sự - Tranh chấp kinh doanh thương mại |
Giai đoạn thực hiện | - Tranh chấp về xác lập quyền sở hữu trí tuệ - Tranh chấp về khai thác quyền sở hữu trí tuệ - Tranh chấp do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Chủ thể | - Tranh chấp giữa tác giả và chủ thể sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ - Tranh chấp giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với bên thé ba xâm phạm quyền - Tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền |
5. Một số vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ nổi tiếng tại Việt Nam
- Tranh chấp về bản quyền tác giả đối với truyện "Thần đồng đất Việt"
Năm 2001, họa sĩ Lê Linh bắt đầu làm tại Công ty Phan Thị và thực hiện bộ truyện Thần đồng đất Việt. Tranh chấp xảy ra khi họa sĩ Lê Linh chấm dứt hợp tác với công ty nhưng Phan Thi vẫn thuê họa sĩ làm tiếp bộ truyện này. Năm 2007 họa sĩ Lê Linh bắt đầu khởi kiện công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Tranh chấp bản quyền vở diễn Thuở ấy xứ Đoài
Liên quan đến vở diễn thực cảnh Thuở ấy xứ Đoài, Tuần Châu Hà Nội đã kí hợp đồng với giá hơn 7 tỷ đồng để DS dựng lại vở diễn và DS đã đăng kí quyền sở hữu tác phẩm, tuy nhiên, đạo diễn Việt Tú đăng ký quyền tác giả với Ngày xưa ( còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài). Tuần Châu Hà Nội sau đó khởi kiện đòi DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm và bồi thường hơn 6 tỷ đồng chi phí thuê bên thứ ba dựng tác phẩm khác,... Phía DS phản tố, đề nghị tòa chấp nhận tác phẩm mà Tuần Châu Hà Nội thuê công ty khác dựng có tên Tinh Hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa và yêu cầu bồi thường từ Tuần Châu Hà Nội.
- Tranh chấp do vi phạm nhãn hiệu ASANO
Năm 2008, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ASANO, đến năm 2015, Công ty phát hiện trên thị trường lại có một công ty tên là Công ty cổ phần Điện tử Asanzo với kiểu dáng, mẫu mã giống nhãn hiệu ASANO. Công ty Đông Phương đã gửi Viện Khoa học sỏ hữu trí tuệ giám định và có kết luận khẳng định Asanzo là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ASANO. Vì vậy, công ty Đông Phương đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường và xin lỗi cải chính sau khi gửi văn bản yêu cầu xử phạt hành vi tới cơ quan chức năng mà không được phản hồi.
6. Những vướng mắc từ thực tiễn trong các vấn đề về giải quyết tranh chấp quyền SHTT
Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết
Thực tế hầu hết các hành vi xâm phạm quyền SHTT đều là vì mục đích lợi nhuận mà các tòa khó xác định được điều này, vì vậy khi nguyên đơn nộp đơn có tòa xác định đó là vụ án kinh doanh, thương mại, có tòa xác định là vụ án dân sự, nên nhiều trường hợp tòa cấp huyện và tòa cấp tỉnh đùn đẩy việc cho nhau gây khó khăn cho người khởi kiện.
Thứ hai, về xử lý bằng biện pháp dân sự
Từ phía người khởi kiện thì việc khởi kiện sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng, giảm uy tín thương hiệu, gây thiệt hại cho nguyên đơn khi thời gian hởi kiện là khá dài. Nên thay vì yêu cầu cơ quan tư pháp bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm các nguyên đơn thường yêu cầu xử lý biện pháp hành chính và bồi thường khắc phục nhanh những thiệt hại của nguyên đơn, chứ không sử dụng biện pháp có tính răn đe cao hơn.
Thứ ba, việc áp dụng các biện pháp tạm thời
Trong quá trình gải quyết vụ án đương sự và người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục. Tuy nhiên, để thực hiện nghĩa vụ này, người yêu cầu phải nộp khoản bảo đảm. Quy định như vậy gây khó khăn cho thẩm phán bởi xác định khoản tiền hợp lý bảo đảm cho thiệt hại vẫn chưa thật sự được quy định rõ ràng.
Thứ tư, việc xác định thiệt hại
THeo Điều 204, 205 Luật SHTT trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền SHTT của bị đơn đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu bồi thường. Nếu nguyên đơn không xác định được thì được tòa ấn định với mức tối đa không quá 500 triệu đồng. Quy định này chưa thỏa đáng và hạn chế nếu mức thiệt hại của nguyên đơn trên 500 triệu đồng mà họ lại không thể đưa ra một con số chính xác.
Thứ năm, việc giám định SHTT
Mặc dù, các quy định của pháp luật hiện nay quy định khá đầy đủ về hoạt động giám định, nhưng thực tiễn số lượng đội ngũ giám định còn hạn chế gây khó khăn cho hoạt động tố tụng.
Thứ sáu, quý trình điều tra gặp nhiều khó khăn, mức độ vi phạm ngày càng đa dạng và tinh vi trong khi lực lượng xử lý giải quyết các tranh chấp về SHTT còn hạn chế.
Thứ bảy, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập. Sự phối hợp giữa các cơ quan và chê tài xử lý đối với hành vi còn nhẹ.
Thứ tám, người tiêu dùng không có nhiều thông tin về mặt hành
Bên cạnh một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt thì vẫn có những người biết là hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vì giá thành mà không có những động thái phù hợp để giúp các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh kịp thời xử lý. Gián tiếp tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trong thị trường phân phối, tiêu thụ.
Trên đây là những thông tin Luật Minh Khuê gửi đến các bạn trong vấn đề: "Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì? Một số tranh chấp SHTT tại Việt Nam". Cảm ơn sự theo dõi của các bạn đọc.
Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu giải đáp, hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.6262 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: lienhe@luatminhkhue.vn để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.