Mục lục bài viết
1. Tiền sử dụng đất là gì?
Căn cứ khoản 21 Điều 3 Luật đất đai 2013 thì bất kỳ cá nhân, tổ chức, hộ gia đình khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai đều phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi thuộc vào các trường hợp sau:
- Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tức là Nhà nước sẽ thu tiền sử dụng đất khi người sử dụng đất thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, như: Chuyển từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối; Chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Chuyển từ đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất; ...
- Nhà nước sẽ thu tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp cụ thể sau đây:
+ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 mà không có một trong các loại giấy tờ được quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất vẫn phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
+ Hộ gia đình, cá nhân đối với đất đã sử dụng đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 không vi phạm pháp luật về đất đai, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất mà không có giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật đất đai năm 2013 thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn phải nộp tiền sử dụng đất.
+ Hộ gia đình, cá nhân có đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và vẫn có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
+ Hộ gia đình, cá nhân có đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền hoặc do lấn chiếm kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà nay được Nhà nước xét cấp Giấy chứng nhận thì khi được công nhận quyền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân đó phải nộp tiền sử dụng đất.
Khác với thuế sử dụng đất phải nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm thì tiền sử dụng đất là số tiền phải trả cho Nhà nước và chỉ thực hiện khi thuộc một trong ba trường hợp trên, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp.
Các văn bản pháp lý quy định, điều chỉnh về tiền sử dụng đất cũng như cách thức xử lý trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất gồm:
- Văn bản hợp nhất Luật Đất đai số 21/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 - gọi tắt Luật đất đai;
- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền sử dụng đất;
- Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;
- Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26/10/2019 Sửa, đổi Điều 16 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về thu tiền sử dụng đất;
- Thông tư 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 Hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP Quy định về thu tiền sử dụng đất;
- Thông tư 332/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 sửa đồi Thông tư 76/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.
Căn cứ pháp lý quy định cụ thể:
Điều 17 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước thì người sử dụng đất phải nộp tiền chậm nộp. Việc xác định tiền chậm nộp tiền sử dụng đất thực hiện theo mức quy định của Luật Quản lý thuế và các vãn bản hướng dẫn thi hành.
2. Chậm nộp tiền sử dụng đất
Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đưa ra khái niệm cụ thể về chậm nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, ta có thể hiểu khái quát rằng: Nộp tiền sử dụng đất là trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân khi thuộc vào trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất được pháp luật quy định. Đồng thời pháp luật đất đai cũng có hướng dẫn cụ thể về đối tượng thu tiền sử dụng đất, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, ... Trường hợp người sử dụng đất đã nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất mà qua thời hạn nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất vẫn chưa thực hiện thủ tục nộp tiền sử dụng đất thì sẽ bị coi là chậm nộp tiền sử dụng đất.
Do đó, để xác định người sử dụng đất đó có chậm nộp tiền sử dụng đất hay không thì phải xác định thời hạn nộp tiền sử dụng đất. Theo đó, thời hạn nộp tiền sử dụng đất là khoảng thời gian được pháp luật ấn định để người sử dụng đất đi nộp tiền sử dụng đất. Căn cứ vào khoản 4 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật quản lý thuế thì quy định về thời hạn nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (tức là được cấp Giấy chứng nhận hoặc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) cụ thể như sau:
- Kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, chậm nhất là 30 ngày thì người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
- Kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, chậm nhất là 90 ngày, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
- Kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, chậm nhất là 30 ngày, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.
Như vậy, chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận phải hoàn thành xong thủ tục nộp tiền sử dụng đất. Nếu như quá thời hạn 90 ngày quy định nêu trên mà người sử dụng đất vẫn chưa thực hiện thủ tục nộp tiền sử dụng đất sẽ bị coi là chậm nộp tiền sử dụng đất. Sau khi nộp xong thì người sử dụng đất phải giữ lại biên lai, chứng từ để xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận, nếu không có biên lai, chứng từ thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận.
3. Chậm nộp tiền sử dụng đất bị xử lý như nào?
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ banh hành ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất thì trong trường hợp người sử dụng đất chậm nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước thì người sử dụng đất ấy phải tiến hành thủ tục nộp tiền chậm nộp. Tức là, trong trường hợp này, ngoài tiền sử dụng đất chưa nộp thì người sử dụng đất còn phải nộp thêm khoản tiền chậm nộp. Việc xác định tiền chậm nộp tiền sử dụng đất được căn cứ vào mức quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3.1. Cách tính tiền chậm nộp tiền sử dụng đất
Tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu mà người sử dụng đất phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận, khi quá thời hạn quy định mà không nộp tiền sử dụng đất thì sẽ bị yêu cầu nộp thêm tiền chậm nộp. Bởi căn cứ vào khoản 1 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, khi người có nghĩa vụ nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp tiền chậm nộp. Bên cạnh đó, tại văn bản Luật Quản lý thuế năm 2019 có nhắc đến các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thuế có bao gồm cả tiền chậm nộp (điểm h khoản 2 Điều 3).
Từ đó, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ được tính theo phương thức tính tiền chậm nộp được quy định trong Luật Quản lý thuế năm 2019. Cụ thể căn cứ vào khoản 2 Điều 59, mức tính tiền chậm nộp thuế được tính bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Hay cụ thể vào trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất thì công thức tính số tiền chậm nộp sẽ là:
Số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất = 0,03 % x số tiền sử dụng chậm nộp x số ngày chậm nộp tiền sử dụng đất
Ví dụ: người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất là 1.500.000 đồng nhưng khi nhận được thông báo, người này không nộp tiền đúng thời hạn quy định. Do đó, nếu quá thời hạn nộp tiền sử dụng đất 01 ngày thì tiền chậm nộp trên một ngày của người sử dụng đất này là 0.03% x 1.500.000 = 450 đồng/ngày. Tức là chậm nộp tiền sử dụng đất 01 ngày thì người sử dụng đất đó phải nộp số tiền là 1.500.000 + 450 = 1.500.450 đồng.
Thời gian tính tiền chậm nộp tiền sử dụng đất được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước. Nếu sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền sử dụng đất, người có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp tiền sử dụng đất biết số tiền sử dụng đất phải nộp, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
3.2. Khi nào được miễn tiền chậm nộp?
Theo khoản 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, về nguyên tắc thì người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp nhưng sẽ được miễn tiền chậm nộp tiền thuế nếu thuộc trường hợp bất khả kháng, cụ thể:
- Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
- Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định Chính phủ.
Mọi vướng mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý khác, vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật trực tiếp thông qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng!