NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Khái niệm về bảo hiểm con người:

Bảo hiểm con người là loại bảo hiểm có mục đích tri trả những khoản tiền đã thỏa thuận trước cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra những sự kiện tác động đến chính bản thân người được bảo hiểm hoặc người được thụ hưởng bảo hiểm. Những rủi ro này là tai nạn, bệnh tật, ốm đau, tử vong, tuổi già và những bấp bênh khác về tuổi thọ con người. Khi những sự kiện này xảy ra tác động đến người được bảo hiểm, người được bảo hiểm không tham gia một cách trực tiếp và việc khắc phụ hậu quả của chúng. Sự can thiệp của người bảo hiểm chính là việc thanh toán một số tiền, một khoản tiền trợ cấp được ấn định trong hợp đồng bảo hiểm. Khoản trợ cấp này có thể thanh toán cho người được bảo hiểm hoặc người khác – người thụ hưởng, tùy vào từng loại bảo hiểm và muc đích ký kết hợp đồng.

Như vậy, chỉ những thiệt hại về con người mới là đối tượng của hợp đồng bảo hiểm con người. Tuy nhiên, có những rủi ro khi xảy ra không gây thiệt hại cho con người cũng vẫn là đối tượng của bảo hiểm con người. Chẳng hạn, trong trường hợp người ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đến một lứa tuổi nhất định sẽ nhận số tiền bảo hiểm.

2. Phận loại bảo hiểm con người:

Theo thời hạn bảo hiểm bảo hiểm con người chia thành hai loại:

+ Bảo hiểm con người ngắn hạn: là loại hợp đồng bảo hiểm mà trong đó người tham gia bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm trong một thời gian ngắn thường là một năm trở xuống. Người bảo hiểm cam kết thanh toán trợ cấp khi có rủi ro bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm.

+ Bảo hiểm con dài hạn: là hợp đồng mà trong đó người tham gia bảo hiểm cam kết trả phí bảo hiểm trong một thời gian dài thường là trên một năm đến hết đời.

Theo hình thức bảo hiểm:

Bảo hiểm ccon người được chia thành: Bảo hiểm nhân thọ và Bảo hiểm sức khỏe ( Bảo hiểm con người phi nhân thọ)

+ Bảo hiểm nhân thọ là sự cam kết giữa công ty bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm mà trong đó công ty bảo hiểm có trách nhiệm trả số tiền bảo hiểm (số tiền bảo hiểm) cho người tham gia khi người tham gia có bị xảy ra những sự kiện đã định trước ( chẳng hạn như: chết, thương tật toàn bộ, vĩnh viễn, hết hạn hợp đồng, sống đến một thời hạn nhất định…) Còn người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm nộp phí bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn.

+ Bảo hiểm con người phi nhân thọ là loại bảo hiểm có đối tượng bảo hiểm là tính mạng, sức khỏe và khả năng lao đông của con người.

3. Người được bảo hiểm.

Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng. Khi rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm xảy ra đối với người này sẽ làm phát sinh trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là bên mua bảo hiểm. Nếu người được bảo hiểm không phải là bên mua bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm phải có Quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với người được bảo hiểm.

4. Trường hợp người thụ hưởng không được nhận tiền bảo hiểm.

Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được coi là phần loại trừ trong một hợp đồng bảo hiểm, trong đó, liệt kê các trường hợp bên bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Vì vậy, trong các trường hợp sau thì người thụ hưởng không được nhận tiền bảo hiểm.

Thứ nhất, trường hợp người được bảo hiểm bị chết do hành vi cố ý của người mua bảo hiểm và/hoặc người thụ hưởng hay do hành động tự tử của người được bảo hiểm trong một giai đoạn nhất định, thường là hai năm kể từ ngày phát hành hợp đồng (đây là thời gian đủ để ngăn chặn trường hợp mua bảo hiểm với mục đích trục lợi bảo hiểm cùng với việc tự tử).

Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối trả tiền bảo hiểm trong những trường hợp đi ngược lại với đạo lý xã hội, nhằm đảm bảo các giá trị nhân văn, bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp của con người.

Thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối trả tiền bảo hiểm trong những trường hợp có thảm hoạ, có thể gây tổn thất trên diện rộng và làm mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Ngoài những phạm vi loại trừ như trên, các doanh nghiệp bảo hiểm còn có thể áp dụng điều khoản loại trừ đối với các trường hợp như: chiến tranh, nội chiến, bạo động, nổi loạn, các hoạt động thể thao nguy hiểm, ảnh hưởng của rượu, bia, ma tuý, các sở thích nguy hiểm, bệnh tật, tàn tật có sẵn… Theo Điều 16 - Luật kinh doanh bảo hiểm: “1. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm quy định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc không phải trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm; 2. Điều khoản này phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng; Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý;

b) Bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện được bảo hiểm”.

Tuy nhiên quy định nói trên là chưa phù hợp, bởi nó chỉ giới hạn đối với đối tượng là “người mua bảo hiểm”- điều này chỉ có thể đúng đối với loại hình bảo hiểm tài sản hay bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn đối với bảo hiểm con người thì đối tượng là “người được bảo hiểm” hay “người thụ hưởng” chưa được điều luật này đề cập đến. Vì trong rất nhiều hợp đồng bảo hiểm con người, người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng không trùng là một.

Riêng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khoản 1 Điều 39 - Luật kinh doanh bảo hiểm quy định về các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không trả tiền bảo hiểm như sau:

“a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 2 (hai) năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng tiếp tục có hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng;

c) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình.”

5. Những bất cập của pháp luật hiện hành điều chỉnh mối quan hệ

- Đầu tiên, trong Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng bảo hiểm cũng được quy định như là một loại hợp đồng thông dụng. Tuy nhiên, trong những quy định về hợp đồng bảo hiểm của Bộ luật dân sự không có quy định về người thụ hưởng mà chỉ có quy định về người được bảo hiểm, nhưng khái niệm về người được bảo hiểm cũng không được Bộ luật dân sự nêu ra. Trong khi đó, người thụ hưởng là một chủ thể liên quan rất quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm con người. Điều này tất yếu dẫn đến những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.

- Thứ hai, Trong hợp đồng bảo hiểm luôn có người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Nếu người mua bảo hiểm không chỉ định người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm thì hoặc là người mua thụ hưởng, hoặc là người thừa kế hợp pháp theo luật thừa kế.

Ví dụ trường hợp nếu người chồng chỉ định người vợ là người thụ hưởng trong Hợp đồng thì người vợ đó được hưởng, nếu không có chỉ định thì người vợ được hưởng quyền lợi bảo hiểm với điều kiện phải có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Nếu không có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì người vợ không được hưởng, mà cha mẹ anh em của người mua bảo hiểm được hưởng. Đây cũng là vấn đề có tính chất mâu thuãn giữa Luật thừa kế và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Thứ ba, trong Luật kinh doanh bảo hiểm, cũng đã có quy định cụ thể về việc bên mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm cho những ai. Nhà làm luật có dự liệu “mở” là bên mua bảo hiểm có thể mua bảo hiểm cho "người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm", nhưng nếu căn cứ vào khái niệm quyền lợi có thể được bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm, thì những đối tượng này bị bó hẹp rất nhiều.

Điều đó dẫn đến hai hệ quả: thứ nhất, làm hạn chế sự mở rộng hợp lý thị trường bảo hiểm con người; thứ hai, có thể doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định của pháp luật, tức là đã vi phạm pháp luật. Do vậy, cần phân tách rõ giữa quyền lợi có thể được bảo hiểm của bảo hiểm thiệt hại và bảo hiểm con người. Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản đối với đối tượng bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm con người, quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng và các quyền lợi khác đối với người được bảo hiểm, nếu được doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận hoặc pháp luật có quy định.

Nói tóm lại, mối quan hệ quan hệ pháp lý giữa các chủ thể: bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hường là một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với việc xác định các quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nói chung cũng như hợp đồng bảo hiểm con người nói riêng. Việc tìm hiểu rõ mối quan hệ này cho ta thấy được những điểm bất cập cần phải sửa đổi trong quy định của pháp luật hiện nay. Điều đó sẽ làm cho những chế định về hợp đồng bảo hiểm ngày càng hoàn thiện hơn, tạo thuận lợi cho việc phát triển thị trường kinh doanh bảo hiểm ở nước ta trong những giai đoạn tiếp theo.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật Minh Khuê, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật Minh Khuê 1900.6162 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email lienhe@luatminhkhue.vn để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật - Công ty Luật Minh Khuê