Mục lục bài viết
1. Chứng khoán là gì?
Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện bằng hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
Luật chứng khoán 2019 quy định: Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; Chứng khoán phái sinh; Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
2. Tự doanh chứng khoán là gì?
Khoản 30 Điều 4 Luật chứng khoán giải thích: Tự doanh chứng khoán là việc công ty chứng khoán (CTCK) mua, bán chứng khoán cho chính mình.
Do có tính đặc thù về khả năng tiếp cận thông tin và chủ động trên thị trường, nên CTCK có những lợi thế nhất định khi tiến hành hoạt động tự doanh như: CTCK có thể dự đoán diễn biến của thị trường, nắm được xu thế giao dịch; có nhân viên đại diện sàn, nên họ biết thông tin đầy đủ về quan hệ cung cầu đối với từng chứng khoán và không phải nghĩ đến phí giao dịch khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh.
Hoạt động tự doanh của mỗi CTCK với khả năng chuyên môn và nguồn vốn lớn được coi là hoạt động giao dịch của một nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp có những tác động nhất định tới giá cả của thị trường. Do đó, CTCK có thể thông qua hoạt động tự doanh góp phần rất lớn trong việc điều tiết cung cầu, bình ổn giá cả của các loại chứng khoán trên thị trường. Khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh, mục đích quan trọng nhất đối với CTCK tất yếu là nhằm thu lợi cho chính mình.
Như vậy, Tự doanh là hoạt động tự mua bán chứng khoán cho mình để hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá chứng khoán. Nói cách khác, tự doanh là hoạt động mua đi bán lại chứng khoán nhằm thu chênh lệch giá (mua thấp, bán cao).
Hoạt động tự doanh của CTCK được thực hiện ở Sở giao dịch chứng khoán (SGD) và thị trường OTC. Tại SGD hoạt động mua bán này cũng được tiến hành như hoạt động của nhà đầu tư thông thường. Trên thị trường OTC, hoạt động tự doanh có thể được thực hiện trực tuyến giữa công ty với các đối tác, thông qua hoạt động tạo thị trường hoặc thông qua hệ thống giao dịch tự động.
3. Đặc điểm nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
Thứ nhất, hoạt động tự doanh của CTCK mang tính chuyên nghiệp cao. Tính chuyên nghiệp được thể hiện trước hết ở trình độ và khả năng của các cán bộ thực hiện hoạt động tự doanh. Họ phải là những người có kiến thức chuyên sâu, có khả năng phân tích, là người có khả năng đưa ra được các quyết định đúng đắn trong hoạt động tự doanh và phải làm việc dưới những áp lực lớn. Bên canh đó, tính năng động và tự chủ của họ luôn được đề cao trong các quyết định đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Song quá trình đầu tư và kinh doanh chứng khoán này đều phải tuân theo những quy trình đầu tư chặt chẽ nhằm bảo đảm tính hiệu quả và an toàn trong đầu tư. Quy trình đầu tư đưa ra các bước cần thiết để thực hiện một phương án đầu tư, đồng thời nó cũng quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các đối tượng tham gia hoạt động tự doanh của công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh của CTCK luôn mang tính chiến lược, có định hướng đồng thời dựa vào các phân tích thị trường và mục tiêu trong từng giai đoạn hoạt động mà CTCK có thể đưa ra các chiến lược đầu tư và chính sách quản trị danh mục đầu tư một cách phù hợp nhất.
Thứ hai, do có tiềm lực tài chính mạnh và hoạt động có tính chuyên nghiệp cao nên quy mô đầu tư của CTCK lớn và danh mục đầu tư đa dạng. Hoạt động tự doanh của CTCK không chỉ tập trung vào một thị trường, một ngành nghề hay một công ty mà CTCK đầu tư trên nhiều thị trường từ thị trường tập trung đến thị trường phi tập trung cả trong và ngoài nước với nhiều ngành nghề khác nhau. Dựa vào những lợi thế có được của một tổ chức tài chính trung gian các CTCK có khả năng tìm ra những cơ hội đầu tư với chi phí thấp nhằm đa dạng hoá danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Thứ ba, hoạt động tự doanh của CTCK luôn chứa đựng nhiều rủi ro, do đó trong hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán của mình các CTCK đều sử dụng các công cụ phòng vệ như option, future... Việc sử dụng các công cụ phòng vệ của các CTCK hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như việc sử dụng rộng rãi của các công cụ phòng vệ trong hoạt động đầu tư, chiến lược phát triển, chính sách quản lý danh mục đầu tư của công ty.
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng hoạt động tự doanh chứng khoán của các CTCK vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tương tự như những rủi ro các nhà đầu tư gặp phải, thậm chí với quy mô khoản đầu tư lớn, nếu gặp phải rủi ro, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn bình thường, bởi vậy trong hoạt động tự doanh của mình, các CTCK đều sử dụng các công cụ phòng vệ để phòng tránh rủi ro. Việc sử dụng các công cụ phòng vệ hữu hiệu đến đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cả yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan thể hiện ở sự phát triển của thị trường với việc sử dụng rộng rãi của các công cụ phòng vệ trong hoạt động đầu tư như hợp đồng tương lai, quyền chọn; Yếu tố chủ quan thuộc về công ty bao gồm các yếu tố về nhân lực, chiến lược phát triển, chính sách quản lý danh mục đầu tư.
4. Phương thức thực hiện tự doanh chứng khoán
Tự doanh được thực hiện theo phương thức giao dịch trực tiếp hay gián tiếp.
Giao dịch trực tiếp
Là các giao dịch “trao tay” giữa khách hàng và công ty chứng khoán theo giá thỏa thuận trực tiếp. Các đối tác giao dịch do các tổ chức tự “đấu mối”, họ có thể là cá nhân hay tổ chức (chủ yếu là các công ty chứng khoán). Thời gian giao dịch thường được thực hiện trong và ngoài giờ giao dịch của Sở (Trung tâm) giao dịch. Chứng khoán giao dịch rất đa dạng (chủ yếu là chứng khoán không niêm yết, chứng khoán mới phát hành).
Các đối tác giao dịch thường trực tiếp thực hiện các thủ tục thanh toán và chuyển nhượng chứng khoán. Vì vậy, trong giao dịch này không có bất kỳ một loại phí nào, riêng phí thanh toán do bên thụ hưởng chịu, phí chuyển khoản chứng khoán do bên chuyển nhượng chịu.
Các hoạt động này không chịu sự giám sát của Sở (trung tâm) giao dịch nhưng chịu sự giám sát của Thanh tra Nhà nước về chứng khoán.
Doanh số giao dịch trực tiếp lớn gấp bội lần doanh số giao dịch trên Sở (trung tâm) giao dịch (thường chiếm 85- 90% doanh số giao dịch của thị trường).
Giao dịch gián tiếp
Là các giao dịch mà công ty chứng khoán không thể thực hiện được bằng giao dịch trực tiếp để đảm bảo an toàn khi giá chứng khoán có biến động lớn và đôi khi có thể vì mục đích can thiệp vào giá thị trường. Thao tác giao dịch này cũng được thực hiện tương tự như giao dịch theo ủy thác, hay nói cách khác, trên Sở (trung tâm) giao dịch không có sự phân biệt giao dịch theo ủy thác và giao dịch tự doanh.
Do giao dịch qua Sở (trung tâm) giao dịch, nên công ty chứng khoán phải chịu các chi phí môi giới lập giá, chi phí thanh toán bù trừ và lưu ký chứng khoán.
5. Mục đích tự doanh chứng khoán là gì
Đối với CTCK, mục đích của hoạt động tự doanh là thu chênh lệch giá chứng khoán cho chính mình. Phạm vi kinh doanh bị phụ thuộc và nguồn vốn và mức dự trữ đảm bảo khả năng thanh toán. Chứng khoán là một công cụ tài chính có chức năng thanh khoản cao và khả năng tạo lợi nhuận lớn. Do vậy, hoạt động tự doanh CK tại các CTCK nhằm mục đích:
Kinh doanh đầu tư
Việc đầu tư chứng khoán đem lại cho các CTCK các khoản lợi nhuận từ lợi tức CK (cổ tức, trái tức, lợi tức cổ phần quỹ đầu tư v.v…) và chênh lệch giá. Ngược lại, khi thị giá bị tụt giảm thì các khoản lãi khó có thể bù đắp được phần mất giá. Vì vậy, các CTCK rất thận trọng trong việc hoạch định chiến lược đầu tư và đầu cơ chứng khoán.
Kinh doanh góp vốn
Bằng việc mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi hay kèm quyền chuyển đổi, các CTCK đầu tư vào các CTCP và trở thành cổ đông. Vì vậy, các CTCK phải tuân thủ các quy định pháp lý đối với các cổ đông lớn và hạn mức được phép đầu tư hùn vốn vào một CTCP. Tuy vậy, để mở rộng phạm vi kinh doanh cho các CTCK, pháp luật có thể quy định về thời hạn tối thiểu đối với người sở hữu cổ phiếu được quyền là cổ đông (từ 6 tháng trở lên).
Can thiệp bảo vệ giá
Khi giá chứng khoán bị biến động bất lợi do tình hình hoạt động chung của thị trường, các công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch mua bán nhằm ổn định lại thị trường theo yêu cầu can thiệp của cơ quan quản lý và tự bảo vệ mình hay khách hàng của mình khi thực hiện các đợt phát hành hay bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, để làm được việc này, các công ty chứng khoán phải hợp lực với nhau để tự phát hành dưới hình thức “tổ chức bảo trợ thị giá” tức là lập một tập đoàn tài chính (consortium)
Thu lợi
Về bản chất, mục đích hoạt động kinh doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán là nhằm thu lợi tức và chênh lệch giá mua vào và bán ra. Với lợi thế về thông tin và sở trường phân tích, ngoài mục đích tích lũy chứng khoán phục vụ khách hàng, hoạt động đầu tư chứng khoán của công ty chứng khoán thường là đầu tư chờ chênh lệch giá (ngay cả trong tình trạng thị trường suy thoái- giá xuống), hoặc nhằm thực hiện các giao dịch khi có chênh lệch giá tại các thị trường khu vực. Tuy nhiên, trong luật định về chức năng và quyền hạn của công ty chứng khoán thì họ phải có một số điều kiện cơ bản để hành nghề. Đó là điều kiện về vốn hoạt động, người quản lý và nhân viên tác nghiệp, cơ sở vật chất phục vụ cho nghiệp vụ tự doanh.
6. Yêu cầu đối với công ty chứng khoán trong hoạt động tự doanh chứng khoán
Cần tách biệt quản lý: Tự doanh CK là nhằm thu lợi nhuận cho chính công ty thông qua hành vi mua, bán chứng khoán với khách hàng. Nghiệp vụ này hoạt động song song với nghiệp vụ môi giới vừa phục vụ lệnh giao dịch cho khách hàng đồng thời cũng phục vụ cho chính mình, vì vậy trong quá trình hoạt động có thể dẫn đến xung đột lợi ích thực hiện giao dịch cho khách hàng và cho bản thân công ty. Do đó, luật pháp của các nước đều yêu cầu tách biệt rõ ràng giữa nghiệp vụ môi giới và tự doanh. CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của chính mình. Thậm chí ở một số nước còn quy định có hai loại hình CTCK là công ty môi giới chứng khoán chỉ làm chức năng môi giới và CTCK có chức năng tự doanh.
Các CTCK phải có sự tách biệt giữa nghiệp vụ tự doanh và nghiệp vụ môi giới để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động. Sự tách biệt này bao gồm tách biệt về: yếu tố con ngời, quy trình nghiệp vụ, vốn và tài sản của khách hàng và Công ty.
Ưu tiên khách hàng: CTCK phải tuân thủ nguyên tắc ưu tiên khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh. Điều đó có nghĩa là lệnh giao dịch của khách hàng phải được xử lý trước lệnh tự doanh của Công ty. Nguyên tắc này đảm bảo công bằng cho khách hàng trong quá trình GDCK. Do có tính đặc thù về khả năng tiếp cận thông tin và chủ động trên thị trường nên các CTCK có thể dự đoán trước được diễn biến của thị trường và sẽ mua hoặc bán tranh của khách hàng nếu không có nguyên tắc trên.
Góp phần bình ổn thị trường: Các CTCK hoạt động tự doanh nhằm góp phần làm bình ổn giá cả thị trường. Trong trường hợp này, hoạt động tự doanh được tiến hành bắt buộc theo luật định. Luật các CTCK phải dành một tỷ lệ nhất định các giao dịch của mình (ở Mỹ là 60%) cho hoạt động bình ổn thị trường. Theo đó, các CTCK có nghĩa vụ mua vào khi giá chứng khoán bị giảm và bán ra khi chứng khoán lên nhằm giữ giá chứng khoán ổn định.
Hoạt động tạo lập thị trường: Khi được phát hành, các chứng khoán mới chưa có thị trường giao dịch. Để tạo thị trường cho các chứng khoán mới này các CTCK thực hiện tự doanh thông qua việc mua và bán chứng khoán, tạo tính thanh khoản trên thị trường cấp hai. Trên những TTCK phát triển, các nhà tạo lập thị trường sử dụng nghiệp vụ mua và bán chứng khoán trên thị trường OTC để tạo thị trường. Theo đó, họ liên tục có những báo giá để mua hoăc bán chứng khoán với các nhà kinh doanh chứng khoán khác. Như vậy họ sẽ duy trì một thị trường liên tục với chứng khoán mà họ kinh doanh.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.
Luật Minh Khuê (Sưu tầm & biên tập)