I. Cơ sở pháp lý

- Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu;

- Thông tư số 10/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 40/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.

II. Cơ sở thực tiễn:

Quy trình này quy định trình tự thực hiện việc xem xét và cấp giấy phép sản xuất rượu cho các tổ chức đăng ký nhằm:

- Đảm bảo cấp giấy phép đúng đối tượng, đúng nội dung

- Đảm bảo thực hiện các thủ tục khoa học, đúng theo quy định

- Đảm bảo tính chính xác, tốc độ, công khai minh bạch chính sách.

Luật sư tư vấn luật thuế qua điện thoại gọi:   1900.6162

Luật sư tư vấn luật thuế qua điện thoại gọi:   1900.6162

III. Điều kiện cấp phép

1. Điều kiện về chủ thể

Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu.

Bộ Công thương cấp Giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên.

2. Điều kiện về đầu tư

Quy mô, địa điểm đầu tư cơ sở sản xuất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, con người

- Có dây chuyền máy móc thiết bị chuyên ngành để thực hiện các công đoạn chính như nấu, lên men, chưng cất, chiết rót... phù hợp với các công đoạn và quy mô sản xuất;

- Có quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm rượu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Có các thiết bị để đo lường, kiểm tra chất lượng men rượu, hàm lượng đường, nồng độ cồn trong quá trình sản xuất;

- Diện tích cơ sở sản xuất bao gồm khu chế biến và khu bảo quản có tổng diện tích không dưới 500m2, trong đó phải bố trí kho riêng cho bảo quản sản phẩm;

- Có các thiết bị để kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm của khu chế biến và khu bảo quản phù hợp quy mô sản xuất;

- Phải có hợp đồng lao động với người có đủ trình độ kỹ thuật, chuyên môn (có bằng trung cấp trở lên) hoặc có kinh nghiệm lâu năm (nghệ nhân có giấy chứng nhận) phù hợp với ngành nghề sản xuất rượu;

- Người lao động tham gia trực tiếp sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm do cơ quan y tế cấp.

4. Điều kiện về chất lượng và vệ sinh an toàn sản phẩm rượu

Phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn cơ sở và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế.

5. Điều kiện về sở hữu nhãn hiệu hàng hóa

Phải có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa đã được đăng ký và được bảo hộ tại Việt Nam.

6. Điều kiện về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

- Dây chuyền máy móc thiết bị phải được bố trí trong không gian đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ;

- Phải có đầy đủ các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm phòng chống cháy nổ theo quy định.

IV. Trình tự, thủ tục cấp phép

1. Diễn giải sơ đồ quy trình

1.1. Tiếp nhận hồ sơ

Văn thư Vụ Công nghiệp nhẹ tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm rượu từ các doanh nghiệp tại Văn thư Bộ và chuyển cho Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ. Việc tiếp nhận văn bản thực hiện theo Quy trình Xử lý công văn đi và đến.

1.2. Phân công nhiệm vụ

Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ phân công chuyên viên theo dõi ngành Bia -rượu - Nước giải khát (sau đây gọi là chuyên viên thụ lý) chịu trách nhiệm kiểm tra, xem xét hồ sơ xin cấp giấy phép. Nội dung phân công ghi rõ trong Phiếu yêu cầu xử lý công văn.

1.3. Kiểm tra điều kiện cấp Giấy phép

a) Khi nhận được hồ sơ, chuyên viên thụ lý của Vụ Công nghiệp nhẹ có trách nhiệm kiểm tra điều kiện của doanh nghiệp đó theo các yêu cầu sau:

Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký kinh doanh sản xuất rượu.

Là doanh nghiệp có quy mô sản xuất sản phẩm rượu từ 03 triệu lít/năm trở lên.

Quy mô, địa điểm đầu tư cơ sở sản xuất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát.

Có thiết bị đồng bộ, đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Đảm bảo yêu cầu vệ sinh sản phẩm rượu theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng sản phẩm rượu theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam và có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hiệu hàng hoá đang được bảo hộ cho sản phẩm rượu tại Việt Nam.

b) Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do doanh nghiệp sáp nhập hoặc tăng năng lực sản xuất hoặc do bất kỳ một lý do nào khác, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị, có hồ sơ liên quan chứng minh việc điều chỉnh trên gửi Bộ Công Thương xem xét giải quyết;

c) Trường hợp gia hạn Giấy phép, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị gia hạn Giấy phép trước thời điểm hết hiệu lực của Giấy phép 30 ngày để Bộ Công Thương xem xét cấp gia hạn Giấy phép. Thủ tục gia hạn Giấy phép như cấp mới.

1.4. Thẩm định hồ sơ

a, Chuyên viên thụ lý có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đăng ký xin cấp giấy phép sản xuất rượu và trình Lãnh đạo Vụ xem xét;

b, Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Vụ Công nghiệp nhẹ phải lập công văn yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ;

c, Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương xem xét và trình Lãnh đạo Bộ cấp Giấy phép sản xuất rượu. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Vụ Công nghiệp nhẹ phải có văn bản nêu rõ lý do và trình Lãnh đạo Bộ để trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp;

d) Giấy phép sản xuất sản phẩm rượu có thời hạn 05 năm.

1.5. Dự thảo giấy phép

Chuyên viên thụ lý lập dự thảo Giấy phép (chế bản máy tính) báo cáo Lãnh đạo Vụ xem xét. Sau khi xem xét hồ sơ trình, nếu nhất trí thì Lãnh đạo Vụ đề nghị chuyên viên theo dõi hoàn thiện hồ sơ chuyển xuống Phòng Tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt.

1.6. Trình xin phép thuê in

a) Trước khi in Giấy phép, Chuyên viên theo dõi ngành trình hồ sơ, nội dung và hình thức Giấy phép để Lãnh đạo Bộ xem xét;

b) Lãnh đạo Bộ ký duyệt nếu đồng ý. Trường hợp Lãnh đạo Bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì chuyên viên thụ lý chỉnh lý lại báo cáo Lãnh đạo Vụ, trước khi trình Lãnh đạo Bộ.

1.7. In Giấy phép

Sau khi được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, chuyên viên thụ lý thực hiện việc thuê in Giấy phép.

1.8. Trình ký Giấy phép

Giấy phép sản xuất rượu sau khi được in, Lãnh đạo Vụ trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành.

1.9. Ký duyệt

Bộ trưởng Bộ Công Thương ký duyệt Giấy phép sản xuất rượu do Lãnh đạo Vụ Công nghiệp nhẹ trình.

1.10. Ban hành và lưu hồ sơ

a) Trước khi phát hành Giấy phép cho doanh nghiệp đã có Giấy phép, Chuyên viên thụ lý có trách nhiệm thu hồi Giấy phép cũ;

b) Giấy phép được làm thành 04 bản: 01 bản gửi Sở Công Thương, 01 bản gửi doanh nghiệp được cấp Giấy phép, 02 bản lưu tại Bộ Công Thương.

>> Các bản văn bản đính kèm

STT

Số hiệu

Tên văn bản

Tài Liệu

1

94/2012/NĐ-CP

Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu

Tải về

2

10/2008/TT-BCT

Thông tư số 10/2008/TT-BCT ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 40/2008/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu

Tải về

3

Biểu mẫu

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu

Tải về


Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
PHÒNG DOANH NGHIỆP - CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ