1. Tư vấn quy trình kết nạp đảng khi đã bị hủy kết nạp lần đầu?

Thưa luật sư, Tôi bị ra quyết định hủy quyết định kết nạp đảng viên. Tôi xin hỏi sau 36 tháng tôi mới được xem xét kết nạp lại. Vậy trong thời gian 36 tháng tôi có được chi bộ xem xét cho đi học lớp nhận thức về đảng trước không ? Xin cảm ơn

Tư vấn quy trình kết nạp đảng khi đã bị hủy kết nạp lần đầu ?

Luật sư tư vấn quy định về điều kiện kết nạp Đảng, gọi số: 1900.6162

Trả lời:

Công ty Luật Minh Khuê đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định tại Điều 4 về kết nạp lại người vào Đảng như sau:

"3.5- Về kết nạp lại người vào Đảng

3.5.1- Người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng.

b) Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xóa án tích), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định.

c) Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng.

3.5.2- Đối tượng không xem xét kết nạp lại.

Không xem xét, kết nạp lại những người trước đây ra khỏi Đảng vì lý do: Tự bỏ sinh hoạt đảng; làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn); gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng; bị kết án vì tội tham nhũng; bị kết án về tội nghiêm trọng trở lên.

3.5.3- Chỉ kết nạp lại một lần.

3.5.4- Những đảng viên được kết nạp lại phải trải qua thời gian dự bị."

Hướng dẫn 01-HD/TW thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định về quy trình kết nạp Đảng (kể cả kết nạp lại) như sau:

"3 - Thủ tục xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại)

3.1- Bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Người vào Đảng phải học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, có giấy chứng nhận do trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoặc tương đương cấp; nơi không có trung tâm bồi dưỡng chính trị thì do cấp uỷ có thẩm quyền kết nạp đảng viên cấp."

Theo đó, trường hợp này trong thời gian 36 tháng bạn sẽ được chi bộ xem xét cho đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.

Trân trọng./.

2. Thẩm tra lý lịch đối tượng kết nạp Đảng?

Thưa luật sư, tôi là đối tượng được thẩm tra lý lịch kết nạp đảng. Hiện nay, tôi có một vấn đề như sau, ông ngoại tôi quê quán ở huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định, năm 1945 (khi ông ngoại tôi mới 5 tuổi) theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên.
Hiện tại dưới Nam Định, ông tôi ko còn họ hàng, vậy tôi có phải về Nam Định để thẩm tra lý lịch của ông ngoại hay ko?
Mong luật sư phản hồi sớm! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Thẩm tra lý lịch đối tượng kết nạp Đảng ?

Luật sư tư vấn trực tiếp về thẩm tra lý lịch Đảng viên, gọi:1900.6162

Trả lời:

Căn cứ Hướng dẫn 01-HD/TW thi hành Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành:

"3 - Thủ tục xem xét kết nạp đảng viên (kể cả kết nạp lại)

3.3- Lý lịch của người vào Đảng

a) Người vào Đảng tự khai lý lịch đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.

b) Lý lịch phải được cấp uỷ cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.

3.4- Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng

a) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm :

- Người vào Đảng.

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

Như vậy, căn cứ theo điểm 3.3, 3.4 a mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW thì đối tượng là người thân cần phải thẩm tra lí lịch chỉ có cha đẻ và mẹ để, cha mẹ vợ (chồng ) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân và vợ/ chồng, con để của người vào đảng.

Về nội dung thẩm tra:

- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, thì đối chiếu trường hợp của bạn, bạn cung cấp thông tin rằng ông ngoại bạn quê quán ở huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định, năm 1945 (khi ông ngoại bạn mới 5 tuổi) theo gia đình tản cư lên Thái Nguyên. Hiện tại dưới Nam Định, ông bạn không còn họ hàng, như vậy ở đây bạn không phải về Nam Định để thẩm tra lý lịch của ông ngoại bạn, vì tại Nam Định ông bạn không còn họ hàng, và đồng thời họ hàng của ông ngoại bạn cũng không thuộc các đối tượng phải thẩm tra lý lịch để bạn có thể xin vào Đảng. Như vây, đối với ông ngoại bạn bạn có thể: ghi rõ tên, tuổi, nơi cư trú, nghề nghiệp, lịch sử chính trị của ông ngoại bạn để cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định lý lịch.

>> Xem thêm: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011

3. Khai sơ yếu lý lich trước khi kết nạp đảng?

Thưa luật sư! Tôi có vài thắc mắc xin luật giúp đỡ: 1/Từ nhỏ tôi được bà nội và người cô (chị của ba tôi) nuôi dưỡng, tôi vẩn biết họ tên cha mẹ ruột của mình nhưng mất liên lạc với mẹ đã lâu vì cha mẹ tôi ly hôn lúc tôi được vài tháng tuổi.

2/ Ba tôi kết hôn với người khác làm lại giấy khai sinh cho tôi, trong giấy tờ không là mẹ ruột tôi (khi cha tôi kết hôn vối người khác đã tách hộ ở bên vợ không sống chung với tôi)

Hỏi luật sư: Tôi phải khai lý lịch xét kết nạp đảng trong mục cha mẹ (ngươi nuôi dưỡng),ông bà nội ngoại như thế nào mới hợp lý?

Xin chân thành cảm ơn!

Khai sơ yếu lý lich trước khi kết nạp đảng ?

Luật sư tư vấn về khai lý lịch Đảng viên, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Căn cứ theo điểm 22 mục 1.3.2 phần 1.3, Hướng dẫn 09-HD/BTCTW về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng do Ban Tổ chức Trung ương ban hành về Khai và chứng nhận lý lịch của người xin vào Đảng như sau:

"22. Hoàn cảnh gia đình: Ghi rõ những người chủ yếu trong gia đình như:

- Đối với ông, bà, nội ngoại: Ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán, nơi cư trú, nghề nghiệp, lịch sử chính trị của từng người.

- Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ); cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng); vợ (hoặc chồng). Ghi rõ: họ và tên, năm sinh, nơi sinh, quê quán; nơi cư trú, nghề nghiệp, thành phần giai cấp, lịch sử chính trị của từng người qua các thời kỳ:

+ Về thành phần giai cấp: ghi rõ thành phần giai cấp trước cách mạng tháng tám năm 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954 (ở miền Bắc) hoặc trong cải tạo công, nông, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh, thành phố phía Nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản...(nếu có sự thay đổi thành phần giai cấp cần ghi rõ lý do). Nếu thành phần gia đình không được quy định ở các thời điểm nêu trên và hiện nay thì bỏ trống mục này.

+ Về lịch sử chính trị của từng người: Ghi rõ đã tham gia tổ chức cách mạng; làm công tác gì, giữ chức vụ gì? Tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái nào... của đế quốc hoặc chế độ cũ; hiện nay, những người đó làm gì? Ở đâu? Nếu đã chết thì ghi rõ lý do chết, năm nào? Tại đâu?

- Anh chị em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng); các con: Ghi rõ họ tên, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của từng người."

Như vậy, bạn nên ghi một cách đầy đủ về cả cha mẹ để và người nuôi dưỡng theo quy định trên để hoàn thành hồ sơ.

4. Cha bị kết án tử hình con có được kết nạp đảng không?

Thưa luật sư cho em hỏi. Gia đình em có bố đẻ trước bị án tử hình vậy em có được kết nạp vào Đảng không ạ? Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: N.T.K

Cha bị kết án tử hình con có được kết nạp đảng không?

Luật sư tư vấn luật về điều kiện vào Đảng, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Theo Quy định 57-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, tại điểm 2, Điều 2 đã quy định: Người vào Đảng có người thân (cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng có một trong những vấn đề về chính trị hiện nay sau đây thì không được kết nạp vào Đảng: ...

2.3. Đang làm tình báo, gián điệp hoặc làm việc cho các “trung tâm” phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch dưới mọi hình thức.

2.4. Có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.5. Đang bị cơ quan có thẩm quyền, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia; đang bị phạt tù về tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng...

Cũng về vấn đề này, điểm 2(2.5), Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện quy định nêu trên của Bộ Chính trị còn hướng dẫn cụ thể như sau:

“Tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà khung hình phạt tù được quy định với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình...

Như vậy cha bị án tử hình thì bạn sẽ không được kết nạp vào Đảng.

5. Thủ tục chuyển Đảng

a. Trình tự

Sau 12 tháng kể từ ngày được kết nạp, Đảng viên dự bị phải làm bản kiểm điểm và làm đơn đề nghị Chi bộ xem xét chuyển đảng chính thức.

BCH hoặc BTV Đoàn trường họp cho ý kiến nhận xét (Đối với đảng viên đang sinh hoạt đoàn)

Tổ Công đoàn họp cho ý kiến nhận xét (Đối với đảng viên dự bị là CB – GV đã trưởng thành đoàn).

Chi bộ họp cho ý kiến nhận xét và biểu quyết.

b. Hồ sơ xét chuyển đảng chính thức

Hồ sơ xét chuyển đảng chính thức bao gồm:

  1. Đơn xin chuyển Đảng chính thức;
  2. Bản nhận xét của đảng viên được phân công giúp đỡ
  3. Ý kiến nhận xét của BCH Công đoàn (hoặc của tổ công đoàn, có xác nhận của BCH Công đoàn cơ sở) hoặc BCH Đoàn nếu đang sinh hoạt Đoàn
  4. Bản nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú đối với đảng viên dự bị
  5. Tổng hợp ý kiến nhận xét của tổ chức Công đoàn (hoặc Đoàn thanh niên) và Chi bộ nơi đảng viên dự bị cư trú
  6. Giấy chứng nhận tốt nghiệp chương trình ly luận chính trị phổ thông (lớp bồi dưỡng đảng viên mới)
  7. Biên bản họp Chi bộ xét chuyển chính thức
  8. Nghị quyết của Chi bộ đề nghị công nhận đảng viên chính thức
  9. Nghị quyết của Đảng uỷ đề nghị công nhận Đảng viên chính thức

c. Thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng:

Để có thể chuyển sinh hoạt Đảng một cách đơn giản, dễ dàng, các bạn cần chú ý những điều sau: Hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng cần đầy đủ từ giấy giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức, thẻ đảng viên hoặc hồ sơ kết nạp của đảng viên dự bị, hồ sơ Đảng viên.... Cũng như chấp hành những yêu cầu mà Đảng bộ địa phương đưa ra, thời gian chờ đợi chuyển sinh hoạt Đảng là 1 tháng. Hồ sơ bao gồm:

- Giấy giới thiệu sinh hoạt đảng chính thức (loại 10 ô).

- Quyết định của cấp có thẩm quyền về thay đổi nơi làm việc hoặc nơi cư trú.

- Phiếu đảng viên (khi đảng viên chuyển sinh hoạt đảng ra khỏi đảng bộ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng).

- Thẻ đảng viên hoặc hồ sơ kết nạp của đảng viên dự bị.

- Hồ sơ đảng viên (có bổ sung lý lịch, quá trình công tác; mục lục hồ sơ đảng viên đến thời điểm chuyển đi)

- Bản tự kiểm điểm của đảng viên, có nhận xét của cấp ủy cơ sở nơi giới thiệu đảng viên chuyển sinh hoạt đảng đi

Trên đây là thư tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn: 1900.6162.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự - Công ty luật Minh Khuê