Công ty hợp danh hoạt động có 3 thành viên là A, B, C góp 50% số vốn và tổ chức X góp 50% vốn. Công ty muốn mời 1 chuyên gia D có kinh nghiệm cùng kinh doanh với tư cách là thành viên hợp danh. D đưa ra điều kiện để chấp nhận làm thành viên của công ty là :
- Điều kiện góp vốn là góp 5% điều kiện chia lợi nhuận là 25% lợi nhuận sau thuế của công ty
Điều kiện trách nhiệm: giới hạn trong vốn góp tương đương 5% vốn điều lệ đối với các khoản nợ phát sinh trước khi D chính thức là thành viên ( không có thỏa thuận khác cụ thể về trách nhiệm).
Công ty làm thủ tục tiếp nhận D. A, B, C thỏa thuận nhượng lại ch D 5% vốn , D được tiếp nhận vào công ty để thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong thời gian vào công ty , D có thực hiện việc tư vấn pháp lý cho 1 khách hàng( Hợp đồng có thời hạn 1 năm và được ký kết trước khi D gia nhập vào công ty 6 tháng). Hợp đồng của D đã thông báo cho Hội đồng thành viên biết khi vào công ty và không bị phản đối. khi hết hạn hợp đồng D và khách hàng gia hạn và chuyển giao cho công ty hợp danh. Tuy nhiên các thành viên còn lại lại cho rằng hành vi thực hiện hợp đồng ngoài công ty của D là trái pháp luật và đề nghị D nộp lại toàn bộ lợi ích.
Câu hỏi: tỉ lệ lợi nhuận tối đa mà D có thể đòi hỏi tại công ty là bao nhiêu? X có quyền biểu quyết không khi công ty tiếp nhận D hành vi của D và các thành viên liên quan tới hợp đồng riêng của D có phù hợp quy định của pháp luật không? tại sao? trường hợp này công ty có thể khai trừ D không?
Xin cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật doanh nghiệp của công ty Luật Minh Khuê.
Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp gọi: 1900.6162
Trả lời:
Thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH MINH KHUÊ xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Vấn đề bạn đang vướng mắc chúng tôi xin được tư vấn như sau:
I. Căn cứ pháp lý
Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13
II. Nội dung phân tích
Do thành viên công ty hợp danh là cá nhân nên A, B, C, D là thành viên hợp danh. Tổ chức X chỉ là thành viên góp vốn.
Câu hỏi 1: Tỉ lệ lợi nhuận tối đa mà D có thể đòi hỏi tại công ty là bao nhiêu?
Theo điểm e khoản 1 điều 176 Luật doanh nghiệp 2014 thì thành viên hợp danh có quyền được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty. Như vậy, cách thức xác định tỉ lệ lợi nhuận tối đa của D sẽ được Điều lệ công ty quy định. Nếu điều lệ công ty không quy định thì D chỉ được quyền hưởng lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp vào công ty, tức tương ứng với tỷ lệ 5% vốn góp.
Câu hỏi thứ 2: X có quyền biểu quyết không khi công ty tiếp nhận D
Điểm c khoản 3 điều 177 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:
a) Phương hướng phát triển công ty;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới;
Như vậy, theo quy định trên thì chỉ thành viên hợp danh mới có quyền biểu quyết về việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới nên tổ chức X không có quyền biểu quyết.
Câu hỏi thứ 3: Hành vi của D và các thành viên liên quan tới hợp đồng riêng của D có phù hợp quy định của pháp luật không? tại sao? trường hợp này công ty có thể khai trừ D không?
Điều 174 Luật doanh nghiệp 2014: Tài sản của công ty hợp danh
Tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
1. Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
2. Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
3. Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
4. Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì khoản lợi nhuận của D và khách hàng trước khi hợp đồng được chuyển giao cho công ty thì vẫn thuộc phần tài sản của D vì D thực hiện hoạt động này không nhân danh công ty. Kể từ thời điểm gia hạn hợp đồng và D chuyển giao hợp đồng đó cho công ty thì lợi nhuận thu được từ thời điểm đó mới được coi là tài sản của công ty. Do D từ khi vào công ty đã đề cập tới hợp đồng này và không bị công ty phản đối nên công ty không thể khai trừ D ra khỏi công ty.
Khoản 3 điều 180 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:Thành viên hợp danh bị khai trừ khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:
a) Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;
b) Vi phạm quy định tại Điều 175 của Luật này;
c) Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;
d) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email: Tư vấn pháp luật doanh nghiệp qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.6162. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng!
BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT DOANH NGHIỆP