Tôi đang công tác tại một công ty cổ phần A được thành lập tháng 06/2007. Công ty cổ phần A được thành lập để thực hiện đầu tư dự án X, quá trình đầu tư xây dựng dự án không thực hiện được bởi nhiều nguyên nhân. Đến nay tháng 11/2012 đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần A nhất trí giải thể công ty cổ phần A. Từ khi thành lập đến nay chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang là 10.098.961.863 đồng (số liệu đã được kiểm toán),
Tôi đang rất khó khăn khi giải quyết tổn thất của 10.098.961.863 đồng. Ngày 25/11/2012 đại hội đồng cổ đông biểu quyết nhất trí giải thể công ty, riêng phương án xử lý tổn thất đại hội đồng cổ đông chưa nhất trí: phương án đó như sau:
1. Xử lý tổn thất đối với cổ đông sáng lập:
Tại mục c, điểm 3, điều 84 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định: "Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó"
Do đó, 4 cổ đông sáng lập phải chịu tổn thất trên số vốn đã cam kết góp là.
- Công ty 1 cam kết góp 18 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 25% VĐL, thực góp 2,48 tỷ đ
- Công ty 2 cam kết góp 15 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 20,84% VĐL, thực góp 3 tỷ đ
- Công ty 3 cam kết góp 9 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 12,5% VĐL, thực góp 1,8 tỷ đ
- Công ty 4 cam kết góp 6 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 8,33 % VĐL, thực góp 0,6 tỷ đ
2. Xử lý tổn thất đối với cổ đông phổ thông:
Tại điểm 1, điều 80 Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định: Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông "Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty"
Do đó, cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm tổn thất trong phạm vi số vốn thực tế góp là: 2.724.000.000 đồng
3. Chi tiết tổn thất được phân chia như sau:
Tên cổ đông | Mức vốn cam kết đóng (CĐSL) mức vốn thực đóng (CĐ thường) | Phân chia thiệt hại |
Công ty 1 | 18.000.000.000 | 3.583.733.805 |
Công ty 2 | 9.000.000.000 | 1.791.866.903 |
Công ty 3 | 15.000.000.000 | 2.986.444.838 |
Công ty 4 | 6.000.000.000 | 1.194.577.935 |
Cổ đông thường | 2.724.000.000 | 542.338.383 |
Tổng cộng | 50.724.000.000 | 10.098.961.863 |
Rất mong các luật sư tư vấn 2 vấn đề:
Thứ nhất. đến thời điểm này 4 cổ đông sáng lập vẫn đang tồn tại để dự phiên họp ĐHĐCĐ Ngày 25/11/2012 thì họ có được coi là cổ đông sáng lập hay không, quá 3 năm kể từ khi thành lập công ty 4 cổ đông này có tự động chuyển thành cổ đông thường hay không tuy nhiên phân vốn góp của họ vẫn giữ nguyên;
Thứ hai. việc giải quyết tổn thất theo phương án trên có đúng không, nếu đúng thì sẽ xẩy ra có cổ đông sáng lập phải đóng thêm tiền để bồi thường tổn thất thì có đúng không; nếu không đúng thì xin các luật sư cho phương án đúng.
Thông tin thêm:
Công ty cổ phần A có 4 cổ đông sáng lập là pháp nhân Nhà nước và một số cổ đông thường, vốn điều lệ là 72 tỷ đồng, tài sản đầu tư dở dang là mặt bằng nhà máy nếu không thực hiện được dự án thì UBND Tỉnh Nghệ an sẽ thu hồi; nợ phải thu = không; nợ phải trả là 300 triệu đồng; các dữ kiện khác không phát sinh.
Xin cảm ơn nhiều, chờ mong tin!
Luật sư liên hệ với tôi họ tên: Phan Sỹ Hường
>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài điện thoại : 1900.6162
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình tới chuyên mục và rất hoan nghênh bạn trong việc tìm hiểu những kiến thức pháp về công ty cổ phần. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Câu hỏi thứ nhất: đến thời điểm này 4 cổ đông sáng lập vẫn đang tồn tại để dự phiên họp ĐHĐCĐ Ngày 25/11/2012 thì họ có được coi là cổ đông sáng lập hay không, quá 3 năm kể từ khi thành lập công ty 4 cổ đông này có tự động chuyển thành cổ đông thường hay không tuy nhiên phân vốn góp của họ vẫn giữ nguyên?
Theo khoản 11 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 quy định Cổ đông sáng lập (CĐSL) là cổ đông tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Khoản 5 Điều 84 LDN 2005 quy định : Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Giấy CNĐKDN), CĐSLcó quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho CĐSL khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là CĐSL nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành CĐSL của công ty.
Quy định chi tiết về CĐSL được quy định chi tiết tại Điều 23 Nghị định 102/2010/NĐ-CP (ngày 01/10/2010, hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp), theo đó:
Điều 23. Cổ đông sáng lập
1. Cổ đông sáng lập là người góp vốn cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.
2. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.
Trong trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.
3. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, số phiếu biểu quyết của cổ đông được tính theo số cổ phần phổ thông được đăng ký mua.
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cuối cùng các cổ đông quy định tại khoản 3 Điều này phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, công ty phải thông báo kết quả góp vốn cổ phần đã đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
5. Trường hợp có cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được quyền chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
c) Trường hợp cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, số cổ phần còn lại được xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 84 của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cuối cùng cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua; đồng thời, công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định tại khoản 6 Điều này.
6. Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn 90 ngày quy định tại điểm c khoản 5 Điều này.
Như vậy, áp dụng các quy định trên thì tính từ thời điểm thành lập công ty ( tháng 6/2007) đến khi phiên họp ĐHĐCĐ diễn ra( nggày 25/11/2012) thì 4 cổ đông sáng lập vẫn có thể được coi là cổ đông sáng lập hoặc cũng có thể họ không còn là cổ đông sáng lập nữa. Cụ thể:
Họ không còn là cổ đông sáng lập nếu trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Giấy CNĐKKD), CĐSL thực hiện việc tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập và điều này được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này thì người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công . Họ cũng không còn là cổ đông sáng lập trong trường hợp sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 84 thì Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và nếu trường hợp có cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua mà các cổ đông sáng lập còn lại không góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty; không có một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó nhưng lại huy động được người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó thì người nhận góp vốn đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty ( khoản 3 Điều 84 Luật doanh nghiệp 2005).
Họ vẫn là cổ đông sáng lập của công ty nếu:
Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, họ chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nhưng việc này không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Họ thực hiện đúng việc đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 84LDN.
Sau thời hạn 3 năm, kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập mà không nhất thiết cần sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Điều bạn hỏi: cổ đông sáng lập có tự nguyện chuyển thành cổ đông thường hay không sau 3 năm thành lập công ty? Xin trả lời điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của cổ đông sáng lập!
Câu hỏi thứ hai: việc giải quyết tổn thất theo phương án trên có đúng không, nếu đúng thì sẽ xẩy ra có cổ đông sáng lập phải đóng thêm tiền để bồi thường tổn thất thì có đúng không; nếu không đúng thì xin các luật sư cho phương án đúng?
Theo tôi, việc giải quyết tổn thất theo phương án trên là chưa đúng. Bởi lẽ:
Tại điểm 1, điều 80 Luật doanh nghiệp năm 2005 đã quy định: Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông "Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty"
Do đó, cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm tổn thất trong phạm vi số vốn thực tế góp là: 2.724.000.000 đồng. Việc giải quyết tổn thất đối với cổ đông phổ thông là hoàn toàn chính xác!
Nhưng việc xử lý tổn thất đối với cổ đông sáng lập là hoàn toàn chưa thỏa đáng vì:
Theo điểm c khoản 1 Điều 77 LDN 2005 quy định: “ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”. Như vậy, bản chất của công ty cổ phần là công ty đối vốn, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn thực góp chứ không phải vốn cam kết góp.
Tại mục c, điểm 3, điều 84 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định: "Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó"
Theo dữ liệu bạn đưa ra thì:
Công ty 1 cam kết góp 18 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 25% VĐL, thực góp 2,48 tỷ đ
- Công ty 2 cam kết góp 15 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 20,84% VĐL, thực góp 3 tỷ đ
- Công ty 3 cam kết góp 9 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 12,5% VĐL, thực góp 1,8 tỷ đ
- Công ty 4 cam kết góp 6 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 8,33 % VĐL, thực góp 0,6 tỷ đ
Do đó, 4 cổ đông sáng lập phải liên đới chịu tổn thất theo số vốn chưa góp đủ là (2.48+3+1.8+0.6= 7.88 tỷ) chứ không phải theo giá trị số cổ phần đã cam kết góp.
Việc xử lí tổn thất đối với 4cổ đông sáng lập sẽ được tính dựa trên căn cứ là số vốn họ đã thực góp vào công ty. Ví dụ: Công ty 2 cam kết góp 15 tỷ đồng - chiếm tỷ lệ 20,84% VĐL, thực góp 3 tỷ đ. Vậy phân chia thiệt hại đối với công ty này sẽ là: 3.000.000.000*20.84/ 66.67= 937753112.34.
Trường hợp có sự tổn thất sau khi giải thể thì cả cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông đều phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Hơn nữa, cần xem xét thêm trong Điều lệ của công ty, nếu trong Điều lệ quy định chỉ cổ đông phổ thông hoặc cổ đông sáng lập phải đóng thêm tiền để bồi thường tổn thất sau khi công ty giải thể thì phải áp dụng theo quy định đó!
Nếu bạn có gì thắc mắc, hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được luật sư tư vấn hướng dẫn nhiệt tình!
Kính chào!
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT - CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ
-----------------------------------------------------------
THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN: