Mục lục bài viết
- 1. Khái quát chung về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
- 1.1. Khái niệm "các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế"
- 1.2. Đặc điểm của các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế
- 2. Vai trò của các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế trong việc điều chỉnh các quan hệ quốc tế ngày nay.
- 2.1. Cơ sở xây dựng và là thước đo giá trị hợp pháp của mọi nguyên tắc, mọi quy phạm pháp luật quốc tế khác.
- 2.2. Căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp quốc tế và đấu tranh chống vi phạm pháp luật quốc tế
- 2.3. Công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể
- 2.4. Cơ sở pháp lý đảm bảo thực hiện có hiệu quả pháp luật quốc tế nhằm duy trì trật tự pháp lý
1. Khái quát chung về các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
1.1. Khái niệm "các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế"
Nguyên tắc cơ bản của LQT là những tư tưởng chính trị, pháp lý mang tính chỉ đạo, bao trùm, có giá trị bắt buộc chung (Jus cogens) đối với mọi chủ thể LQT. Trong LQT, các nguyên tắc cơ bản tồn tại dưới dạng những quy phạm Jus cogens được ghi nhận ở ĐƯQT và Tập quán quốc tế.
Căn cứ vào sự ra đời của các nguyên tắc, LQT chia chúng thành hai nhóm cơ bản:
- Nhóm các nguyên tắc truyền thống: Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; Nguyên tắc Pacta Sunt Servanda
- Nhóm các nguyên tắc hình thành thời kỳ LQT hiện đại: Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia, nguyên tắc quốc gia có nghĩa vụ hợp tác, nguyên tắc dân tộc tự quyết.
1.2. Đặc điểm của các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế
- Các nguyên tắc cơ bản của LQT là những quy phạm có tính mệnh lệnh bắt buộc chung (Jus cogens), có giá trị pháp lý cao nhất và bắt buộc với mọi chủ thể của LQT.
- Các nguyên tắc cơ bản của LQT mang tính bao trùm, xuyên suốt toàn bộ hệ thống quy phạm pháp lý quốc tế và pháp luật quốc gia.
- Các nguyên tắc cơ bản của LQT được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, được áp dụng trên phạm vi toàn cầu và được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế.
- Các nguyên tắc cơ bản của LQT có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, có tác động qua lại lẫn nhau về nội dung và yêu cầu thực hiện những nội dung đó.
2. Vai trò của các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế trong việc điều chỉnh các quan hệ quốc tế ngày nay.
2.1. Cơ sở xây dựng và là thước đo giá trị hợp pháp của mọi nguyên tắc, mọi quy phạm pháp luật quốc tế khác.
Các nguyên tắc cơ bản của LQT có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc tế. Bởi:
Thứ nhất, xuất phát từ lý luận, những nguyên tắc này là những quy phạm "thể hiện một cách tập trung tư tưởng, quan điểm chính trị - pháp lý và cách xử sự của các quốc gia trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của đời sống quốc tế". Đó là sự thỏa thuận ý chí chung và có sự thống nhất của tất cả các chủ thể của LQT (sau đây gọi là chủ thể), nên những nguyên tắc này có tính mệnh lệnh bắt buộc chung. Nếu có bất kỳ ĐƯQT hay TQQT nào hình thành mà có nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản của LQT thì đều không có giá trị pháp lý. Vì thế, trong quá trình xây dựng LQT, các chủ thể đều phải dựa trên các nguyên tắc này làm cơ sở để không phát sinh xung đột, mâu thuẫn giữa các quy phạm LQT sau đối với các quy phạm LQT trước trong hệ thống pháp luật quốc tế.
Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn, mục đích chung của tất cả các quốc gia đều là một nền hòa bình để ổn định, hợp tác và phát triển. Nhìn vào thực tế, có thể thấy đời sống quốc tế luôn có sự thay đổi, làm phát sinh rất nhiều những vấn đề mới mà có thể chưa có quy phạm LQT cụ thể nào để điều chỉnh. Khi đó, việc dựa trên các khuôn mẫu đã có sẵn là những nguyên tắc cơ bản của LQT để xây dựng, bổ sung những lỗ hổng của pháp luật quốc tế là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, các nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế còn là thước đo giá trị hợp pháp của mọi nguyên tắc, mọi quy phạm pháp luật quốc tế khác. Xuất phát từ các đặc điểm của các nguyên tắc cơ bản của LQT, các quy phạm LQT sẽ không có giá trị pháp lý nếu nội dung của chúng trái với các nguyên tắc cơ bản của LQT, vì bản thân các nguyên tắc này có tính Jus cogens, buộc các chủ thể đều phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong mọi hoàn cảnh, mọi quan hệ quốc tế. Đồng thời, căn cứ vào các nguyên tắc cơ bản đó, các chủ thể có thể xác định hay thực thi các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quốc tế quy định, tiến hành các hoạt động mà LQT cho phép. Hay nói tóm lại, các nguyên tắc cơ bản của LQT là “cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các chủ thể giải thích và áp dụng luật quốc tế, đồng thời giới hạn ý chí và quyền tự quyết của các chủ thể luật quốc tế.”
2.2. Căn cứ pháp lý để giải quyết các tranh chấp quốc tế và đấu tranh chống vi phạm pháp luật quốc tế
Các nguyên tắc cơ bản của LQT có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Thứ nhất, một nguyên tắc, quy định muốn trở thành căn cứ pháp luật quốc tế để giải quyết tranh chấp quốc tế, điều chỉnh mọi mối quan hệ quốc tế trong mọi lĩnh vực, mọi chủ thể thì trước hết phải được xây dựng trên cơ sở khách quan thực tiễn quan hệ pháp luật quốc tế, phải được biết đến một cách rộng rãi trên thế giới. Trong khi tính phổ cập được thừa nhận rộng rãi và được áp dụng trên phạm vi toàn cầu là một đặc trưng của các nguyên tắc cơ bản của LQT.
Tính jus cogens cũng là hai yếu tố giúp cho các nguyên tắc cơ bản của LQT trở thành cơ sở giải quyết tranh chấp quốc tế. Khi mà các tranh chấp quốc tế có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng dù ở lĩnh vực nào thì pháp luật của lĩnh vực ấy cũng phải có nội dung tuân theo các nguyên tắc cơ bản – biểu hiện của tính mệnh lệnh bắt buộc chung. Do đó, có thể nói căn cứ để giải quyết tranh chấp quốc tế dựa trên những nguyên tắc cơ bản của LQT.
Thứ hai, các nguyên tắc cơ bản của LQT giúp các chủ thể xác định phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật quốc tế. Các chủ thể phải triệt để tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, phải lấy chúng làm căn cứ pháp lý, làm cơ sở, khuôn mẫu trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của mình. Các phương thức giải quyết tranh chấp đã được LHQ quy định cụ thể tại Điều 33 Hiến chương LHQ năm 1945.
2.3. Công cụ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể
Các nguyên tắc cơ bản là công cụ sắc bén trong việc thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bất kỳ chủ thể nào. Vì bản chất nó là sự thỏa thuận giữa các bên, nên khi thỏa thuận, các bên cũng cân nhắc đến lợi ích của mình. Khi có hành vi trái với các thỏa thuận đấy, trái với các quy định của pháp luật quốc tế, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, thì dựa trên việc các bên đã thỏa thuận, ghi nhận các nguyên tắc cơ bản của LQT, các chủ thể hoàn toàn có thể căn cứ vào đó để làm căn cứ pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Nó còn được thể hiện thông qua việc các quyền, lợi ích của các chủ thể được đảm bảo thông qua cơ chế của LHQ, Hội đồng bảo an hay Tòa án quốc tế.
2.4. Cơ sở pháp lý đảm bảo thực hiện có hiệu quả pháp luật quốc tế nhằm duy trì trật tự pháp lý
Các nguyên tắc cơ bản của LQT có vai trò trong việc đảm bảo thực hiện có hiệu quả pháp luật quốc tế cũng xuất phát từ đặc điểm các nguyên tắc cơ bản có tính Jus cogens, có ý nghĩa bắt buộc đối với mọi chủ thể phải tuyệt đối tuân theo.
Các nguyên tắc cơ bản của LQT đưa ra những định hướng cơ bản, vạch ra những khuôn khổ xử sự chung cho các chủ thể thực hiện khi tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế.
(i) Các chủ thể là thành viên, trên cơ sở kí kết các điều ước một cách tự nguyện, bình đẳng, phải thực hiên các quyền và nghĩa vụ theo cam kết và nội dung thỏa thuận một cách tốt nhất, trong khả năng của mình.
(ii) Các sự kiện khách quan trong và ngoài nước như: thay đổi chính phủ, thay đổi chế độ xã hội, biểu tình, thiên tai, thay đổi lãnh thổ,… không làm ảnh hưởng hay trì hoãn việc thực hiện các điều ước mà các quốc gia đã ký kết.
(iii) Các quốc gia thành viên ĐƯQT không được viện dẫn các quy định của pháp luật trong nước để coi đó là nguyên nhân và từ chối thực hiện nhiệm vụ của mình.
(iv) Các quốc gia không được ký kết ĐƯQT mâu thuẫn với nghĩa vụ của mình được quy định trong ĐƯQT hiện hành mà quốc gia đã tham gia trước đó với các quốc gia khác.
(iv) Không cho phép các quốc gia đơn phương ngừng thực hiện, xem xét lại ĐƯQT mà không có thỏa thuận.
(v) Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao hay quan hệ lãnh sự giữa các nước thành viên của ĐƯQT không làm ảnh hưởng đến các quan hệ pháp lý phát sinh giữa các quốc gia này, trừ trường hợp quan hệ ngoại giao này là cần thiết cho thực hiện điều ước. Như vậy, nguyên tắc Pacta sunt servanda ở đây đã có vai trò trong việc định hướng, tạo ra khuôn khổ đối với các quốc gia nhằm mục đích để các quy phạm pháp luật quốc tế được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Có thể thấy, khi pháp luật quốc tế được thực hiện có hiệu quả thì trật tự pháp lý quốc tế cũng được duy trì ổn định, hòa bình. Nó có thể phát sinh theo chiều hướng tốt, phù hợp với mục tiêu cùng hợp tác cùng phát triển vì mục đích nhân loại của luật pháp quốc tế; nhưng cũng có thể phát sinh theo chiều hướng ngược lại, làm phát sinh các tranh chấp khó có thể giải quyết được bằng các biện pháp hòa bình giữa các chủ thể, làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh thế giới. Chính vì thế vai trò của các nguyên tắc cơ bản càng quan trọng hơn khi nó vừa có hiệu lực pháp lý ràng buộc đối với các chủ thể vừa có khả năng giới hạn ý chí và quyền tự quyết của họ, để đảm bảo nên trật tự pháp lý quốc tế luôn được duy trì ổn định, hòa bình.