Mục lục bài viết
Căn cứ theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Quy định như sau:
Theo Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định: Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm hành chính nêu trên là mức phạt đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.
Luật Minh Khuê phân tích chi tiết quy định pháp lý trên:
1. Quy định của pháp luật về thông tin cá nhân.
- Theo quy định tại khoản 15 Điều 3 của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 thì Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể.
- Thông tin cá nhân được hiểu là các thông tin có liên quan đến cá nhân để có thể phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Các thông tin cá nhân có thể bao gồm các thông tin cơ bản và các thông tin, bí mật của cá nhân đó, có thể bao gồm các thông tin sau đây:
+ Họ và tên;
+ Nghề nghiệp;
+ Chức vụ, chức danh;
+ Địa chỉ liên hệ;
+ Số điện thoại;
+ Số chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu.
Các thông tin thuộc bí mật cá nhân ví dụ như các thông tin về đời sống riêng tư, hồ sơ, bệnh án, các thông tin về thuế, thông tin về tài khoản ngân hàng, ...
- Thông tin cá nhân theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các thông tin liên quan đến cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Và việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Đối với trường hợp thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình thì phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp có quy định khác.
- Hiện nay vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên môi trường không gian mạng là hết sức đáng lo ngại. Chính về thế theo quy định tại Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 có quy định các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng như sau:
+ Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với thông tin do mình xử lý.
+ Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân phải xây dựng và công bố công khai biện pháp xử lý, bảo vệ thông tin cá nhân của tổ chức, cá nhân mình.
+ Việc bảo vệ thông tin cá nhân thực hiện theo quy định của luật và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Việc xử lý thông tin cá nhân phục vụ mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc không nhằm mục đích thương mại được thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Quy định về việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
+ Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm sau đây:
- Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
- Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
- Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập.
+ Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ.
- Về cơ bản các thông tin cá nhân sẽ gắn chặt với quyền, lợi ích và thậm chí là nghĩa vụ của cá nhân đó. Các thông tin cá nhân có thể phục vụ cho rất nhiều mục đích như đối với cơ quan nhà nước thì sử dụng các thông tin này với mục đích quản lý, đối với các doanh nghiệp thì muốn khai thác thông tin của cá nhân với mục đích tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng có thể khai thác quy đổi ra lợi nhuận. Chính vì việc thông tin cá nhân có rất nhiều lợi ích như thế nên việc khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân là khao khát của rất nhiều cơ quan, tổ chức trong đó có cả các cá nhân, tổ chức nhằm mục đích xấu, xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của những người chủ thông tin cá nhân đó. Do đó việc quy định của pháp luật về bảo mật thông tin cá nhân là cần thiết và hợp lý và chắc chắn là không một cá nhân nào muốn thông tin cá nhân của mình bị lộ, lọt hoặc rơi vào tay của người khác với mục đích không chính đáng và trái quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về việc xử lý vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân.
- Hiện nay theo quy định của pháp luật thì việc thu thập xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Và theo quy định tại Điều 84 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
- Theo đó việc tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
+ Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngững cung cấp.
(Căn cứ theo khoản 1 Điều 84 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Sử dụng không đúng mục đích thoogn tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
+ Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;
+ Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
(Căn cứ theo khoản 2 Điều 84 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP và khoản 30 Điều 1 của Nghị định 14/2022/NĐ-CP)
Lưu ý các mức phạt tiền theo quy định trên đây là mức phạt tiền áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định về việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân là mức phạt của tổ chức. Còn đối với trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức, căn cứ theo khoản 3 Điều 4 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo các quy định trên thì tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều 84 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Như vậy trường hợp thu thập và sử dụng thông tin cá nhân thì tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cần lưu ý một số vấn đề sau:
+ Thứ nhất, thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với đối tượng được thu thập thông tin cá nhân về mục đích hoạt động thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
+ Thứ hai, sử dụng thông tin cá nhân phù hợp với mục đích đã thông báo trước và phải được sự đồng ý.
+ Thứ ba, đảm bảo an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
+ Thứ tư, có các biện pháp để giúp cho chủ thông tin cá nhân có thể cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác.
+ Cuối cùng là phối hợp với chủ thông tin cá nhân và cơ quan chức năng để giải quyết tranh chấp hoặc các vấn đề phát sinh về thu thập và sử dụng thông tin cá nhân.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi, mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng liên hệ số Hotline 1900.6162. Xin chân thành cảm ơn.