1. Thực trạng nguồn nhân lực ngành y tế hiện nay

Thời gian vừa qua, tình hình đại dịch COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực y tế luôn trong tình trạng quá tải. Tình hình dịch bệnh trở thành những áp lực rất lớn đối với đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Công việc ngày càng tăng mà mức lương và những chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ y tế chưa tương xứng với công sức của họ. Hiện nay, tình trạng bác sĩ, đội ngủ y tế nghỉ việc ở bệnh viện công lập để đến làm việc tại bệnh viện tư ngày càng phổ biến. Thậm chí đây được xem như là một "làm sóng" trong lĩnh vực y tế. 

Theo báo cáo của Công đoàn y tế Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc; trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các sở y tế các tỉnh, thành phố trưc thuộc trung ương và 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ y tế. 

Các tỉnh thành có số cán bộ y tế nghỉ việc cao nhất có thể kể đến:

1. Thành phố Hồ Chí Minh với 874 viên chức y tế nghỉ việc;

2. Thành phố Hà Nội với 360 viên chức y tế nghỉ việc;

3. Tỉnh Đồng Nai với 360 viên chức y tế nghỉ việc;

4. Tỉnh Bình Dương với 166 viên chức y tế nghỉ việc;

5. Tỉnh An Giang với 146 viên chức y tế nghỉ việc;

6 Thành phố Đà Nẵng với 127 viên chức y tế nghỉ việc;

7. Thành phố Cần Thơ với 111 viên chức y tế nghỉ việc.

 

2. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc?

2.1. Thu nhập thấp

Theo quy định của Luật Viên chức năm 2010 quyền lợi về tiền lương của viên chức làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập bao gồm:

Thứ nhất: Được trả lương tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả thực hiện công việc và nhiệm vụ được giao; được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi trong trường hơp làm viêc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoăc làm việc trong các ngành nghề có môi trường độc hại, nguy hiểm, lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

Thứ hai: Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy điịnh của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba: Được hưởng tiền thưởng, được xét nâng lương theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Mức lương của bác sĩ được quy định tại thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV, theo đó bác sĩ mới ra trường sẽ có hệ số lương là 2,34, sau 3 năm sẽ được xét tăng lương một lần lên 0,33. Tối đa đối với bác sĩ sẽ có 9 lần tăng bậc lương tức là ở hệ số 4,98.

Ngoài ra đối với thạc sĩ, bác sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00. 

Lương của bác sĩ hiện tại sẽ bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở. Như vậy, hiện tại mức lương cơ sở đối với bác sĩ là 1.490.000 đồng. Với bác sĩ mới ra trường mức lương của họ là 2,34 x 1.4900.000 = 3.486.000 đồng. Ngoài ra, ưu đãi nghề 40% sẽ nâng mức lương này lên 4.881.240 đồng. 

So với cường độ công việc thời gian vừa qua mức lương trên thực sự chưa tương xứng với công sức của các y, bác sĩ và nhân viên y tế. Mức lương này chỉ đảm bảo một phần cho cuộc sống của họ, tuy nhiên chưa đủ để thanh toán cho tất cả các chi phí còn lại khi giá cả, lạm phát ngày càng leo thang. Việc y, bác sĩ, nhân viên y tế có làm thêm tại một số cơ sở y tế tư nhân đã không còn là vấn đề mới hiện nay, nhưng việc y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc với số lượng lớn như hiện nay là một thực trạng nan giải. Do tình hình dịch bệnh COVID-19, năm vừa qua nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện tư giảm so với những năm trước. Nhiều bệnh viện còn có thực trạng nợ lương của cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế. Ngoài các chế độ đãi ngộ của đơn vị sự nghiệp công lập còn chưa đủ để cầm chân các y, bác sĩ, nhân viên y tế thì còn một số những nguyên nhân khác dưới đây.

 

2.2. Áp lực công việc ngày càng lớn

Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cường độ làm việc của các y, bác sĩ, nhân viên y tế luôn ở mức cao. Tình hình dịch bệnh năm vừa qua không chỉ gây áp lực lớn đến kinh tế - xã hội mà còn tác động trưc tiếp vào hệ thống y tế. Có rất nhiều trường hợp y, bác sĩ, nhân viên y tế trong khi dịch bệnh bùng phát phải xa gia đình vài tháng đến nửa năm. Áp lực công việc, gánh nặng về gia đình là những giọt nước tràn ly dẫn đến tình trạng hàng loạt y, bác sĩ, nhân viên y tế rời bỏ đơn vị sự nghiệp công lập đến làm việc ở các bệnh viện tư nhân. 

 

2.3. Môi trường làm việc nguy hiểm

Y tế là một trong những ngành nghề dễ gặp phải những bệnh truyền nhiễm, nghề nghiệp do thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh tật. Theo đại diện Công đoàn y tế Việt Nam trong hơn hai năm chống dịch, đã có 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên) tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, còn có hơn 3.200 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19. Thường những ca bệnh nguy hiểm, bệnh nhân sẽ lựa chọn những bệnh viện trung ương, tuyến đầu thay vì những bệnh viện tư nhân, do đó, môi trường làm việc trong các bệnh viện công lập sẽ áp lực và nhiều rủi ro hơn trong khi mức lương của y, bác sĩ tại đây chưa phù hợp với những khó khăn, nguy hiểm mà họ phải chải qua. 

Ngoài ra, hiện nay những vụ việc vi phạm pháp luật về đấu thầu mua sắm thuốc, tranh thiết bị, vật tư y tế ngày càng gia tăng. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến tâm lý, môi trường làm việc của các nhân viên y tế.

Ngoài những áp lực nêu trên, môi trường, điều kiện làm việc thường xuyên phải xa nhà đến những vùng dịch nguy hiểm, vùng sâu vùng xa trong khoảng thời gian dài gây áp lực lớn đến tâm lý của các y, bác sĩ, điều đó làm giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp. 

 

2.4. Sự phát triển của các bệnh viện tư nhân

Hiện nay, hệ thống các bệnh viện tư nhân phát triển mạnh mẽ chưa kể đến các phòng khám đa khoa tư nhân tại các địa phương trên cả nước ngày càng nhiểu. Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân này có dịch vụ tốt, cơ sở vật chất hiện đại không hề thua kém nhiều bệnh viện công lập. Chế độ đãi ngộ ở những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân lớn hơn nhiều so với các bệnh viện công lập, ngoài ra chính sách thu hút của các cơ sở này cũng ở mức cao. Đa phần nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân áp dụng thời gian làm việc và chính sách trả lương linh hoạt, do đó các y, bác sĩ có thể chủ động được thời gian mà không bị áp lực bởi cường độ làm việc như ở các bệnh viện công. Các bệnh viện tư cũng ít gặp phải tình trạng quá tải bệnh nhân, vì đa phần họ giới hạn số bệnh nhân để đảm bảo tốt nhất cho dịch vụ khám chữa bệnh. Theo đó, mật độ bệnh nhân thấp hạn chế những rủi ro nghề nghiệp cho bác sĩ. 

Kết: Từ những nguyên nhân, thực trạng trên đòi hỏi ngành y tế cần phải thay đổi nhiểu chính sách phù hợp nhằm giữ chân các y, bác sĩ, tạo điều kiện cho họ cống hiến, gắn bó với nghề. Trong đó, quan trọng nhất là việc cải thiện thủ tục hành chính về khám chữa bệnh, thay đổi quy chế tiền lương phù hợp với công sức lao động, cải thiện môi trường làm việc bằng cách đầu tư, kiểm soát việc mua sắm các trang thiết bị y tế, đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động.