1. Vì sao đất giữ được nước và chất dinh dưỡng?

Trả lời: Đất giữ được nước và chất dinh dưỡng là nhờ các hạt cát, limon, sét và chất mùn có trong đất. Đất chứa nhiều hạt có kích thước bé, đất càng chứa nhiều mùn thì khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng của đất càng tốt.

 

2. Một số kiến thức liên quan:

2.1. Đất trồng là gì?

Đất trồng là lớp bề mặt tơi xốp của vỏ Trái Đất, trên đó thực vật có khả năng sinh sống và sản xuất ra sản phẩm. Đất trồng là sản phẩm biến đổi của đá dưới tác động của các yếu tố khí hậu, sinh vật và con người. Đất trồng khác với đá là đất trồng có độ phì nhiêu.

Đất có vai trò đặc biệt đối với đời sống cây trồng vì đất là môi trường cung cấp nước, chất dinh dưỡng, oxi cho cây và giữ cho cây đứng vững.

 

2.2. Thành phần của đất trồng

Thành phần của đất trồng bao gồm phần khí, phần rắn và phần lỏng. Trong đó phần rắn bao gồm chất vô cơ và chất hữu cơ.

- Phần khí chính là không khí có ở trong các khe hở của đất. Không khí trong đất cũng chứa ni-tơ, oxi, cacbonic như không khí trong khí quyển. Tuy nhiên, lượng oxi trong đất ít hơn lượng oxi trong khí quyển, còn lượng khí cacbonic thì lớn hơn lượng khí cacbonic trong khí quyền tới hàng trăm lần.

- Phần rắn của đất bao gồm thành phần vô cơ và thành phần hữu cơ

+ Thành phần vô cơ chiếm từ 92 - 98% khối lượng phần rắn, trong đó có chứa các chất dinh dưỡng như ni-tơ, photpho, kali...

+ Thành phần hữu cơ của đất bao gồm các sinh viên sống trong đất và xác động vật, thực vật, vi sinh vật đã chết. Dước tác động của vi sinh vật, xác động vật, thực vật bị phân hủy thành các chất hữu cơ đơn giản và chất khoáng. Các sản phẩm phân hủy này là thức ăn cho cây trồng và là nguyên liệu để tổng hợp thành chất mùn. Mùn chính là chất làm cho đất có những tính chất tốt. Đất nhiều mùn là đất tốt.

- Phần lỏng chính là nước trong đất. Nước trong đất có tác dụng hòa tan các chất dinh dưỡng.

 

2.3. Thành phần cơ giới của đất

Phần rắn của đất được hình thành từ thành phần vô cơ và thành phần hữu cơ. Phần vô cơ bao gồm các cấp hạt có đường kính khác nhau: hạt cất (từ 0,05 mm - 2 mm), limon (bột, bụi) (từ 0,002 - 0,05 mm) và sét (nhỏ hơn 0,002 mm). Tỉ lệ phần trăm (%) của các hạt cát, limon và sét trong đất tạo nên thành phần cơ giới của đất. Căn cứ vào tỉ lệ các loại hạt trong đất người ta chia đất làm 3 loại chính: đất cát, đất thịt và đất sét. Giữa các loại đất này còn có các loại đất trung gian (Ví dụ: Đất cát pha, đất thịt nhẹ...)

Các xác định thành phần cơ giới của đất đơn giản nhất:

Bước 1: Lấy một ít đất bằng viên bi cho vào lòng bàn tay

Bước 2: Nhỏ vài giọt nước cho đủ ẩm (khi cảm thấy mát tay, nặn thấy dẻo là được)

Bước 3: Dùng hai bàn tay vê đất thành thỏi có đường kính khoảng 3 mm.

Bước 4: Uốn thỏi đất thành vòng tròn có đường kính khoảng 3 cm.

Quan sát đối chiếu với chuẩn phân cấp đất ở bảng dưới đây:

Trạng thái đất sau khi vê Loại đất
Không vê được Đất cát
Chỉ vê được thành viên rời rạc Đất cát pha
Vê được thành thỏi nhưng đứt đoạn Đất thịt nhẹ
Vê được thành thỏi nhưng khi uốn bị đứt đoạn Đất thịt trung bình
Vê được thành thỏi nhưng khi uốn có vết nứt Đất thịt nặng
Vê được thành thỏi, khi uốn không có vết nứt Đất sét

 

 

2.4. Độ chua, độ kiềm của đất

Độ chua, độ kiềm của đất được đo bằng độ pH. Trị số pH dao động từ 0 - 14. Đất thường có trị số pH từ 3 - 9. Căn cứ vào trị số pH người ta chia đất thành: đất chua (ph < 6,5), đất trung tính (pH = 6,6 - 7,5) và đất kiềm (pH > 7,5). Người ta xác định đất chua, đất kiềm và đất trung tính để có kế hoạch sử dụng và cải tạo).

- Đối với đất chua: Loại đất này có tính axit cao, bên cạnh đó những vi chất như Al hay Mn hoặc ion có nồng độ tăng cao. Đất chua gây ra nhiều vấn đề và ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển của cây trồng, không chỉ vậy sinh vật cũng khó có thể sinh sôi và hoạt động trong môi trường đất này. Các biện pháp sử dụng và cải tạo đất chua được áp dụng nhiều là:

+ Bón phân giúp cung cấp dunh dưỡng cho cây trồng và củng cố tác dụng hạ độc phèn

+ Sử dụng hữu cơ đã hoai mục và qua xử lý để bón cho đất giúp tạo độ tơi xốp

+ Bón vôi giúp cải thiện được tính axit trong đất, từ đó nâng cao hơn nữa độ pH.

- Đất trung tính: Đây là loại đất phù hợp để canh tác hầu hết các loại cây trồng trừ một số loại cây ưa vôi. Loại đất này không cần tác động cải tạo quá nhiều mà chỉ cần chú ý sử dụng đất hợp lý để duy trì trạng thái cân đối giữa lượng vô cơ và hữu cơ để đất có được trạng thái lý tưởng nhất.

- Đất kiềm: Loại đất này có tính kiềm chỉ thích hợp để trồng một số loại cây họ đậu. Lúc này, đất bị giảm khả năng hòa tan Fe, Mn nên gây ra mất cân bằng ảnh hưởng tiêu cực đất một số bộ phận của cây trồng. Để sử dụng và cải tạo loại đất này, người ta thường bổ sung một số nguyên tố gây axit cần thiết như sắt sunfat, lưu huỳnh... để giảm nồng độ pH có trong đất, tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho cây trồng.

 

2.5. Độ phì nhiêu của đất

Độ phì nhiêu của đất là khả năng của đất cung cấp đủ nước, oxi và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng bảo đảm năng suất cao, đồng thời không chứa các chất có hại cho cây.

Độ phì nhiêu của đất là một trong những yếu tố quyết định năng suất cây trồng. Muốn cây trồng có năng suất cao, ngoài độ phì nhiêu của đất còn cần phải có thêm các điều kiện như giống tốt, chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi.

 

3. Một số câu hỏi thường gặp khác

Câu hỏi 1: Loại đất nào sau đây giữ nước và chất dinh dưỡng kém nhất?

A. Đất cát

B. Đất thịt nặng

C. Đất thịt nhẹ

D. Đất cát pha

Trả lời: Đáp án đúng là A. Đất cát

Giải thích: Đất cát giữ nước và chất dinh dưỡng kém nhất do đất cát có các hạt lớn (đường kính các hạt lớn nhất từ 0,05 - 2 mm) và chứa ít chất mùn.

Câu hỏi 2: Loại đất nào sau đây giữ nước tốt?

A. Đất cát

B. Đất sét

C. Đất thịt nặng

D. Đất thịt

Trả lời: Đáp án đúng là B. Đất sét

Giải thích: Đất sét giữ nước tốt là vì đất sét có chứa nhiều hạt có kích thước bé (đường kính hạt nhỏ hơn 0,002 mm) và chứa nhiều mùn.

Câu hỏi 3: Yếu tố nào sau đây quyết định thành phần cơ giới của đất?

A. Thành phần hữu cơ và thành phần vô cơ

B. Khả năng giữ nước và dinh dưỡng

C. Thành phần vô cơ

D. Tỉ lệ các hạt cát, limon, sét có trong đất

Trả lời: Đáp án đúng là D. Tỉ lệ các hạt cát, limon, sét có trong đất

Giải thích: Tỉ lệ phần trăm của các hạt cát, limon, sét có trong đất tạo nên thành phần cơ giới của đất. Hay nói cách khác, yếu tố quyết định thành phần cơ giới của đất là tỉ lệ các hạt cát, limon và sét có trong đất.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê về đề tài Vì sao đất giữ được nước và chất dinh dưỡng?. Hy vọng với những nội dung trên đây đã giải đáp được thắc mắc của các bạn và cung cấp thêm cho các bạn những thông tin bổ ích liên quan đến đất trồng.