Mục lục bài viết
1. Vị trí và chức năng của Bộ Tài chính
Vị trí và chức năng của Bộ Tài chính được quy định tại Điều 1 Nghị định 87/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Cụ thể:
Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Theo đó, với vị trí và chức năng này, Bộ Tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong quản lý nhà nước lĩnh vực tài chính nói riêng, trong công tác điều hành bộ máy nhà nước nói chung. Vì vậy, pháp luật hiện hành trao cho Bộ Tài chính các nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý chung với vai trò là một Bộ như các Bộ khác trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý các lĩnh vực cụ thể trong phạm vi của mình như: quản lý ngân sách nhà nước, quản lý thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, quản lý quỹ ngân sách, quỹ dự trữ tài chính nhà nước và các quỹ tài chính khác của Nhà nước, quản lý dự trữ quốc gia, quản lý tài sản nhà nước, công tác kiểm tra, thanh tra,...
2. Vị trí và chức năng của thanh tra – Bộ Tài Chính
Theo Quyết định số 2088/QĐ – BTC ngày 16/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính và chịu sự chỉ đạo về công tác, hướng dẫn về nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Bộ Tài chính có con dấu riêng, tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của thanh tra – Bộ Tài Chính
Ngày 16/10/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2088/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính. Theo đó, Thanh tra Bộ Tài chính là đơn vị Thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý thống nhất, toàn diện công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao, cụ thể: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong đó, về thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn kế hoạch thanh tra ngành Tài chính. Đồng thời xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra của Thanh tra Bộ Tài chính; tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; tổng hợp trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt Kế hoạch thanh tra của các Tổng cục và Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính; Thanh tra vụ việc khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tài chính và của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính; Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Tổng cục trưởng các Tổng cục và Cục trưởng Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Quyết định thanh tra lại những vụ việc thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính đã được Tổng cục trưởng các Tổng cục, Cục trưởng Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao. Đồng thời, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của các Tổng cục và Cục thuộc Bộ Tài chính được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với các Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Sở Tài chính; hướng dẫn, kiểm tra cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra. Bên cạnh đó, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ, hoặc hủy bỏ những quy định trái với văn bản quy phạm pháp luật, hoặc kiến nghị việc sửa đổi bổ sung các chế độ, chính sách không còn phù hợp được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra kiểm tra tài chính.
Chủ trì phân công, theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý về tài chính của các cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra; phối hợp với Kho bạc Nhà nước trong quyết toán ngân sách liên quan đến xử lý kết luận của cơ quan Thanh tra, Cảnh sát điều tra; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, xác mnh và đôn đốc tổng hợp, báo cáo việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật; Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Bộ.
Qua đó, giúp Bộ Trưởng Bộ Tài chính tổ chức công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định; Triển khai công tác phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật; Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung trong phạm vi cả nước trình Chính phủ; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, tổ chức nghiên cứu khoa học, hợp tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, theo đó nhiệm vụ cụ thể của các phòng do Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quy định và phân công nhiệm vụ cho công chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và năng lực chuyên môn để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Về cơ cấu tổ chức của thanh tra – Bộ Tài Chính
Thanh tra Bộ Tài chính có 11 phòng, gồm:
1. Phòng Kế hoạch – Tổng hợp;
2. Phòng Quản lý các vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân (gọi tắt là Phòng Khiếu tố);
3. Phòng Thanh tra ngân sách (gọi tắt là Phòng Thanh Tra 1);
4. Phòng Thanh tra vốn đầu tư xây dựng (gọi tắt là Phòng Thanh tra 2);
5. Phòng Thanh tra tài chính các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (gọi tắt là Phòng Thanh tra 3);
6. Phòng Thanh tra tài chính doanh nghiệp (gọi tắt là Phòng Thanh tra 4);
7. Phòng Thanh tra giá và các Quỹ tài chính (gọi tắt là Phòng Thanh tra 5);
8. Phòng Thanh tra chấp hành pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng (gọi tắt là Phòng Thanh tra 6);
9. Phòng Thanh tra Hành chính (gọi tắt là Phòng Thanh tra 7);
10. Phòng Xử lý sau thanh tra;
11. Phòng Thanh tra đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là Phòng Thanh tra 8).
5. Vai trò của thanh tra Bộ Tài Chính
5.1. Thanh tra chuyên ngành
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính và các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính triển khai công tác thanh tra công tác quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn thu phí, lệ phí và các nguồn thu sự nghiệp khác. Đồng thời, tập trung thanh tra bộ, ngành, địa phương có nguồn thu và sử dụng NSNN lớn, có cơ chế tài chính đặc thù.
Bên cạnh đó, tập trung thanh tra công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng đối với các bộ, ngành, địa phương, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án đầu tư được nhà nước quyết định đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư có liên quan đến công tác an sinh xã hội.
Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán và chấp hành nghĩa vụ với NSNN đối với các doanh nghiệp có quy mô hoạt động và số thu lớn do Chính phủ, bộ, ngành và địa phương quản lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu theo quy định của Chính phủ, nhằm đánh giá tình hình tài chính, việc bảo toàn và phát triển vốn, đầu tư mua sắm tài sản của doanh nghiệp và việc đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác, phát hiện nguồn thu cho NSNN...
Văn bản số 12997/BTC-BTC-TTr nêu rõ, các cơ quan thanh tra chuyên ngành cần tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá và thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, các mặt hàng trong danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và kê khai giá theo quy định của Luật giá; thanh tra công tác quản lý tài chính các quỹ tài chính ngoài NSNN của Trung ương và các địa phương.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại một số bộ ngành, địa phương.
5.2. Thanh tra hành chính
Đối với công tác thanh tra hành chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính và các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chính sách pháp luật và việc thực thi trách nhiệm theo thẩm quyền.
Đồng thời, tập trung thanh tra công tác quản lý thuế, hải quan nhằm chống thất thu NSNN, gian lận thương mại.
Thanh tra việc xây dựng, thực hiện các quy trình, quy chế tài chính; công tác quản lý tài chính nội bộ; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên, mua sắm, đầu tư xây dựng; công tác quản lý và sử dụng cán bộ.
Bên cạnh đó, triển khai thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch của Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.