1. Quy định chung về các Hiến pháp qua từng thời kỳ

Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013.

Theo Điều 119 Hiến pháp 2013, Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

1.1 Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946

Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1946 được quy định từ Điều 1 đến Điều 70 gồm: Chính thể; Nghĩa vụ và quyền lợi công dân; Nghị viện nhân dân; Chính phủ;  Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính; Cơ quan tư pháp; Sửa đổi Hiến pháp

 

1.2 Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1959

Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1980 được quy định từ Điều 1 đến Điều 112 gồm: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Chế độ kinh tế và xã hội; Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quốc hội; Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Hội đồng chính phủ; Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính địa phương các cấp;  Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các khu tự trị; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân Tòa án nhân dân; Quốc kỳ, quốc huy, thủ đôỉ, Sửa đổi hiến pháp

 

1.3 Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1980

Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1980 được quy định từ Điều 1 đến Điều 147 gồm: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chế độ chính trị; Chế độ kinh tế; Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật; Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quốc hội; Hội đồng nhà nước; Hội đồng bộ trưởng; Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đôỉ ;Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.

 

1.4 Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992

Nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992 được quy định từ Điều 1 đến Điều 147 gồm: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chế độ chính trị; Chế độ kinh tế; Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; Bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân; Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô, ngày quốc khánh; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp.

 

1.5 Nội dung cơ bản của Hiến pháp 2013

Nội dung cơ bản của Hiến pháp 2013 được quy định từ Điều 1 đến Điều 120 gồm: Chế độ chính trị: Điều 1 - Điều 13; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Điều 14 - Điều 49; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường: Điều 50 - Điều 63; Bảo vệ tổ quốc: Điều 64 - Điều 68; Quốc hội: Điều 69 - Điều 85; Chủ tịch nước: Điều 86 - Điều 93; Chính phủ: Điều 94 - Điều 101; Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân: Điều 102 - Điều 109; Chính quyền địa phương: Điều 110 - Điều 116; Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước: Điều 117 - Điều 118; Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp: Điều 119 - Điều 120.

 

2. Vị trí của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật quốc gia?

Từ định nghĩa nêu tại mục 1 có thể thấy, Hiến pháp là một văn bản pháp luật đặc biệt trong hệ thống pháp luật các quốc giá. Hiến pháp có vị trị cao, là đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật, thể hiện cụ thể như sau:

 

2.1 Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước CHXHCNVN

bởi lẽ:

- Hiến pháp là văn bản duy nhất quy định việc tổ chức quyền lực nhà nước, là hình thức pháp lý thể hiện một cách tập trung hệ tư tưởng của giai cấp lãnh đạo, ở từng giai đoạn phát triển. Hiến pháp còn là phương diện pháp lý thể hiện tư tưởng của Đảng Cộng sản dưới hình thức những quy phạm pháp lý.

 - Xét về mặt nội dung, Hiến pháp có đối tượng điều chỉnh rất rộng, bao gồm tất cả các lĩnh vực trong đời sống - xã hội trong khi các đạo luật khác chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội, ví dụ như Bộ luật Hình sự chỉ điều chỉnh quan hệ xã hội pháp sinh giữa Nhà nước và người phạm tội khi tội phạm xảy ra; Luật hôn nhân gia đình chỉ điều chỉnh các quan hệ hôn nhân, gia đình; Luật Đất đai chỉ điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực đất đai. Đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp là những quan hệ xã hội chủ đạo nhất, chính yếu nhất, nền tảng nhất liên quan đến lợi ích cơ bản của mọi giai cấp, mọi tầng lớp trong xã hội, chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đường lối phát triển khoa học – kỹ thuât, văn hóa, giáo dục, đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước.

 

2.2 Là một hệ thống cao nhất của pháp luật quy định những nguyên tắc chính trị căn bản,  thiết lập thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm của một chính quyền

Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân.Tính chất luật có hiệu lực tối cao của Hiến pháp thể hiện ở các phương diện sau đây:

- Tính tối cao của Hiến pháp thể hiện trước hết qua việc ghi nhận chủ quyền tối cao của nhân dân. Các quy định của Hiến pháp là nguồn, là nền tảng cho tất cả các ngành luật khác thuộc hệ thống pháp Việt Nam. Các quy định của Hiến pháp mang tính tuyên ngôn, cương lĩnh, điều chỉnh chung. Dựa trên nền tảng đó, các Luật, Pháp lệnh, Nghị định và các văn bản dưới luật khác cụ thể hóa, chi tiết hóa để điều chỉnh các quan hệ xã hội cụ thể.
- Tính tối cao của Hiến pháp thể hiện thông qua quy trình, thủ tục pháp lý đối với việc ban hành, sửa đổi và hiệu lực pháp lý của Hiến pháp.
+ Các văn bản pháp luật khác không được mâu thuẫn, trái ngược với Hiến pháp mà phải hoàn toàn phù hợp với tinh thần, nội dung của Hiến pháp, được ban hành trên cơ sở Hiến pháp để thi hành Hiến pháp. Mọi văn bản pháp luật có nội dung trái với Hiến pháp phải bị bãi bỏ, hủy bỏ. Khi hiến pháp được thay thế hoặc sửa đổi, các đạo luật có những quy định trái hoặc còn thiêú so với nội dung của hiên pháp đều phải được thay thế hoặc sửa đổi theo. Điều này tạo ra tính thông nhất của hệ thông pháp luật quốc gia.
+ Các điều ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia không được mâu thuẫn, đối lập với quy định của Hiến pháp. Khi có sự mẫu thuẫn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tham gia ký kết, không phê chuẩn hoặc bảo lưu với từng phần riêng biệt.
+ Tất cả các cơ quan nhà nước phải thực hiện chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp, sử dụng đầy đủ các quyền hạn, làm tròn các nghĩa vụ mà hiến pháp đã quy định. Mọi hành vi vượt ra ngoài thẩm quyền mà hiến pháp đã quy định đều là vi hiến.
+ Tất cả các công dân của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được hưởng các quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp thừa nhận và có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp.
+ Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ban hành các văn bản pháp luật mà Hiến pháp đã quy định để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, thi hành Hiến pháp. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan nhà nước khác của Nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
+ Việc xây dựng, thông qua, ban hành, sửa đổi, thay đổi Hiến pháp phải tuân theo một trình tự đặc biệt; quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp được quan tâm và chỉ đạo bởi Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

3. Vai trò của Hiến pháp

3.1 Vai trò của Hiến pháp đối với quốc gia

- Hiến pháp là một đạo luật cơ bản có giá trị pháp lí cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia - nền tảng để xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật khác. Việc phát triển các quy định pháp luật phải dựa trên tinh thần chung này. 

- Hiến pháp Góp phần tạo nên nền tảng, tạo lập một thể chế chính trị dân chủ và một Nhà nước minh bạch, công bằng trong hoạt động quản lý xã hội hiệu quả từ đó sẽ bảo vệ tốt nhất các quyền lợi của người dân cũng như xây dựng xã hội ổn định. Trên cơ sở đó tạo ra sự phát triển bền vững cho một quốc gia; điều này có vai trò rất quan trọng và quyết định to lớn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Lực lượng lãnh đạo hướng người dân đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chung trong nền kinh tế.

 

 3.3 Vai trò của Hiến pháp đối với công dân

- Hiếp pháp góp phần tạo lập một nền dân chủ thực sự, công bằng và bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ của công dân. Người dân được tự do thực hiện các quyền của mình, được nhà nước bảo vệ. Được tham gia vào các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Từ đó phát triển kinh nghiệm, năng lực, thể hiện giá trị của bản thân.

- Thông qua nội dung của 5 bản Hiến pháp có thể thấy, Hiến pháp ghi nhận đầy đủ quyền con người, quyền của công dân. Đây là các quyền lợi cơ bản, thực hiện trong chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế. Chính vì điều đó đã mang đến công bằng, đối xử như nhau giữa các đối tượng tham gia vào thị trường chung. Cũng như được luật quốc tế, được pháp luật bảo vệ khi các quyền bị xâm phạm. Các đạo luật khác vi phạm Hiến pháp đều phải sửa đổi

- Không thể phủ nhận, Hiến pháp mang đến các thuận lợi để tiếp cận quyền, lợi ích của con người trong nhiều lĩnh vực. Nhờ đó mà giúp đất nước có động lực phát triển, thoát khỏi đói nghèo.

Ngoài ra, có thể thấy rằng​ đối tượng điều chỉnh của hiến pháp rất rộng lớn, bao quát trên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là những quan hệ xã hội cơ bản liên quan đến lợi ích của mọi giai cấp, mọi tầng lớp, của mọi công dân ở trong xã hội như các chế đồ về chính trị, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục; về quyền con người,…

Như vậy, Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản của nhà nước, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất với các chức năng hạn chế quyền lực nhà nước, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và ghi nhận quyền con người, quyền công dân; trở thành công cụ pháp lý quan trọng đảm bảo nhân quyền ở mỗi quốc gia.

Trên đây là bài viết của Luật Minh Khuê liên quan đến: Vị trí, vai trò của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết, hãy gọi: 1900.6162 để được hỗ trợ qua tổng đài trực tuyến.