Mục lục bài viết
- 1. Vắn tắt về khái niệm của tên thương mại
- 2. Hành vi nào được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại?
- 3. Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại dựa trên chứng cứ gì?
- a. Chứng minh việc sử dụng tên thương mại của mình là hợp pháp và được bảo hộ bởi quy định pháp luật.
- Tên thương mại có khả năng phân biệt
- Tên thương mại đang được sử dụng hợp pháp
- b. Thông qua việc so sánh dấu hiệu thì phát hiện trùng hoặc tương tự
- Trùng hoặc tương tự với tên thương mại
- Trùng hoặc tương tự với hàng hóa dịch vụ mang tên thương mại
1. Vắn tắt về khái niệm của tên thương mại
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, tên thương mại là tên gọi của các cá nhân tổ chức trong hoạt động kinh doanh, với mục đích phân biệt với các cá nhân tổ chức cùng kinh doanh một lĩnh vực và trên cùng một địa bàn. Lưu ý rằng đây là "tên gọi", chứ không tương tự với tên doanh nghiệp đăng ký với cơ quan nhà nước. Ví dụ: VinFast có tên đầy đủ là Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast. Tuy nhiên, khách hàng sẽ không bao giờ gọi bằng cả cái tên đầy đủ như trên, mà chỉ gọi tắt là VinFast. Do đó, VinFast sẽ là tên thương mại của Công ty này.
Khác với đa số các tài sản Sở hữu Công nghiệp khác, tên thương mại không phải thực hiện việc đăng ký với Cục Sở hữu Trí tuệ. Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc để cá nhân tổ chức nắm giữ tên thương mại, trước khi chứng minh được hành vi vi phạm, phải chứng minh được hai vấn đề: tên thương mại có khả năng phân biết, và việc mình sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
2. Hành vi nào được coi là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại?
Luật Sở hữu Trí tuệ, cụ thể là khoản 2 Điều 129, quy định theo hướng tóm gọn, theo đó mọi hành vi sử dụng tên tương tự, gây nhầm lẫn hoặc trùng với tên thương mại đã được sử dụng trước đó trong cùng lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ sẽ bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Để phân tích ra, ta sẽ thấy 03 yếu tố chính cho khái niệm này.
- Chủ sở hữu tên thương mại sử dụng tên thương mại một cách hợp pháp. Theo đó chủ sở hữu đã sử dụng một tên thương mại có khả năng phân biệt, trong một quá trình ổn định, cho một lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa và dịch vụ nhất định và trên một khu vực kinh doanh. Theo quy định pháp luật, khu vực kinh doanh là nơi doanh nghiệp có bạn hàng, khách hàng và danh tiếng.
- Bên vi phạm sử dụng tên thương mại của chủ sở hữu, hoặc dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn. Việc sử dụng này có thể do vô tình hoặc do cô ý, tuy nhiên yếu tố lỗi không phải là yếu tố bắt buộc phải có trong hành vi xâm phạm. Đây là một điểm đặc trưng của các tranh chấp Sở hữu Trí tuệ so với các tranh chấp dân sự khác.
- Việc sử dụng cho cùng một lĩnh vực kinh doanh, sản phẩm dịch vụ trên cùng một khu vực kinh doanh. Điều này khá đặc trưng cho tên thương mại, theo đó, tên thương mại được hiểu là cách mà người tiêu dùng liên hệ đến một hàng hóa trong một khu vực nhất định, chứ không chỉ dừng lại ở việc phân biệt như theo khái niệm của Luật. Ví dụ, khi ta nghe từ "Phở Thìn" thì sẽ nghĩ ngay đến "Phở Thìn ở khu vực Lò Đúc". Cũng như khi nói về chuỗi nhà hàng Lotteria chúng ta phải nhắc đến là Lotteria Liễu Giai hoặc Lotteria ở địa chỉ khác. Do đó, theo quan điểm của tác giả, tên thương mại về mặt bản chất là một biến thể yếu hơn của nhãn hiệu, mang tính địa phương hơn. Điều này cũng giải thích tại sao sự không cần thiết phải đăng ký, dù cho việc đăng ký cũng có hiệu quả tương tự.
Yếu tố xâm phạm được thể hiện dưới các dạng như: bao bì hàng hóa, biển hiệu, quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác. Đây cũng chính là cơ sở cho việc xác định có hay không hành vi vi phạm.
3. Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại dựa trên chứng cứ gì?
Với từng yếu tố xâm phạm thì sẽ có một loại chứng cứ cụ thể. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà chứng cứ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, trước khi tính đến việc chứng minh hành vi vi phạm, chủ sở hữu tên thương mại phải chứng minh được tên thương mại đó đang được mình sử dụng một cách hợp pháp, tức phải có chứng cứ là mình có quyền.
a. Chứng minh việc sử dụng tên thương mại của mình là hợp pháp và được bảo hộ bởi quy định pháp luật.
Theo đó, chủ sở hữu cần cung cấp các chứng cứ chứng minh tên thương mại của mình là nằm trong sự bảo hộ của Luật Sở hữu Trí tuệ, bằng cách chứng minh là (1) tên thương mại có khả năng phân biệt, và (2) tên thương mại đang được sử dụng một cách hợp pháp
Tên thương mại có khả năng phân biệt
Theo quy định pháp luật, tên thương mại có khả năng phân biệt khi thỏa mãn tất cả các điều kiện sau:
- Chứa tên riêng, ví dụ như Thảo Anh, Xuân Tùng (trừ trường hợp cái tên đó đã được biết đến rộng rãi thông qua việc sử dụng như: Sơn Tùng, Văn Lâm, Công Vinh, v.v)
- Không trùng hoặc tương tự đến mức khiến người tiêu dùng gây nhầm lẫn với những tên thương mại do người khác sử dụng trong cũng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh. Quý Khách có thể chứng minh việc không có hành vi sao chép tên thương mại từ một đơn vị khác cũng có cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh của mình. Điều này có thể hiện được thông qua một kết quả Google theo mẫu câu: "Tên thương mại" + "Lĩnh vực" + "Khu vực kinh doanh".
Ví dụ như Quý Khách hàng có một tên thương mại cho lĩnh vực: Nhà hàng Hà Đăng ở khu vực Nam Từ Liêm. Đưa từ khóa đất vào Google chúng ta sẽ có kết quả thể hiện những nhà hàng tên tương tự đó trong khu vực.
Tên thương mại đang được sử dụng hợp pháp
Về việc sử dụng hợp pháp, theo khoản 2 điều 79 nghị định 65/2023/NĐ-CP, các chứng cứ cần chứng minh được rõ ràng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, khu vực kinh doanh và quá trình sử dụng tên thương mại. Các chưng cứ có thể sử dụng bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Giúp chứng minh về chủ thể, cơ sở, lĩnh vực kinh doanh
- Về khu vực kinh doanh: Khách hàng cần tìm các chứng tứ chứng mình 1 trong số 3 yếu tố: bạn hàng, khách hàng, nơi có danh tiếng. Theo quan điểm của tác giả, 2 yếu tố sau khá khó chứng minh vì mang tính trừu tượng, cũng như có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của khách hàng, do đó chứng cứ có thể thu thập được là các chứng cứ liên quan đến bạn hàng. Theo đó, các tài liệu chứng minh việc nhập hoặc xuất hàng sẽ là chứng cứ phù hợp nhất mà bên Khách hàng đưa ra.
- Về quá trình sử dụng tên: Quý Khách hàng có thể sử dụng các bài đăng trên mạng xã hội, vì đó là nơi thường xuyên sử dụng tên gọi của Doanh nghiệp. Trong trường hợp không có tài liệu chứng cứ này, Quý Khách hàng hàng cũng có thể sử dụng các Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để chứng minh việc sử dụng của cái tên này. Tuy nhiên, các tài liệu chứng minh quá trình sử dụng tên chỉ thực sự hiệu quả nếu Doanh nghiệp đã kinh doanh trong một khoảng thời gian tương đối dài.
b. Thông qua việc so sánh dấu hiệu thì phát hiện trùng hoặc tương tự
Trùng hoặc tương tự với tên thương mại
Quý Khách hàng cần đưa ra lập luận cho thấy khi so sánh tên thương mại xâm phạm và tên thương mại đang sử dụng hợp pháp thông qua các yếu tố như:
- Cấu tạo từ ngữ: ví dụ tên thương mại Sóng Hồng và Sông Hồng, Hòa Hải và Tân Hòa Hải là có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng do có cùng toàn bộ hoặc phần chủ yếu của tên thương mại.
- Cách phát âm, phiên âm: ví dụ như tên thương mại Hải Đăng và Hà Đăng, Minh Nhật và Minh Nhựt có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng do có cách phát âm tương tự nhau
Trùng hoặc tương tự với hàng hóa dịch vụ mang tên thương mại
Quý Khách cũng cần cung cấp các chứng cứ cho thấy tên thương mại xâm phạm đang được sử dụng để gắn lên các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Điều này có thể được chứng minh bằng cách đưa ra 2 bản của hàng hóa có chứa tên thương mại đó đứng cạnh nhau. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc gửi yêu cầu đến Bộ Khoa học và Công nghệ trực thuộc Cục Sở hữu Trí tuệ theo biểu giá giám định đã được niêm yết. Tuy kết quả giám định của Bộ Khoa học Công nghệ không có tính pháp lý, nhưng đó là một chứng cứ vô cùng thuyết phục khi được đưa ra trước Cục Sở hữu Trí tuệ.
Trên đây là những ý kiến pháp lý của Công ty Luật Minh Khuê. Nếu Quý Khách cần tư vấn những vấn đề gì liên quan đến tên thương mại, hãy liên hệ qua số điện thoại 1900.6162, hoặc qua email: lienhe@luatminhkhue.vn.