Mục lục bài viết
Quyền sở hữu trí tuệ từ lâu đã khẳng định được tầm quan trọng và vai trò của nó trong đời sống xã hội hàng ngày. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng, chủ thể sản xuất, kinh doanh, mà còn liên quan đến vấn đề phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm thì việc bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa/dịch vụ là vấn đề hàng đầu đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
1. Sở hữu trí tuệ là gì? Quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Sở hữu trí tuệ là kết quả của một quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tiền bạc, công sức của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định trong việc nghiên cứu. Bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ, nhà nước khuyến khích và hỗ trợ những tổ chức, cá nhân sáng tạo nhiều hơn.
Sở hữu trí tuệ, hay có khi còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người. Ðó có thể là tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, v.v...Quyền sở hữu trí tuệ là các quyền đối với những sản phẩm sáng tạo nói trên, bao gồm quyền tài sản và quyền nhân thân.
- Quyền nhân thân là những quyền chỉ thuộc về riêng cá nhân tác giả, không thể chuyển giao cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào thậm chí ngay cả trong trường hợp tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp đó chết. Quyền nhân thân mà pháp luật ghi nhận cho tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền được ghi tên. Họ tên dưới danh nghĩa là tác giả được ghi đầy đủ, cụ thể, rõ ràng và chính xác.
- Quyền tài sản là quyền được hưởng những lợi ích vật chất phát sinh từ đối tượng sở hữu trí tuệ của tác giả. Quyền tài sản được pháp luật ghi nhận cho tác giả đối tượng sở hữu công nghiệp là quyền được nhận thù lao từ chủ sở hữu theo thoả thuận chuyển nhượng hoặc theo quy định của pháp luật
Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là các loại hình sáng tạo khác nhau mà con người nghĩ ra, bao gồm:
- Bản quyền;
- Bằng sáng chế;
- Thương hiệu;
- Kiểu dáng công nghiệp;
- Sơ đồ bố trí mạch tích hợp;
- Chỉ dẫn địa lý.
Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp.
Bản quyền còn được gọi là quyền tác giả. Ðây là quyền đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Ngoài việc có thể đem lại giá trị kinh tế cho tác giả giống như ở các quyền sở hữu công nghiệp, bản quyền còn đảm bảo quyền nhân thân của tác giả hay nói cách khác là đảm bảo uy tín, danh dự của tác giả gắn với tác phẩm của mình. Ngoài bản quyền, các quyền còn lại được gọi chung là quyền sở hữu công nghiệp.
Tại Việt Nam, các vấn đề về bản quyền do Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa – Thông tin) xem xét giải quyết. Các quyền còn lại thuộc phạm vi quản lý của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
2. Tại sao phải bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ?
Hiện nay, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, cùng với đó các hành vi xâm phạm, hưởng lợi từ kết quả sáng tạo sẵn có ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Việc bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ được xem là giải pháp tối mang lại nhiều lợi ích:
- Tạo ra hệ thống pháp lý vững chắc để bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu được độc quyền khai thác, sử dụng những lợi ích mà đối tượng này mang lại.
- Tạo dựng uy tín cho công ty và niềm tin cho các khách hàng.
- Tạo tiền đề vững chắc khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường quốc tế, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
- Ngăn chặn được sự sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, đảm bảo quyền lợi của cả nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
- Khuyến khích sáng tạo tại chỗ và chuyển giao công nghệ.
- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.
3. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu như thế nào?
Từ góc độ vật chất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ tác phẩm điện ảnh được bảo hộ 50 năm, thiết kế bố trí mạch tích hợp có thời hạn bảo hộ là 10 năm. Hết thời hạn này, các sáng tạo trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi người có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người sáng tạo.
4. Thế nào là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Việc tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm luật sở hữu trí tuệ hiện nay diễn ra phổ biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cụ thể, hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các hành vi sau đây:
– Hành vi xâm phạm quyền tác giả
– Hành vi xâm phạm quyền liên quan
– Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
– Hành vi xâm phạm đối với bí mật kinh doanh
– Hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Để có thể ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, điều duy nhất chủ sở hữu cần thực hiện là tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ, việc đăng ký ngoài việc giúp chủ sở hữu được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ còn giúp chủ sở hữu có thể tiến hành biện pháp hành chính và hình sự để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với đối tượng đã đăng ký bảo hộ.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu cần có biện pháp cần thiết để khách hàng, người tiêu dùng tự ý thức được việc nên sử dụng sản phẩm chính hãng và có nguồn gốc rõ ràng để tránh việc sử dụng hàng nhái, hàng giả dẫn đến hậu quả không mong muốn từ việc sử dụng hàng kém chất lượng này.
5. Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý như thế nào?
Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả hành vi gây ra. Cụ thể như sau:
– Xử hành hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính trong trường hợp sau đây:
+ Thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
+ Không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó;
+ Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
+ Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm sẽ bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền.
Tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung khác nhau.
– Xử hành hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự trong trường hợp sau đây:
Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tòa án áp dụng những biện pháp dân sự sau đây để xử lý hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ:
+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
+ Buộc bồi thường thiệt hại;
+ Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
– Xử hành hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự trong trường hợp sau đây:
+ Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
+ Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
+ Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ những cơ quan sau đây có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
+ Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
+ Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
+ Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
+ Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.
Liên hệ sử dụng dịch vụ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT TNHH MINH KHUÊ
Điện thoại yêu cầu dịch vụ luật sư tư vấn luật Sở hữu trí tuệ, gọi: 1900.6162
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: lienhe@luatminhkhue.vn
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận Luật sư sở hữu trí tuệ - Công ty luật Minh Khuê