Mục lục bài viết
- 1. Áp dụng tương tự pháp luật là gì?
- 2. Trường hợp nào thì áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết các quan hệ dân sự
- 3. Không thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp thì làm sao?
- 4. Ví dụ về trường hợp áp dụng tương tự pháp luật
- 5. Vì sao không áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự
1. Áp dụng tương tự pháp luật là gì?
Đời sống kinh tế xã hội ngày càng phát triển, phức tạp, đa dạng, Luật dân sự phải điều chỉnh các quan hệ như: chủ thể, khách thể, nội dung; hơn nữa, những quan hệ này không ngừng phát triển cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật. Khi ban hành các văn bản pháp luật, nhà lập pháp không thể dự liệu hết các tình huống xảy ra trong các quan hệ xã hội phải điều chỉnh bằng pháp luật. Từ đó, tạo lỗ hổng trong pháp luật dân sự. Hơn nữa, các quy định của pháp luật tồn tại ở dạng tĩnh tương đối (chỉ thay đổi khi bị sửa đổi), các quan hệ xã hội lại không ngừng biến đổi. Vì vậy, sẽ phát sinh trường hợp có những quan hệ xã hội đang tồn tại mà pháp luật lại không có quy định nào liên quan để giải quyết. Để khắc phục tình trạng trên thì Bộ luật dân sự 2015 đã quy định "áp dụng tương tự pháp luật" để mọi quan hệ xã hội điều được chỉnh bằng pháp luật, kịp thời giải quyết những xung đột pháp lí.
Theo Khoản 1 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”. Vậy áp dụng tương tự pháp luật là gì?
Áp dụng tương tự quy phạm pháp luật là dùng những quy phạm pháp luật đang có hiệu lực đối với những quan hệ tương tự như quan hệ cần xử lí để điều chỉnh quan hệ cần xử lý đó, nhưng không có quy phạm trực tiếp điều chỉnh (như dùng quan hệ vay để xử lý quan hệ hụi họ, dùng các quan hệ về dịch vụ để điều chỉnh quan hệ đổi công...).
2. Trường hợp nào thì áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết các quan hệ dân sự
Khoản 1 Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép: “Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự”.
Nghĩa là, việc áp dụng pháp luật dân sự vẫn được thực hiện ngay cả trong những trường hợp không có những quy định trực tiếp trong Bộ luật dân sự. Trong trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp đụng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào các văn bản pháp luật có liên quan để công nhận một quyền nào đó cho một chủ thể; xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong họp đồng khi có tranh chấp; quyết định trách nhiệm dân sự đối với bên vi phạm...
Áp dụng tượng tự pháp luật để giải quyết các quan hệ dân sự đáp ứng hai điều kiện sau:
- Bộ luật dân sự năm 2015 chưa có quy định tương tự nào về quan hệ dân sự hoặc sự kiện đang có tranh chấp. Không có tập quán nào điều chỉnh.
- Hiện tại trong một số đạo luật, văn bản pháp luật khác dưới luật hoặc được quy định trong một số ngành luật khác có nội dung tương tự mà có thể áp dụng để giải quyết tranh chấp; xác nhận quyền, nghĩa vụ dân sự cho một chủ thể trong quan hệ dân sự cụ thể đó.
Như vậy, Chỉ áp dụng tương tự pháp luật khi và chỉ khi các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán liên quan điều chỉnh.
3. Không thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết tranh chấp thì làm sao?
Theo Khoản 2 Điều 6 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Có rất nhiều trường hợp trong thực tế thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự nhưng các bên không có thỏa thuận, pháp luật lại không có quy định nào điều chỉnh, tập quán không được áp dụng thì Tòa án và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.
Theo đó, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Điều 3 Bộ luật dân sự 2015:
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dãn sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyên cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trải đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đoi với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
- Cá nhãn, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục sưu tầm các án lệ có tính chất phổ quát đã được xã hội công nhận để áp dụng thống nhất cho các quan hệ dân sự đã được xem xét, giải quyết. Với quy định này, khi BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì những án sẽ xét xử tại các Tòa án không được trái với án lệ đã được công bố.
Khi áp dụng các nguyên tắc cơ bản, Tòa án hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải bảo đảm yêu cầu: quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc cơ bản được quy định trong BLDS; hoặc áp dụng án lệ và lẽ công bằng.
4. Ví dụ về trường hợp áp dụng tương tự pháp luật
Tại Bản án 25/2019/DS-ST ngày 07/06/2019 về tranh chấp hợp đồng góp hụi có nội dung như sau:
“Trong các năm 2017 và 2018, bà T1 tham gia 01 dây hụi tháng và 03 dây hụi tuần, loại hụi hoa hồng và có lãi do vợ chồng bà Mai Thị C (tên ghi trong phơi hụi là N2), anh Trần Quốc T2 làm đầu thảo. Mỗi dây hụi bà T1 tham gia 01 phần, các phần hụi đều còn sống và đã góp tiền hụi đến ngày 23/8/2018 âm lịch thì bà C tuyên bố vỡ hụi ngưng khui.
Bà T1 đã đóng hụi số tiền là 18.600.000 đồng nên khi bà C vỡ hụi, bà T1 yêu cầu buộc bà C, anh T2 trả lại cho ông và bà T1 số tiền hụi”.
Tòa án nhân dân huyện Tam Bình đã quyết định Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Tuyết T1.Buộc bà Mai Thị C và anh Trần Quốc T2 cùng có trách nhiệm trả cho bà Võ Thị Tuyết T1 và ông Nguyễn Văn T3 số tiền 18.600.000 đồng.
Áp dụng quy định tương tự của pháp luật là trường hợp vận dụng quy định của pháp luật được xác lập đối với một hoàn cảnh cụ thể cho một hoàn cảnh tương tự nhưng chưa có giải pháp rõ ràng.
Một trong những đặc trưng của pháp luật dân sự là khả năng áp dụng quy định tương tự được ghi nhận rất phổ biến.
Trong thực tiễn xét xử tại bản án nêu trên, Tòa án áp dụng các quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để giải quyết tranh chấp. Mặc dù, pháp luật không quy định việc chủ hụi tự ý ngưng khui hụi thì hụi viên đã góp hụi chưa lĩnh hụi được xem là đương nhiên rút khỏi dây hụi và được nhận lại tiền hụi đã góp.
Tuy nhiên, Tòa đã áp dụng thêm Điều 6 của Bộ luật Dân sự 2015 về áp dụng tương tự pháp luật quy định: “ Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.” và điểm a khoản 2 Điều 10 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định: “thành viên đã góp họ mà chưa lĩnh họ…được nhận lại các phần họ theo thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận, thành viên rút khỏi dây họ được nhận lại các phần họ đã góp tại thời điểm kết thúc dây họ…”.
Vì vậy, việc bà T1 yêu cầu bà C, anh T2 cùng có trách nhiệm trả lại số tiền hụi đã góp cho bà và ông T3 là có căn cứ đúng với quyền của hụi viên và nghĩa vụ của chủ hụi tham gia hụi hưởng hoa hồng, có lãi được quy định tại khoản 3 Điều 15, khoản 8 Điều 18 của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP, phù hợp với lẽ công bằng.
5. Vì sao không áp dụng tương tự pháp luật trong lĩnh vực hình sự
Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi Bộ luật hình sự quy định. Nếu không có quy phạm pháp luật hình sự điều chỉnh thì hành vi đó không được coi là tội phạm.
Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định. Người phạm tội có thể bị áp dựng các biện pháp tước bỏ tự do hoặc nghiệm trọng hơn nữa là tính mạng. Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nặng nề và nghiêm khắc nhất của pháp luật, nên khi áp dụng thì cần phải do luật quy định.
Tương tự pháp luật chỉ áp dụng cho dân sự vì quan hệ pháp luật dân sự người ta có thể linh hoạt giải quyết, vì quan trọng hơn cả là mâu thuẫn đó được giải quyết, đạt được mục đích các bên đặt ra. Nhưng hình sự thì khác hoàn toàn , nếu áp dụng tương tự pháp luật thì sẽ bị “HÌNH SỰ HÓA”, những hành vi có thể chưa phải là tội phạm. Quyền công dân, quyền con người dễ bị xâm phạm vì phương phápđiều chỉnh của hình sự là quyền uy. Nó phá vỡ tính luật định, hạ thấp tính pháp chế. Vì vậy nên pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới khi quy định tội phạm điều có tính luật định, nghĩa là chỉ pháp luật vì định thì hành vi đó mới xem là tội phạm.
Mọi vướng mắc pháp lý về việc áp dụng pháp luật và áp dụng tương tự pháp luật như thế nào trong các lĩnh vực đời sống quý khách có thể trao đổi trực tiếp với luật sư thông qua tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6162 để được hỗ trợ, giải đáp tận tình.
Trân trọng./.