Khái niệm và bản chất
Đây chính là một thủ tục tố tụng đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền của nước có bên phải thi hành án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và Trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của nước mình. Khi bản án, quyết định của nước ngoài đó đã được xem xét và công nhận tính hiệu lực, thì sẽ có giá trị thi hành trên lãnh thổ của nước đã công nhận.
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162
Các văn bản pháp luật liên quan
Các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết và tham gia
Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Nội dung cơ bản của các hiệp định này gồm các vấn đề như: phạm vi công nhận và thi hành; điều kiện công nhận và thi hành; nội dung đơn yêu cầu công nhận và thi hành; thủ tục công nhận và thi hành; việc chuyển tiền và tài sản để đảm bảo thi hành quyết định.
- Các bản án, quyết định của nước ngoài được công nhận và cho thi hành bao gồm: bản án, quyết định dân sự, phần dân sự trong bản án hình sự, các quyết định của Trọng tài thương mại. Trong một số hiệp định tương trợ tư pháp còn phân biệt các bản án, quyết định dân sự có tính chất tài sản và bản án, quyết định không mang tính chất tài sản trong việc công nhận và cho thi hành.
- Các hiệp định nêu trên đều quy định cụ thể các điều kiện đặt ra đối với một bản án, quyết định để có thể được công nhận và cho thi hành khi có những tiêu chí như: bản án, quyết định phải có hiệu lực pháp luật trên lãnh thổ và theo pháp luật của nước đã tuyên án, quyết định đó; bản án, quyết định được cơ quan có thẩm quyền tuyên; việc công nhận và thi hành quyết định không phương hại đến chủ quyền, an ninh hoặc không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
- Nếu có yêu cầu của đương sự hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đã ra bản án, quyết định đó thì các nước mới đặt ra việc xem xét, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài tại nước mình.
- Tất cả các hiệp định trên đều quy định Tòa án là cơ quan xem xét, ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nước ngoài.
Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài
Công ước New York năm 1958 của Liên hợp quốc có hiệu lực từ ngày 7/6/1959, cho đến nay đã có 128 quốc gia trở thành thành viên của công ước bằng cách phê chuẩn, gia nhập hay kế thừa. Năm 1995 Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước này. Tuy nhiên, khi tham gia Công nước này, Việt Nam đã bảo lưu 3 điểm sau:
- Chỉ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài được tuyên tại lãnh thổ của các quốc gia thành viên của Công ước; đối với quyết định của Trọng tài nước ngoài tuyên tại lãnh thổ của quốc gia chưa ký kết hoặc tham gia Công ước, Công ước được áp dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại.
- Chỉ áp dụng Công ước đối với tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật thương mại.
- Mọi sự giải thích Công ước trước Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.
Các văn bản pháp luật hiện hành trong nước
Đó là Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003; Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (BLTTDS 2004).
Phần thứ sáu BLTTDS 2004 quy định chung về thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài; thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; thủ tục xét đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam; thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Tòa án nước ngoài.
- Về nguyên tắc công nhận và cho thi hành
Điều 343 BLTTDS 2004 quy định về nguyên tắc có đi có lại cụ thể: “Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng có thể được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Viêt Nam trên cơ sở có đi có lại mà không đòi hỏi Việt Nam và nước đó phải ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề đó”. Bản án, quyết định nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi đã được Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành.
- Về thủ tục và trình tự xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và Trọng tài nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 350 BLTTDS 2004 thì Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận các hồ sơ giấy tờ yêu cầu công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài và Trọng tài nước ngoài, sau đó kiểm tra tính hợp pháp, hợp thức của các giấy tờ, hồ sơ, chuyển hồ sơ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết đơn yêu cầu, đơn kháng cáo.
Theo quy định tại Điều 352 và 364 BLTTDS 2004 thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc hoặc nơi có tài sản liên quan đến thi hành án, có thẩm quyền xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.
- Các trường hợp không được công nhận:
Điều 356 BLTTDS 2004 quy định sáu căn cứ để không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Nhìn chung, các quy định này đều phù hợp với pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế.
Điều 370 BLTTDS 2004 cụ thể hóa các quy định của Điều 5 Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định của Trọng tài nước ngoài.
CÔNG TY LUẬT MINH KHUÊ biên tập