1. Phương pháp giải bài tập xác định chất còn thiếu trong phương trình
Ở dạng bài tập này, để bài thường cho một phản ứng có n chất (kể cả chất phản ứng và sản phẩm), trong đó đã biết (n – 1) chất. Yêu cầu xác định chất còn lại và hệ số còn thiếu. Để xác định chất còn lại trong phản ứng cần nhớ: Trong phản ứng hóa học số nguyên tử mỗi nguyên tố giữ nguyên trước và sau phản ứng.
Ví dụ: Hãy chọn hệ số và công thức hóa học thích hợp để đặt vào chỗ dấu hỏi trong phương trình hóa học sau: ?
Al + ? → 2Al2O3
Hướng dẫn: Vế phải có Al và O, nên chất còn thiếu ở vế trái phải là O2. Vế phải có 4 nguyên tử Al, nên để số nguyên tử Al ở vế trái bằng số nguyên tử Al ở vế phải, hệ số của Al ở vế trái là 4. Vế phải có 6 nguyên tử O, nên để số nguyên tử O ở vế trái bằng số nguyên tử O ở vế phải, hệ số của O2 ở vế trái là 3. Vậy phương trình hóa học là: 4Al + 3O2 → 2Al2O3.
Mục đích của dạng bài tập xác định chất còn thiếu trong phương trình hóa học là kiểm tra khả năng hiểu biết và kỹ năng của học sinh trong việc cân bằng phương trình hóa học. Bài tập này yêu cầu học sinh đặt hệ số và chất còn thiếu sao cho số nguyên tử mỗi nguyên tố giữ nguyên trước và sau phản ứng. Cụ thể, bài tập này giúp học sinh:
+ Hiểu cơ bản về phản ứng hóa học: Học sinh cần biết cách đọc và hiểu phương trình hóa học, tìm hiểu về số nguyên tử của các nguyên tố trong phản ứng.
+ Kỹ năng cân bằng phương trình: Bài tập yêu cầu học sinh xác định hệ số cho từng chất sao cho số nguyên tử của mỗi nguyên tố trên cả hai bên của phương trình là bằng nhau.
+ Áp dụng quy tắc cơ bản của phản ứng hóa học: Học sinh cần áp dụng nguyên tắc "số nguyên tử giữ nguyên" để xác định chất còn thiếu và đặt hệ số phù hợp.
+ Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề: Bài tập giúp học sinh phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề trong việc tìm ra phương trình hóa học chính xác và cân bằng.
Có thể thấy, dạng bài tập này không chỉ kiểm tra kiến thức lý thuyết mà còn đòi hỏi sự logic và khả năng áp dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết vấn đề cụ thể.
2. Một số bài tập xác định chất còn thiếu trong phương trình minh họa có đáp án
Câu 1: Cho sơ đồ phản ứng: Fe + … → FeCl2 + H2. Chất còn thiếu trong sơ đồ trên là
A. Cl2.
B. Cl.
C. HCl.
D. Cl2O.
Đáp án đúng là C
Hướng dẫn giải:
Về phải có chứa Fe, Cl, H do đó chất còn thiếu ở vế trái phải chứa cả H và Cl. Vậy chất còn thiếu là HCl.
Câu 2: Cho sơ đồ phản ứng: FeClx + Cl2 → FeCl3. Giá trị của x là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là B
Hướng dẫn giải:
Do sắt có 2 hóa trị là II và III nên FeClx có thể là FeCl2 hoặc FeCl3 ⇒ Loại đáp án A và D.
Do vế phải là FeCl3 nên vế trái không thể là FeCl3 ⇒ loại đáp án C
Câu 3: Cho phương trình hóa học: Fe3O4 + aHCl → FeCl2 + 2FeCl3 + 4H2O. Giá trị của a là
A. 4.
B. 6.
C. 8.
D. 10.
Đáp án đúng là C
Hướng dẫn giải:
Về phải có 8 nguyên tử H, để số H ở hai vế bằng nhau cần thêm 8 vào trước HCl. Vậy a = 8.
Câu 4: Có sơ đồ phản ứng hóa học: Al + AgNO3 → Al(NO3)3 + Ag. Hệ số thích hợp trong phản ứng là
A. 1 : 2 : 3 : 4.
B. 2 : 3 : 2 : 5.
C. 2 : 4 : 3 : 1.
D.1 : 3 : 1 : 3.
Đáp án đúng là D
Hướng dẫn giải:
Phương trình hóa học: Al + 3AgNO3 → Al(NO3)3 + 3Ag.
Câu 5: Cho phương trình hóa học sau: Al + FeSO4 → Al2(SO4)3 + ? Hãy cho biết hệ số thích hợp trong phản ứng là
A. 1 : 3 : 1 : 3.
B. 2 : 3 : 1 : 3.
C. 2 : 1 : 3 : 2.
D. 3 : 2 : 1 : 3.
Đáp án đúng là B
Hướng dẫn giải:
Vế trái chứa Al, Fe, S, O do đó chất còn thiếu ở vế phải chứa Fe. Vậy chất còn thiếu là Fe. Phương trình hóa học: 2Al + 3FeSO4 → Al2(SO4)3 + 3Fe
Câu 6: Cho sơ đồ phản ứng: SO2 + O2 →? Tổng hệ số các chất tham gia phản ứng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là C
Hướng dẫn giải:
Vế trái chứ S, O do đó chất cần tìm ở vế phải nhất định phải chứa S, O. Vậy chất còn thiếu là SO3. Phương trình hóa học: 2SO2 + O2 → 2SO3. Vậy tổng hệ số các chất tham gia phản ứng là: 2 + 1 = 3.
Câu 7: Cho phương trình hóa học sau: CO + FeO → Fe + ? Tỉ lệ số phân tử của các chất tham gia phản ứng là
A. 1 : 1.
B. 1 : 2.
C. 1 : 3.
D. 1 : 4.
Đáp án đúng là A
Hướng dẫn giải:
Về trái chứa C, O, Fe do đó chất còn lại ở vế phải nhất định phải chứa C, O. Vậy chất còn lại là CO2. Phương trình phản ứng: CO + FeO → Fe + CO2. Tỉ lệ số phân tử của các chất tham gia phản ứng là 1 : 1.
Câu 8: Cho phương trình phản ứng sau: Fe(NO3)3 + ?KOH → Fe(OH)3 + ? Hệ số trước KOH và chất còn thiếu trong phương trình trên lần lượt là
A. 1 và KNO3.
B. 2 và KNO3.
C. 3 và KNO3.
D. 4 và KNO3.
Đáp án đúng là C
Hướng dẫn giải:
Phương trình phản ứng: Fe(NO3)3 + 3KOH → Fe(OH)3 + 3KNO3.
Câu 9: Cho phản ứng hóa học sau đây: CuO +? → Cu + H2O. Tích hệ số của các chất tham gia phản ứng là
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là A
Hướng dẫn giải:
Vế phải chứa Cu, H, O do vậy chất còn thiếu ở vế trái nhất định phải chứa H. Vậy chất còn thiếu là H2. Phương trình phản ứng: CuO + H2 → Cu + H2O. Tích hệ số các chất tham gia phản ứng là 1.1 = 1.
Câu 10. Cho sơ đồ phản ứng sau: K2CO3 + CaCl2 → CaCO3 + ? Tỉ lệ số phân tử của các chất tham gia phản ứng là
A. 1 : 1.
B. 2 : 1.
C. 1 : 2.
D. 1 : 3.
Đáp án đúng là A
Hướng dẫn giải:
Phương trình hóa học: K2CO3 + CaCl2 → CaCO3 + 2KCl
Tỉ lệ số phân tử K2CO3 : số phân tử CaCl2 là 1 : 1.
3. Một số bài tập xác định chất còn thiếu trong phương trình tự luyện
Bài 1. Chọn hệ số và công thức hóa học thích hợp đặt vào những chỗ có dấu chấm hỏi trong các phương trình hóa học sau:
a) ? Na + ? → 2 Na2O
b) ? CuO + ?HCl → CuCl2 + ?
c) Al2(SO4)3 + ? BaCl2 → ? AlCl3 + ?
d) ? Al(OH)3 → Al2O3 + ?
Bài 2. Chọn hệ số và công thức hóa học thích hợp đặt vào những chỗ có dấu chấm hỏi trong các phương trình hóa học sau:
a) ? CaO + ? HCl → CaCl2 + ?
b) ?Al + ? → 2Al2O3
c) FeO + CO → ? + CO2
d) ?Al + ?H2SO4 →Al2(SO4)3 + ?H2
e) BaCl2 + ?AgNO3 →Ba(NO3)2 + ?
f) Ca(OH)2 + ?HCl → ? + 2H2O
g) 3Fe3O4 + ?Al → ?Fe + ?
h) Ca(OH)2 + CO2 → ? + H2O
i) Ca(HCO3)2 → CaCO3 + CO2 + ?
k) MgCO3 + H2SO4 → MgSO4 + ? + H2O
(l) MgSO4 + BaCl2 → ? + BaSO4
Bài 3. Chọn hệ số và công thức hóa học thích hợp đặt vào những chỗ có dấu chấm hỏi trong các phương trình hóa học sau:
1) ? Na + ? -> 2Na2O
2) Na2O + H2O → ?
3) ? NaOH + CO2 → Na2CO3 + ?
4) Na2CO3 + ? HCl → ? NaCl + ? + H2O
5) ? NaCl + H2O đpdd-> ? NaOH + H2 + ?
6) NaOH + ?→ NaHCO3
(7) Cu + ? HNO3 → Cu(NO3)2 + 2NO2 + ?
(8) CuO + 2HNO3 → Cu(NO3)2 + H2O
(9) ? Cu(NO3)2 -> ? + 4NO2 + O2
(10) Cu(NO3)2 + ? NaOH → ? + ? NaNO3
=> Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết Cách đọc tên các chất hóa học lớp 8 mới nhất