1. Quy định chung về bản vẽ hoàn công

1.1. Bản vẽ hoàn công là gì?

Hoàn công là một thủ tục hành chính sau khi xây dựng một ngôi nhà, một công trình nhằm hợp pháp hóa tài sản gắn liền với đất. Theo đó, hoàn công trong xây dựng được coi là công đoạn các bên có liên quan cùng xác nhận rằng công trình kiến trúc họ thi công đã được hoàn thành, nghiệm thu thành công và sẵn sàng khai thác, sử dụng. Hiện nay, theo Luật Đất đai năm 2013 đã quy định chủ đất muốn có chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở xây trên mảnh đất thuộc quyền sử dụng của mình thì cần thực hiện hoàn công xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc hoàn công chính là điều kiện cần để bạn có thể nhận Sổ hồng hoặc bổ sung quyền sở hữu nhà ở vào Sổ đỏ

Bản vẽ hoàn công là bản vẽ thể hiện tình trạng thực tế của ngôi nhà sau khi xây, trong đó cho thấy kích thước trên thực tế so với kích thước bản thiết kế. Bản vẽ hoàn công sẽ phản ánh những thay đổi của công trình so với thiết kế ban đầu và cũng bao gồm các hạng mục chi tiết giống như bản vẽ gốc.

Trong trường hợp các kích thước, thông số thực tế thi công của bộ phận công trình xây dựng, công trình xây dựng đúng với các kích thước, thông số của thiết kế bản vẽ thi công thì bản vẽ thiết kế này là bản vẽ hoàn công. Bản vẽ hoàn công thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công công trình xây dựng, có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công bộ phận công trình.

Trong bản vẽ hoàn công sẽ có các thông tin bắt buộc về họ tên, chữ ký của người lập bản vẽ hoàn công. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thi công xây dựng phải ký tên và đóng dấu. Còn đối với người giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư ký tên xác nhận.

Như vậy, hiểu một cách khái quát thì bản vẽ hoàn công thực chất là một bản sao chụp lại hiện trạng cấu kiện hạng mục cũng như từng bộ phận hay công trình vừa hoàn thành dựa trên cơ sở hệ tọa độ và hệ cao độ công trình đã dùng để thi công.

 

1.2. Phân loại bản vẽ hoàn công

Trên thực tế, kiến trúc sư hoặc các bên liên quan đến dự án thi công có thể yêu cầu bản vẽ hoàn công đối với bất cứ công trình, hạng mục đi kèm nào cần thiết. Vì lý do này mà các loại bản vẽ làm căn cứ hoàn công cũng đặc biệt đa dạng. Dựa trên quy mô từng công trình xây dựng có đặc trưng khác nhau mà sẽ có có nhiều loại bản vẽ hoàn công khác nhau như sau:

  • Bản vẽ hoàn công công việc xây dựng;
  • Bản vẽ hoàn công bộ phận công trình;
  • Bản vẽ hoàn công giai đoạn xây dựng;
  • Bản vẽ hoàn công lắp đặt thiết bị;
  • Bản vẽ hoàn công từng hạng mục;
  • Bản đồ hoàn công tổng thể công trình.

Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, phụ thuộc vào cấu kiện cụ thể cũng như đặc tính riêng biệt của các loại công trình mà các kiến trúc sư còn chia các loại bản vẽ giai đoạn hoàn công theo từng hạng mục hoặc giai đoạn thi công. Mục đích của việc phân loại này là để thuận tiện cho việc xem xét, đánh giá một yếu tố nhỏ trong thi công:

  • Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công gia cố nền, san phẳng nền.
  • Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công cầu đường giao thông, hoàn công nạo vét lòng sông, lòng hồ,…
  • Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công hệ thống tưới tiêu, cấp nước sạch, xử lý nước thải,….
  • Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công tường bao hoặc bờ kè,…
  • Bản vẽ dành cho giai đoạn hoàn công móng.

 

1.3. So sánh giữa bản vẽ hoàn công và bản vẽ thiết kế

Bản vẽ thiết kế và bản vẽ hoàn công đều được xây dựng dựa trên cùng một hệ tọa độ, cao độ và tỷ lệ như nhau. Chúng được đảm bảo giống nhau hoàn toàn về phương thức thể hiện các tiểu tiết, các hạng mục công trình trên tổng thể công trình xây dựng nói chung.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại bản vẽ này chính là sự thay đổi về một vài kích thước hậu thi công. Các chênh lệch so với bản vẽ thiết kế ban đầu được thể hiện dựa theo thực tế thi công công trình chứ không phải kiến trúc sư thay đổi ý tưởng thiết kế hoặc sửa đổi bản vẽ thành. Các phần bị chênh lệch có thể nhiều hoặc ít, tùy theo thực tế xây dựng của mỗi công trình. Cũng có trường hợp công trình sau khi thi công đáp ứng chuẩn theo bản vẽ thiết kế. Lúc này bản vẽ thiết kế có thể sử dụng trong cả giai đoạn hoàn công, đơn vị thi công, đơn vị giám sát hay chủ đầu tư đều không cần lập lại bản vẽ hoàn công nữa.

>> Tham khảo: Quy định về lập bản vẽ hoàn công mới nhất

 

2. Quy định về lập bản vẽ hoàn công

2.1. Trách nhiệm lập Bản vẽ hoàn công thuộc về ai?

Bản vẽ hoàn công được lập ngay sau khi hoàn thành bộ phận hoặc hạng mục công trình. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo;

Nhà thầu thi công lập bản vẽ hoàn công theo hạng mục công trình, công trình xây dựng do mình thi công. Đối với trường hợp Nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công ứng với công việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.

Do đó, thành phần ký bản vẽ hoàn công gồm 2 thành phần:

  • Nhà thầu thi công gồm có: Người lập bản vẽ hoàn công, thường là các cán bộ phụ trách trực tiếp của Nhà thầu; Chỉ huy trưởng công trình hoặc giám đốc Dự án
  • Tư vấn giám sát: Tư vấn giám sát trưởng.

 

2.2. Một số yêu cầu của bản vẽ hoàn công 

Bản vẽ hoàn công là một tài liệu quan trọng vì vậy cần có những yêu cầu nghiêm khắc để công trình xây dựng được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Chính vì vậy, các yêu cầu đi kèm cũng tương đối chặt chẽ và nghiêm ngặt, cụ thể như:

  • Bản vẽ hoàn công muốn có hiệu lực về mặt pháp lý thì phải được lập ra theo đúng mẫu của Bộ Xây dựng ban hành. Quá trình lập văn bản cũng như ký và đóng dấu xác nhận cũng phải được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, với sự có mặt và chứng kiến của đầy đủ các bên liên quan.
  • Bản vẽ hoàn công cần được lập ra ngay khi công trình hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu, sử dụng.
  • Bản vẽ giai đoạn hoàn công phải thể hiện được rõ ràng, chi tiết tất cả các chỉnh sửa cũng như thay đổi dù nhỏ nhất so với bản vẽ thiết kế ban đầu. Bản vẽ giai đoạn hoàn công vì công năng trên mà cần được bảo quản để tiếp tục khai thác, sử dụng trong quá trình nghiệm thu cũng như bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục công trình về sau.
  • Bản vẽ giai đoạn hoàn công cần được ký xác nhận ngay tại thời điểm thực hiện nghiệm thu công trình. Tất cả các hình thức ký khống hoặc hồi ký giai đoạn hoàn công đều không được Pháp luật công nhận.
  • Trên bản vẽ cần ghi rõ các số liệu thực tế theo hiện trạng xây dựng. Trong trường hợp có xuất hiện sai số thì cần giữ nguyên và rút gọn các chữ số thập phân theo văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng

Bên cạnh đó, khi lập bản vẽ hoàn công thì nhà thầu cần chú ý tới các vấn đề sau:

  • Phải phản ánh trung thực kết quả thực hiện, thực thi trên thực tế thi công ngoài hiện trường
  • Phải được lập và xác nhận theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành
  • Phải được thể hiện rõ ràng những chỉnh sửa, thay đổi điều này sẽ giúp cho các công trình sau này được sử dụng thuận tiện và chính xác trong việc khai thác.
  • Nhà thầu thi công công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công những hạng mục công trình và tất cả những công trình đã hoàn thành. Với công trình có những bộ phận bị che lấp thì cần thiết phải đo đạc chính xác, cụ thể, chi tiết đúng với những thông số trên thực tế.
  • Khi lập bản vẽ hoàn công thì điều tiên quyết là phải phản ánh chính xác, chân thực kết quả thi công thực tế và đặc biệt không được bỏ qua những sai số. Việc này cũng là cần thiết để cho việc bảo dưỡng, sửa chữa công trình sau này được thuận lợi.
  • Cuối cùng khi tiến hành nghiệm thu công trình thì tiến hành lập bản vẽ hoàn công và điều cần lưu ý đó là không được hồi ký hoàn công. 

Quý khách có thể tham khảo thêm về bài viết: Quy định về lập bản vẽ hoàn công? Mẫu dấu bản vẽ hoàn công của Luật Minh Khuê.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.6162 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Minh Khuê.