1. Thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" là gì?

Trong nhiều loại hợp đồng hiện nay, thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" được sử dụng tương đối rộng rãi. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật hiện hành, vẫn chưa có khái niệm cụ thể về thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" này. Ta có thể hiểu khách quan thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" là bao gồm những vấn đề, những điều khoản đã được liệt kê nhưng không chỉ giới hạn trong những vấn đề, những điều khoản đó. Tức là những thứ được liệt kê ra chỉ là một phần của những thứ nhiều hơn, rộng hơn, to lớn hơn, có thể bao gồm những cái khác nữa. Ví dụ: trong bảng chữ cái có bao gồm các chữ cái từ A đến F nhưng bảng chữ cái đó lại không bị giới hạn bới các chữ cái từ A đến F đó.

Trên thực tế, khi thực hiện hợp đồng đã giao kết, việc tránh khỏi những tình huống phát sinh mà hai bên giao kết hợp đồng không lường trước được là rất khó. Hoặc trên thực tế, có những tình huống phát sinh không thể liệt kê hết hoặc có quá nhiều để có thể liệt kê hết mà chỉ nêu ra những ý chính liên quan đến tình huống phát sinh đó. Khi đó, người soạn thảo hợp đồng sẽ sử dụng thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" để phòng tránh những tình huống phát sinh, cũng như hạn chế tối đa những tổn thất mà hai bên giao kết hợp đồng phải chịu khi rơi vào tình huống đó.

 

2. Các điều khoản trong hợp đồng sử dụng thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn"

Trong giao kết hợp đồng, thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn" thường được bắt gặp sử dụng ở các điều khoản như:

 Điều khoản về sự kiện bất khả kháng

Căn cứ vào Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Bên cạnh đó, trở ngại khách quan cũng được giải thích là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

Từ quy định trên có thể nhận thấy sự kiện bất khả kháng có 03 yếu tố chính là:

- Trở ngại khách quan: những nguyên nhân tự nhiên như: thiên tai, động đất, hỏa hoạn, ...

- Không thể lường trước: sự kiện xảy ra không nằm trong ý chí chủ quan, không thể lường trước được sẽ có sự kiện bất khả kháng tác động vào.

- Không thể khắc phục được: Tức là đã dùng mọi cách thức khắc phục mà vẫn không thể giải quyết được vấn đề.

Nói đến sự kiện bất khả kháng, ta có thể nhắc đến một số trường hợp bao gồm nhưng không giới hạn thiết bị, hệ thống hoặc đường truyển bị lỗi hoặc hư hỏng, hỏa hoạn, lũ lụt, cháy nổ, chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, đình công, bãi công, mất hoặc hư hỏng điện, tranh chấp lao động hoặc hoạt động, yêu cầu được đưa ra bởi Chính phủ, bao gồm không giới hạn. Khi một sự kiện bất khả kháng xảy ra thì mọi hoạt động sẽ bị tạm hoãn, khi sự kiện bất khả kháng đi qua thì các bên sẽ tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Điều khoản về miễn trách nhiệm pháp lý

Ví dụ như trên các trang web, các nội dung hiển thị trên trang web đó được cung cấp nhưng không được đảm bảo về độ chính xác của các nội dung ấy, trừ trường hợp có quy định về biện pháp xử lý khi các nội dung hiển thị trên trang web không được xác thực về độ chính xác cũng như đưa ra những nội dung trong phạm vi pháp luật cho phép.

Các nhà cung cấp, phân phối, quảng cáo được miễn tất cả các điều kiện, bảo hành và các điều khoản khác và không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thiệt hại nào, bao gồm nhưng không giới hạn đối với bất kỳ thiệt hại trực tiếp, gián tiếp, đặc biệt, hậu quả, trừng phạt hay ngẫu nhiên, hoặc thiệt hại cho việc sử dụng, lợi nhuận, dữ liệu hay tài sản vô hình khác, thiệt hại đến uy tín hoặc danh tiếng, hoặc chi phí mua sắm hàng hóa và dịch vụ thay thế, phát sinh từ hoặc có liên quan đến việc sử dụng, không có khả năng sử dụng, hiệu suất thất bại của trang web này và bất kỳ tài liệu nào khác. Mặc dù thiệt hại như vậy đã có thể dự đoán trước hoặc phát sinh trong hợp đồng, vốn chủ sở hữu, bồi thường theo luật hoặc ngược lại.

Điều khoản về nghĩa vụ của các bên tham gia giao kết hợp đồng

Ví dụ với một hợp đồng mua bán hàng hóa, ta có thể xác định được các giá trị của hợp đồng nàycó  bao gồm trách nhiệm, nghĩa vụ của bên bán theo quy định của hợp đồng mua bán hàng hóa (bao gồm nhưng không giới hạn các nghĩa vụ về cung cấp hàng hóa) và tất cả những thứ cần thiết cho việc thực hiện và hoàn thành các công việc trong hợp đồng mua bán, cũng như để khắc phục các sai sót.

Bên cạnh đó, khi soạn thảo hợp đồng, tại bất kỳ điều khoản nào mà không thể liệt kê hết hoặc để đề phòng các tình huống phát sinh tranh chấp có thể xảy ra trong hợp đồng thì người soạn thảo hợp đồng đều có thể sử dụng thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn".

Như vậy, từ những phân tích về các điều khoản trong hợp đồng sử dụng thuật ngữ "bao gồm nhưng không giới hạn", ta có thể nhận thấy đây là cụm từ rất phổ biến và hay được dùng trong soạn thảo hợp đồng với mục đích là đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên trong những trường hợp không thể dự liệu trước trong tương lai và hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý.

>> Xem thêm: Kỹ năng về soạn thảo hợp đồng trong kinh doanh

 

3. Một số cần lưu ý khi đàm phán, soạn thảo, giao kết hợp đồng

Lưu ý về hình thức hợp đồng

Các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng, có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, trừ những trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu hợp đồng giao kết phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể nào đó (ví dụ như giao kết hợp đồng lao động phải được xác lập bằng văn bản).

Đàm phán về mọi thứ có thể xảy ra

Trong quá trình xác lập, giao kết hợp đồng, không gì là không thể xảy ra và không gì là không thể đàm phán. Tất cả mọi thứ, bao gồm cả những điều các bên cam kết không thể xảy ra thì vẫn có thể đàm phán. Bởi khi tranh chấp xảy ra, những điều được cam kết không thể xảy ra kia có thể trở thành sự trở ngại, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thiệt hại. Vì thế, trong giai đoạn đàm phán, thỏa thuận, các bên nên xác định trước những vấn đề không thể chấp nhận và những vấn đề "xấu" có thể chấp nhận được.

Điều khoản về ký kết hợp đồng và việc ủy quyền ký kết hợp đồng

Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là khi cam kết, thỏa thuận của các bên được hình thành, có thể được nêu cụ thể ngày, tháng, năm có hiệu lực trong bản hợp đồng hoặc hợp đồng có hiệu lực từ khi ký. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. 

Về mặt nguyên tắc, tại thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết lời đề nghị của bên được đề nghị là lúc hợp đồng đó được giao kết. Hoặc khi đã hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng và các bên có thỏa thuận im lặng là biểu thị của chấp nhận giao kết, khi đó hợp đồng được giao kết.

Điều khoản về thanh toán

Đây là điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng và không được phép bỏ qua. Một bản hợp đồng được xem là chặt chẽ khi các điều khoản về thanh toán được thỏa thuận, quy định rõ ràng, cụ thể. Ví dụ: không sử dụng những từ ngữ khó hiểu về số tiền được nợ, phải có công thức rõ ràng để xác định số nợ đó, xác định chính xác số tiền nợ là bao nhiêu và thời hạn trả nợ là khi nào, phương thức trả nợ là gì; đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý nếu một bên không thanh toán nợ hoặc chậm thanh toán nợ, ...

Điều khoản về phạt vi phạm

Đây là điều khoản do các bên tự thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, nếu các bên giao kết hợp đồng không có thỏa thuận về điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không phải thực hiện biện pháp chịu phạt vi phạm hợp đồng. Ví dụ, đối với hợp đồng thương mại, các bên thảo thuận cụ thể về mức vi phạm nhưng không được vượt quá 8% giá trị hợp đồng.

>> Tham khảo thêm: Dịch vụ luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng và rà soát hợp đồng

Mọi vướng mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tiếp thông qua tổng đài điện thoại, gọi ngay tới số: 1900.6162 để được giải đáp. Trân trọng!