1. Thời hạn vay, kỳ hạn vay là gì?

Kỳ hạn vay tài sản là một trong các nội dung quan trọng của hợp đồng vay tài sản. Kỳ hạn vay của hợp đồng là căn cứ để xác định thời điểm bên vay phải trả nợ cho bên cho vay, là cơ sở để tính lãi trong hạn (đổi với hợp đồng vay có lãi) và lãi đối với nợ gốc chậm trả (đối với hợp đồng vay có lãi và hợp đồng vay không lãi).

Trong Bộ luật năm 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về kỳ hạn vay tài sản cũng như thời hạn vay.

Vấn đề này được giải thích trong Thông tư 39/2016/TT- NHNN về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức, tín dụng đối với khách hàng, theo đó: Tại khoản 8, 9 Điều 2 có quy định

"Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn."

"Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã thỏa thuận mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng."

Như vậy, trong thông tư này sự phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm thời hạn vay và kỳ hạn trả nợ (kỳ hạn vay). Thực chất, thời hạn vay và kỳ hạn vay đều là căn cứ xác định thời điểm bên vay thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình với bên cho vay. Nhưng thời hạn vay là khoản thời gian tính từ lúc bên vay nhận tiền cho đến khi bên vay trả hết nợ gốc và lãi cho bên cho vay (thông thường, đây là khoảng thời gian kéo dài đến thời điểm chấm dứt hợp đồng); còn kỳ hạn vay là các khoảng thời gian nằm trong thời hạn vay, khi hết kỳ hạn vay, bên vay chỉ phải trả một phần tài sản (không phải trả toàn bộ như thời hạn vay) cho bên cho vay.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận về kỳ hạn vay thì thời hạn vay và kỳ hạn trả nợ là trùng nhau; nếu trường hợp các bên thỏa thuận cụ thể và kỳ hạn trả nợ và thời hạn vay thì hai thời điểm này khác nhau.

Ví dụ: A cho B vay 500.000.000 đồng trong thời gian 3 năm. B cam kết số nợ trên B trả cho A thành 3 đợt: đợt 1 (sau 6 tháng kể từ thời điểm nhận tiền vay): B trả cho A 100.000.000 đồng; đợt 2 (sau 12 tháng kể từ ngày thanh toán đợt 1): B trả cho A: 150.000.000 đồng; đợt 3: B trả cho A toàn bộ số nợ còn lại vào thời điểm kết thúc 3 năm của thời hạn vay. Như vậy, thời hạn vay trong trường hợp này là 3 năm từ thời điểm B nhận tiền cho đến khi B trả hết toàn bộ nợ; kỳ hạn vay là các khoảng thời gian trả nợ vào đợt 1, đợt 2, đợt 3.

Bộ luật dân sự năm 2015 không có sự phân biệt cụ thể giữa kỳ hạn vay và thời hạn vay tài sản, điều này đã gây ra lúng túng trong việc xác định khái niệm trong các điều luật có liên quan đến kỳ hạn vay, cụ thể: Điều 469 và Điều 470 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn và thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn nhưng nội dung của điều luật lại chính xác hơn với khái niệm thời hạn vay. Do đó, đa phần các quan điểm đều cho rằng, thực chất khái niệm thời hạn vay và kỳ hạn vay được dùng như nhau đối với Điều 469 và Điều 470. Kỳ hạn của hợp đồng vay tài sản có thể được xác định bằng một đơn vị thời gian cụ thể hoặc một sự kiện. Nếu dựa trên kỳ hạn vay của họp đồng thì hợp đồng vay tài sản gồm hợp đồng vay có kỳ hạn và hợp đồng vay không có kỳ hạn. Việc thực hiện đối với họp đồng vay có kỳ hạn và hợp đồng vay không có kỳ hạn là khác nhau.

2. Quyền đòi nợ trong hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi

Vì các bên trong hợp đồng vay không có thỏa thuận cụ thể về thời điểm trả nợ, do đó, dựa trên nguyên tắc bình đẳng của luật dân sự, các bên cho vay và bên vay đều có quyền đòi nợ và trả nợ bất cứ thời gian nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một khoảng thời gian hợp lý. Quy định này còn phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 278 Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hạn thực hiện nghĩa vụ.
Theo Khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự 2015:
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi: bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ví dụ: A cho B vay 100 triệu đồng, không có lãi và hai bên không xác định khi nào thì B có nghĩa vụ trả nợ. Sau 1 năm A có nhu cầu dùng tiền, trong trường hợp này A có quyền yêu cầu B trả lại tiền nhưng phải báo trước cho B biết.
Hay sau 5 tháng B bán một mảnh đất nên B trả lại tiền cho A.

3. Quyền đòi nợ trong hợp đồng hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi

Theo khoản 2 Điều 469 Bộ luật dân sự 2015:

"Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý"

Ví dụ: A cho B vay 300.00.000 đồng, lãi suất 1,2%/tháng và hai bên không thỏa thuận về kỳ hạn vay. 6 tháng sau vì cần tiền đầu tư làm ăn nên A đã thông báo đến B về việc đòi nợ. Tiền lãi trong tình huống này được tính từ thời điểm vay cho đến thời điểm trả nợ (thời điểm trả nợ thực tế).

4. Quyền đòi nợ trong hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi

Kỳ hạn vay là một trong các nội dung mà cả bên vay và bên cho vay đều chú trọng khi giao kết hợp đồng, do đó, trên thực tế, đa phần các hợp đồng vay đều xác định kỳ hạn. Phương thức thực hiện đối với hợp đồng vay có kỳ hạn dựa theo tính chất của hợp đồng vay là có đền bù hoặc không có đền bù.

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi quyền đòi lại tài sàn và quyền trả tài sản của hai bên được quy định tại Điều 470 Bộ luật dân sự 2015:

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

Như vậy, hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi là hợp đồng vay mà các bên ấn định cụ thể về thời điểm trả nợ và bên cho vay không tính lãi đối với khoản tiền vay. Đối với hợp đồng này thì:

- Bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý;

- Còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

5. Quyền đòi nợ trong hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi

Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi là hợp đồng vay mà các bên ấn định cụ thể về thời điểm trả nợ và thỏa thuận về việc trả lãi. Đối với hợp đồng này thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường họp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cụ thể Điều 470 Bộ luật dân sự 2015:

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi, pháp luật không cho phép bên cho vay được quyền đòi lại tài sản trước thời hạn. Bởi vì nếu cho phép bên cho vay đòi tài sản trước thời hạn sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên vay và có thể gây thiệt hại cho bên vay. Hơn nữa, trong thời hạn vay, bên vay không chuẩn bị hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước thời hạn. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của bên vay là bên yếu thế trong quan hệ vay.

6. Tìm hiểu về hình thức vay họ, hụi, biêu, phường

Họ, hụi, biêu, phường là một giao dịch dân sự, được hình thành trên cở sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền (hoặc tài sản), thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Do có sự khác biệt về ngôn ngữ, ở mỗi vùng miền thì họ được gọi theo các tên gọi khác nhau như: ở miễn Bắc thường gọi là họ; ở miền Nam thường gọi là hụi; còn ở Miền Trung thường gọi là biêu, phường. Mặc dù tên gọi không thống nhất ở mỗi miền nhưng nội dung của họ, hụi, biêu, phường đều là một. Họ, hụi, liên, phường là chế định nằm trong mục về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật dân sự 2015. Theo Điều 471 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.

4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Vị trí của quy định về họ xuất phát từ lý do, họ là một hình thức cho vay đặc biệt giữa những người cùng chơi họ. Đây là hình thức vay phổ biến trong cộng đồng dân cư, chịu ảnh hưởng lớn của tập quán. Trên cơ sở tương thích với tập quán, tôn trọng ý chí của cộng đồng dân cư, Nhà nước ta có chính sách cụ thể về họ như:

- Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân;

- Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sận của người khác (Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định về họ, hụi, biêu, phường).

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Trân trọng./.