Thưa luật sư, pháp luật lao động hiện hành quy định như thế nào về thời gian nghỉ trong giờ làm việc ạ? Có gì thay đổi so với quy định cũ trước đây hay không? Thời gian nghỉ hằng tuần và nghỉ lễ tết có thay đổi gì không?

Rất mong nhận được phản hồi từ luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Hoàng Huy - Bắc Giang

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Lao động của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Lao động, gọi: 1900 6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật lao động năm 2019

2. Nghỉ trong giờ làm việc

2.1. Quy định về nghỉ trong giờ làm việc

Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:

1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

2.2. Bình luận quy định về nghỉ trong giờ làm việc

Về mặt sinh học lao động, khoảng thời gian làm việc liên tục do người lao động phải tập trung cao độ để thực hiện việc làm nên sức lao động giảm sút, mệt mỏi tăng lên, năng suất lao động thấp hơn. Vì thế, để giúp người lao động có thời gian thư giãn thần kinh, cơ bắp, thực hiện công việc có hiệu quả và thực tế pháp luật lao động các nước trên thế giới cũng quy định thì Bộ luật lao động ở các thời kỳ đều quy định thời gian nghỉ trong giờ làm việc.

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc được hiểu là khoảng thời gian người lao động tạm dừng thực hiện công việc để nghỉ ngơi, ăn uống hoặc thực hiện các nhu cầu cần thiết khác nhằm khôi phục sức lao động sau đó lại tiếp tục làm việc. So với quy định của bộ luật lao động cũ năm 2012 thì quy định trong bộ luật lao động 2019 đã có sự thay đổi.

Bộ luật lao động cũ năm 2012, tại Điều 108 quy định: "1) Người lao động làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc. 2) Trường hợp làm việc ban đêm, thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất bốn năm phút, tính vào thời giờ làm việc". Cụ thể quy định này, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 45/2013 hướng dẫn:

"Thời gian nghỉ giữa giờ làm việc quy định tại khoản 1và khoản 2 Điều 108 của Bộ luật lao động được coi là thời giờ làm việc áp dụng trong ca liên tục 8 giờ trong điều kiện bình thường hoặc 6 giờ trong trường hợp được rút ngắn. Thời điểm nghỉ cụ thể cho người sử dụng lao động quyết định:.

Thực tế thực hiện tại nhà doanh nghiệp trong thời gian qua đã có các cách kiểu không thống nhất về "thời gian làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ" để thời gian được nghỉ tính vào "thời gian làm việc". Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách tổ chức lao động theo các phương án làm việc trong ca không liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ để không tính thời gian nghỉ này là thời giờ làm việc cho người lao động. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, thậm chí đình công tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định rõ: Nếu người lao động có thời gian làm việc ban ngày theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục này được tính vào thời giờ làm việc. Còn nếu người lao động làm việc không theo ca liên tục đủ từ 06.00 trở lên trong một ngày thì thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục này không được tính vào thời gian làm việc. Tương tự, trường hợp người lao động làm việc ban đêm thì người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục và được tính vào thời gian làm việc nếu điều kiện làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên. Nếu người lao động làm việc ban đêm, nhưng không làm việc theo ca liên tục từ 06.00 trở lên, thì dù được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục, nhưng thời gian nghỉ này không tính vào thời gian làm việc.

Như vậy, quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019 chặt chẽ và rõ ràng hơn, tạo ra cách hiểu thống nhất cho các doanh nghiệp, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền lợi được nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động.

Ngoài thời gian nghỉ nêu trên, khoản 2 Điều 109 còn quy định người sử dụng lao động tùy vào điều kiện cụ thể của đơn vị, bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao khác và ghi vào nội quy lao động. Như vậy, cũng như các quy định khác về quyền lợi, pháp luật thì xác định ở mức tối thiểu, còn các mức thời gian nghỉ khác hoàn toàn cho người sử dụng lao động quyết định. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, các đợt nghỉ ngắn nên cho người sử dụng lao động thỏa thuận, thương lượng với tổ chức đại diện người lao động thương lượng tập thể và ghi trong thỏa ước lao động tập thể thay vì người sử dụng lao động quy định và ghi trong nội qui lao động như hiện nay để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.

3. Nghỉ chuyển ca

Nghỉ chuyển ca được quy định tại Điều 110 Bộ luật lao động như sau: "Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác."

Nghỉ chuyển ca là thời gian người lao động được nghỉ giữa hai ca làm việc liên tục. Điều 110 quy định thời gian nghỉ chuyển ca tối đối với người lao động làm việc theo ca tối thiểu phải là 12 giờ để bảo đảm khả năng tái tạo sức lao động cho người lao động trước khi chuyển sang ca làm việc tiếp theo.

Nghỉ chuyển ca là loại thời gian nghỉ để cho các doanh nghiệp làm việc theo ca. Thời gian nghỉ chuyển ca không được coi là thời giờ làm việc và người lao động không được hưởng lương.

4. Nghỉ hàng tuần

Nghỉ hàng tuần được quy định tại Điều 111 Bộ luật lao động như sau:

"1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp."

"Tuần" được xác định trong Điều 111 và các quy định của bộ luật lao động năm 2019 là 7 ngày (từ thứ hai đến chủ nhật) tính thời gian nghỉ hàng tuần là khoảng thời gian cố định trong tuần mà người lao động được nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe, chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Trên cơ sở quy định của ILO, cũng như trong các bộ luật lao động trước đây, Điều 111 quy định mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trường hợp đặc biệt, do chu kỳ lao động mà người lao động không thể nghỉ hàng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhằm để phù hợp với nhu cầu lao động và điều kiện cụ thể trong đơn vị sử dụng lao động.

Thông thường trong thực tế, người sử dụng lao động sắp xếp ngày nghỉ hàng tuần cho người lao động vào ngày chủ nhật để phù hợp với nếp sinh hoạt, học tập, lao động của gia đình và xã hội, tạo điều kiện để người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ.

Tuy nhiên, đối với những đơn vị khác tính chất công việc không thực hiện nghỉ hằng tuần vào chủ nhật thì pháp luật cũng được linh hoạt sắp xếp nghỉ vào ngày cố định khác trong tuần. Dù nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hay ngày khác cố định trong tuần thì người sử dụng lao động phải ghi vào nội quy lao động để người lao động biết và thực hiện. Vì vậy, quan niệm nghỉ hằng tuần là vào ngày cuối tuần (thứ bảy hoặc chủ nhật) là không hoàn toàn đúng. Nhưng nay, theo xu hướng chung của các nước trên thế giới, khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại thì thời gian làm việc trong tuần ngày càng được rút ngắn, tương ứng với thời gian nghỉ hàng tuần sẽ tăng lên.

Nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc. Khi nghỉ hàng tuần, người lao động không được hưởng lương. Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ này thì được hưởng 200% tiền lương so với ngày làm việc bình thường.

5. Nghỉ lễ, tết

Ngày nghỉ lễ, tết được quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động năm 2019:

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.

Thời gian nghỉ lễ, tết có hưởng lương được xác định theo phong tục tập quán của mỗi quốc gia. Thông thường, các quốc gia trên thế giới thì thời gian nghỉ lễ tết bao gồm những ngày trọng đại của đất nước (ngày thành lập đất nước; ngày cách mạng thành công, ngày giải phóng...); Ngày kỷ niệm trọng đại của quốc tế (Ngày Quốc tế lao động...), ngày tết cổ truyền của dân tộc (Tết Âm lịch, Tết trung thu); ngày lễ tôn giáo truyền thống (Ngày Phật đản, Lễ Thiên chúa giáng sinh, Lễ phục sinh, Lễ Thanh minh...).

Cũng như các nước trên thế giới, ngày nghỉ lễ tết ở Việt Nam được coi là thời gian nghỉ ngơi quan trọng trong năm. Nếu như Bộ luật lao động cũ năm 2012 quy định tổng thời gian nghỉ lễ trong năm năm là 10 ngày thì Bộ luật lao động năm 2019 quy định thời gian nghỉ ngày tăng lên 11 ngày, cụ thể là tăng số ngày nghỉ quốc Khánh từ 01 ngày lên 02 ngày. Ngày nghỉ quốc khánh do thủ tướng chính phủ quyết định, ngoài 2/9 cố định thì có thể là 1/9 hoặc 3/9 dương lịch.

Việc tăng thêm một ngày nghỉ lễ trong năm đối với người lao động Việt Nam là phù hợp, bởi số ngày nghỉ lễ, tết ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ ở mức trung bình thấp và ở mức thấp so với các quốc gia: Campuchia nghỉ 28 ngày, Bruney nghỉ 15 ngày, Indonesia nghỉ 16 ngày, Malaysia nghỉ 12 ngày, Myanmar nghỉ 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày và Thái Lan là 16 ngày. Việc tăng thêm một ngày lễ cũng giúp cho người lao động có thêm một ngày nghỉ trong năm để tái sản xuất sức lao động, thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành kinh tế dịch vụ phát triển.

Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hằng năm tăng lên 11 ngày, trong đó: Tết dương lịch là 01 ngày, Tết âm lịch là 05 ngày, ngày chiến thắng là 01 ngày, ngày Quốc tế lao động là 01 ngày, ngày quốc khánh 02 ngày hai ngày, ngày giỗ tổ Hùng vương là 01 ngày.

Riêng đối với lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngoài những ngày nghỉ lễ, tết theo quy định trên, còn được nghỉ thêm 01 ngày tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ. Điều đó thể hiện pháp luật lao động Việt Nam luôn tôn trọng phong tục, tập quán, lịch sử, văn hóa và ngày lễ trọng đại của các quốc gia trên thế giới, đồng thời tôn trọng quyền được nghỉ và hưởng thụ những giá trị tinh thần trong những dịp lễ, tết trọng đại nhất của người lao động nước ngoài khi làm việc ở Việt Nam.

Khi nghỉ lễ, tết, người lao động được hưởng nguyên lương. Nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết thì ngoài tiền lương còn được hưởng thêm 300% tiền lương so với ngày làm việc bình thường.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập