1.Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu Âu (PECL)

Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu Âu (sau đây gọi là ‘PECL’) là kết quả công việc của Ủy ban Luật hợp đồng châu Âu, một tổ chức của các luật sư đến từ các quốc gia thành viên của Cộng đồng châu Âu, do Giáo sư Ô-lê Lan-đô đứng đầu. PECL đáp ứng yêu cầu của Cộng đồng châu Âu - đó là cần có nền tảng cho luật hợp đồng, nhằm tăng cường sự phát triển nhanh chóng số lượng các văn bản pháp luật của Cộng đồng châu Âu điều chỉnh các loại hợp đồng cụ thể.  PECL gồm có Phần I, Phần II và Phần III, bao gồm các quy định nền tảng về hợp đồng, giao kết hợp đồng, quyền đại diện, hiệu lực hợp đồng, giải thích hợp đồng, nội dung hợp đồng, thực hiện hợp đồng, không thực hiện hợp đồng (vi phạm) và các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng. Phần I và Phần II của PECL (từ Chương 1 đến Chương 9) được thông qua vào năm 1999, Phần III (từ Chương 10 đến Chương 17), được xem xét lại vào năm 2002, bao gồm các quy định điều chỉnh hợp đồng có nhiều bên tham gia, nhượng quyền khiếu nại, thay thế nợ mới, chuyển giao hợp đồng, thực hiện bù nghĩa vụ (‘set-off’), thời hiệu, tính bất hợp pháp, các điều kiện hợp đồng, và tư bản hoá lợi tức. Có thể nói rằng ngày nay, PECL được xem là quy định hữu ích điều chỉnh hợp đồng mua bán quốc tế, nhưng chỉ trong mối liên hệ với các quốc gia châu Âu. Việc áp dụng PECL, nguyên tắc tự do hợp đồng, giao kết hợp đồng và các biện pháp khắc phục khi không thực hiện hợp đồng theo PECL sẽ được đề cập dưới đây.

2. Áp dụng PECL

Cũng giống như CISG, PECL đưa ra giải pháp cho vấn đề phát sinh mà hệ thống luật hoặc các quy định của luật áp dụng không giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, PECL có thể chỉ được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế có liên quan đến châu Âu. Theo Điều 1:101, PECL sẽ được áp dụng cho những trường hợp sau: - Các bên thoả thuận đưa PECL vào hợp đồng, hoặc hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi các nguyên tắc PECL. - Các bên thoả thuận rằng hợp đồng của họ sẽ được điều chỉnh bởi ‘các nguyên tắc chung của pháp luật’, lex mercatoria, hoặc những quy định tương tự; - Các bên không chọn bất kì hệ thống luật hay quy định pháp luật nào để điều chỉnh hợp đồng. Đồng thời, mặc dù không có điều khoản lựa chọn luật nào được quy định trong hợp đồng, nhưng phải liên quan tới châu Âu.

3. Nguyên tắc tự do hợp đồng

Nguyên tắc tự do hợp đồng là một nguyên tắc cơ bản. Phần lớn các quy định trong PECL là những áp dụng cụ thể của nguyên tắc tự do hợp đồng. Việc áp dụng trực tiếp nguyên tắc tự do hợp đồng được quy định tại Điều 1:102 PECL. Các bên được tự do giao kết hợp đồng và quyết định nội dung của hợp đồng, tùy thuộc vào sự thiện chí, tính công bằng và các quy định bắt buộc của PECL. Tuy nhiên, các bên có thể không áp dụng bất kì quy định nào của PECL, hoặc làm giảm hoặc thay đổi hiệu lực của các quy định đó, trừ khi PECL có quy định khác. Về yêu cầu thiện chí, PECL quy định rằng, trước khi bảo lưu trách nhiệm của bên đàm phán thiếu thiện chí, PECL ghi nhận quyền tự do đàm phán của các bên, mà không có gì khác, ngoài việc thể hiện sự tự do hợp đồng ở giai đoạn trước khi kí kết hợp đồng.  Điều 1:103 của PECL quy định chi tiết giới hạn của tự do hợp đồng bằng các quy định bắt buộc. Trong trường hợp luật áp dụng đã được xác định bởi quy tắc chọn luật của toà án trước khi diễn ra tranh chấp, thì điều khoản này vẫn cho phép các bên ‘lựa chọn PECL làm luật điều chỉnh hợp đồng của họ, theo đó sẽ không phải áp dụng các quy định bắt buộc của luật quốc gia’, trừ những quy định luôn luôn được áp dụng, bất kể luật điều chỉnh là luật nào. Do đó, việc các bên có quyền tự do áp dụng PECL cho hợp đồng có thể cho phép họ trốn tránh áp dụng một số quy phạm mệnh lệnh của luật quốc gia, những quy phạm được gọi là luật bắt buộc ‘thông thường’, sẽ đối lập với cái gọi là ‘luật áp dụng trực tiếp’ - luật được áp dụng mà không cần quan tâm đến luật nào điều chỉnh hợp đồng. Những quy định áp dụng trực tiếp là những quy định ‘mang ý nghĩa của một chính sách công cơ bản của quốc gia ban hành quy định đó, và nó phải có hiệu lực điều chỉnh hợp đồng, khi hợp đồng có mối quan hệ mật thiết với quốc gia này’. Do đó, trong bất kì trường hợp nào, quyền tự do áp dụng PECL cho hợp đồng của các bên không có nghĩa là cho phép các bên trốn tránh việc áp dụng các quy phạm mệnh lệnh của luật quốc gia, luật siêu quốc gia hay luật quốc tế, mà những quy phạm mệnh lệnh này luôn được áp dụng cho hợp đồng, bất kể luật điều chỉnh hợp đồng là luật nào. Quyền tự do hợp đồng của các bên bị giới hạn một cách có hệ thống bởi các quy phạm mệnh lệnh cơ bản. Tự do quyết định nội dung của hợp đồng nghĩa là tự do quy định các nghĩa vụ, nơi thực hiện nghĩa vụ,  ngày thực hiện hợp đồng, hoặc đồng tiền được sử dụng để thanh toán. PECL giữ lại nhiều khái niệm về các nguyên tắc cơ bản và bỏ đi những khái niệm không nhất quán của pháp luật các nước, về ‘trái đạo đức’, ‘tính bất hợp pháp’, ‘chính sách công’ và ‘đạo đức’. Bình luận về Điều 15:102 chỉ ra rằng mặc dù PECL tạo ra một hệ thống các quy định độc lập, áp dụng cho các hợp đồng được điều chỉnh bởi PECL, song vẫn không thể bỏ qua tất cả các điều khoản của luật quốc gia hay các quy định khác của luật áp dụng cho những hợp đồng đó, cụ thể là những quy định hoặc lệnh cấm công khai hoặc hiểu ngầm, làm cho hợp đồng trở nên vô hiệu, không có hiệu lực (không có giá trị), có thể bị huỷ hoặc không thể thực hiện được trong một số hoàn cảnh nhất định. Do đó, việc tiếp tục phân biệt các quy phạm mệnh lệnh tại Điều 1:103 của PECL là cần thiết.

4.Giao kết hợp đồng

Nên lưu ý rằng các điều kiện giao kết hợp đồng cũng được quy định trong PECL. Mặc dù không đặt tên nguyên tắc, nhưng PECL đã quy định về nguyên tắc đồng thuận, khi trước tiên nêu rõ rằng hợp đồng được giao kết nếu có sự thoả thuận của các bên, đó là ý định chịu sự ràng buộc về mặt pháp luật và đạt được thoả thuận đầy đủ mà ‘không cần phải có thêm bất kì yêu cầu nào’.Thêm vào đó, có thể nhận thấy rõ ràng rằng: ‘Một hợp đồng không cần phải giao kết hoặc chứng minh bằng văn bản, cũng không cần phải phụ thuộc vào bất kì yêu cầu nào về hình thức (…)’. Như đã đề cập ở trên, theo PECL, một hợp đồng được giao kết trên cơ sở thoả thuận giữa các bên,việc giao kết hợp đồng được thực hiện chủ yếu thông qua trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng. Một chào hàng có thể bị huỷ cho đến lúc được chấp nhận chào hàng, trừ khi chào hàng đó được xem là chào hàng cố định. Chấp nhận chào hàng không phù hợp với chào hàng được xem là ‘chào hàng mới’ (‘counter-offer’), trừ khi những thay đổi đó là không cơ bản. Đàm phán phải được tiến hành và tiếp tục trên cơ sở thiện chí. Mặc dù rõ ràng là PECL điều chỉnh việc giao kết hợp đồng thông qua trao đổi chào hàng và chấp nhận chào hàng, PECL cũng làm rõ rằng: các quy định về giao kết hợp đồng sẽ được xem là luật áp dụng, kể cả trong trường hợp hợp đồng được giao kết theo một cách khác. Điều này gián tiếp thừa nhận rằng hợp đồng được phép giao kết theo nhiều cách khác nữa.

5. Các biện pháp khắc phục khi không thực hiện hợp đồng

 PECL quy định các biện pháp khắc phục vi phạm hợp đồng như sau: - Buộc thực hiện đúng hợp đồng; - Giảm giá; - Chấm dứt hợp đồng. Biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng được giới hạn bởi một vài điều khoản. Theo PECL, biện pháp buộc thực hiện đúng hợp đồng không được thừa nhận, nếu việc đó là bất hợp pháp hoặc bất khả thi, hoặc việc đó sẽ gây phiền toái bất hợp lí, hoặc việc đó có thể đạt được bằng các cách khác. Ngoài ra, PECL cũng mở rộng các hạn chế này để đối với biện pháp khắc phục áp dụng đối với hành vi thực hiện không đúng hợp đồng (‘defective performance’). PECL cũng quy định biện pháp giảm giá. Biện pháp chấm dứt hợp đồng phụ thuộc vào việc vi phạm đó có phải là vi phạm cơ bản hay không, hoặc bên không thực hiện hợp đồng đã được thông báo gia hạn hợp đồng hay chưa. Bên cạnh những biện pháp khắc phục vi phạm nêu trên, biện pháp bồi thường thiệt hại cũng được đưa ra. PECL giả định rằng thiệt hại có thể được bồi thường trên cơ sở trách nhiệm nghiêm ngặt, do đó không đòi hỏi phải chứng minh sự sơ suất/bất cẩn của bên không thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, PECL cũng tạo ra ngoại lệ cho tình huống theo đó việc thực hiện hợp đồng bị ngăn cản, do xuất hiện một sự kiện vượt quá khả năng kiểm soát của bên vi phạm. Về vấn đề tính toán bồi thường thiệt hại, PECL quy định rằng tổng số tiền trả cho bên không vi phạm sẽ bằng số tiền mà đáng lẽ ra hợp đồng được thực hiện đúng, và phải bao gồm các chi phí phát sinh cũng như lợi nhuận bị mất. Về mức độ của thiệt hại, PECL áp dụng tiêu chí ‘khả năng có thể tiên liệu được thiệt hại’ như là hậu quả tiềm tàng của vi phạm. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng về vấn đề này, PECL quy định tiêu chí ‘cẩu thả hiển nhiên’ (‘gross negligence’) hoặc ‘cố ý làm sai’ (‘intentional misconduct’). Nếu hành vi của bên vi phạm là ‘cẩu thả hiển nhiên’ (‘gross negligence’) hoặc ‘cố ý làm sai’ (‘intentional misconduct’), thì việc bồi thường thiệt hại sẽ không giới hạn ở những thiệt hại có thể tiên liệu được. Về miễn trừ trách nhiệm do có trở ngại nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên vi phạm, các biện pháp khắc phục như bồi thường thiệt hại và buộc thực hiện đúng hợp đồng sẽ không được thừa nhận. Sự miễn trừ trách nhiệm sẽ được duy trì, khi mà tác động của những trở ngại đó vẫn còn tồn tại. Tác động của những trở ngại nêu trên sẽ là điều kiện cho phép bên chịu thiệt hại được đàm phán lại, hoặc yêu cầu toà án phán quyết chấm dứt hợp đồng. Mặc dù có một vài điều khoản trong PECL giới hạn phạm vi áp dụng của PECL chỉ ở phạm vi Âu, nhưng PECL vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thống nhất các quy định điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế trên thế giới.

Luật Minh Khuê ( sưu tầm và biên tập)